Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán Việt Nam đặt kỳ vọng nâng hạng thị trường trước 2025

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sự ra đời của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) và việc hệ thống văn bản pháp luật mới về chứng khoán, đầu tư, doanh nghiệp cùng có hiệu lực trong năm 2021 được các nhà quản lý kỳ vọng sẽ giúp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn, phấn đấu nâng hạng thị trường trước năm 2025.

Chiều 28-12, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán (Câu lạc bộ - PV) công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2021. Trong đó, sự kiện ra mắt Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) và việc nhiều chính sách có hiệu lực được kỳ vọng sẽ tạo một nền móng vững chắc để đưa TTCK Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới – phát triển mạnh mẽ, chất lượng hơn và bền vững hơn.

Giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường đạt mức 26.211 tỉ đồng mỗi phiên trong giai đoạn từ đầu năm 2021 tới 17–12. Ảnh minh hoạ: M.P.

Với sự kiện ra mắt Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNX – cho biết sự ra đời của Sở sẽ thống nhất các yếu tố, gồm: tư duy, chiến lược phát triển; mô hình quản trị; cơ chế quản lý, giám sát; giải pháp phát triển thị trường theo sản phẩm và dịch vụ.

Những yếu tố này, theo ông Long, sẽ giúp TTCK tăng trưởng mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu. Đồng thời, tăng cường kết nối tốt hơn với các thị trường khu vực và quốc tế, qua đó thúc đẩy nhanh tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam và thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài.

“Ở nhiều quốc gia, việc hợp nhất các Sở giao dịch không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước mà còn mang tính đa quốc gia, khu vực. Vì thế, TTCK Việt Nam cũng cần có một Sở giao dịch thống nhất thị trường giao dịch để hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và tăng vị thế, từ đó hỗ trợ việc thu hút tốt hơn các dòng vốn quốc tế vào nền kinh tế”, ông Long nói với phóng viên trước ngày VNX ra mắt.

Về chính sách, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư (sửa đổi) và các Nghị định hướng dẫn Luật cùng có hiệu lực vào đầu năm 2021. Ở cấp thi hành, Thông tư số 57/2021 của Bộ Tài chính về lộ trình sắp xếp lại các thị trường chứng khoán Việt Nam đã chính thức ban hành.

Theo đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) phải thống nhất tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu và chứng khoán phái sinh trước 31-12-2022

Còn Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) phải thống nhất tổ chức thị trường giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm niêm yết, thị trường giao dịch cổ phiếu của tổ chức đăng ký giao dịch trước 30-6-2025.

Một dấu ấn chính sách khác với TTCK Việt Nam trong năm 2021 là việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) công bố “Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài”. Điều này là cơ sở để doanh nghiệp niêm yết trên thị trường có căn cứ xác định mức “nới room” - cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu thêm cổ phiếu của doanh nghiệp.

Việc hệ thống văn bản pháp luật mới về chứng khoán, đầu tư, doanh nghiệp có hiệu lực trong cùng năm, theo bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), sẽ tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và hoàn thiện hơn.

Với lĩnh vực chứng khoán, bà cho biết những quy định mới về nâng chuẩn hàng hóa trên thị trường, tăng cường minh bạch vàc ông bố thông tin, nâng cao điều kiện về phát hành, niêm yết chứng khoán, quản trị công ty sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn trong và ngoài nước. Đồng thời, mở rộng dịch vụ cho khối kinh doanh chứng khoán.

Với thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, các quy định tại Luật Đầu tư, Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, không gian cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mở hơn nữa, theo bà Bình.

Bên cạnh hai sự kiện trên, tám sự kiện nổi bật khác của năm 2021 cũng được Câu lạc bộ công bố, gồm:

Sự kiện Nội dung
Giải bài toán nghẽn lệnh giúp “cởi trói” thanh khoản Ngày 5-7-2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) chính thức đưa vào vận hành giải pháp xử lý sự cố hệ thống giao dịch tại Sở do HOSE phối hợp với FPT xây dựng trên nền tảng phần mềm hệ thống của HNX. Giải pháp mới với năng lực xử lý 3-5 triệu lệnh một ngày đã đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư.

Điều này giúp giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường đạt mức 26.211 tỉ đồng mỗi phiên trong giai đoạn từ đầu năm 2021 tới 17–12, đây là mức cao nhất trong suốt 21 năm vận hành thị trường.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu vượt 120% GDP Quy mô thị trường cổ phiếu đã bằng 122,2% GDP năm 2020 tính tới 12-11-2021, qua đó hoàn thành mục tiêu vốn hóa của chứng khoán bằng 120% GDP vào năm 2025 tại Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020 – 2025 trước 4 năm.
Loạt biện pháp chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và Bộ Tài chính đã liên tục phát đi các thông tin cảnh báo rủi ro tiềm ẩn của trái phiếu doanh nghiệp tới nhà đầu tư nhiều như thế. Đặc biệt, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý, đẩy mạnh thanh tra, xử lý sai phạm trên thị trường này.

Theo đó, UBCKNN phối hợp các đơn vị chức năng để tổ chức các đoàn kiểm tra tại các tổ chức phát hành và công ty chứng khoán. Kết quả, UBCKNN đã xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup, Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group, Công ty cổ phần Chứng khoán quốc tế Việt Nam (VIS).

Về pháp lý, NHNN đã ban hành Thông tư 16, còn Bộ Tài chính đang gấp xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 153 để tăng cường chất lượng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới lập kỷ lục Tổng số tài khoản chứng khoán đã đạt mức 4,08 triệu tính tới cuối tháng 11-2021, tăng khoảng 1,31 triệu tài khoản so với thời điểm cuối năm 2020. Đáng lưu ý, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở tới 1,306 triệu tài khoản trong 11 tháng của năm 2021 – cao hơn 3,3 lần so với số lượng tài khoản được mở trong năm 2020.
Quy mô tăng vốn của doanh nghiệp niêm yết cao kỷ lục 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương 102.600 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phần trong năm 2021. Nếu các doanh nghiệp thực hiện thành công kế hoạch phát hành, lượng vốn huy động qua phát hành cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết năm 2021 dự kiến cao hơn lần lượt 1,4 lần và 5 lần so với năm 2019 và 2020.
Hoàn thành “giải cứu” Vietnam Airlines Vietnam Airlines chính thức ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại, gồm: Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với tổng số tiền 4.000 tỉ đồng vào 7-7-2021. Tới 20-9, 4.000 tỉ đồng đã được rót cho Vietnam Airlines.

Tới 13-9, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã giải ngân gần 7.000 tỉ đồng để mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phiếu của cổ đông Nhà nước theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, qua đó hoàn thành giải ngân gói “giải cứu” được Quốc hội thông qua cuối năm 2020.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục Nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại – PV) đã bán ròng gần 60.000 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam tính tới giữa tháng 12-2021, qua đó xác lập mức bán ròng kỷ lục trong nhiều năm qua.
Chỉ số VN-Index lập đỉnh lịch sử mới Thị trường chứng khoán có bước tăng trưởng vượt bậc với sự kiện chỉ số VN-Index vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào tháng 4-2021. Đây là đỉnh lịch sử đã thiết lập trong suốt lịch sử 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam với hai lần chạm tới vào năm 2007 và 2018.

Sau khi VN-Index vượt qua đỉnh lịch sử, thị trường tiếp tục thăng hoa và hiện giao dịch quanh ngưỡng 1.500 điểm.

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới