Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chừng nào giáo dục đại học Việt Nam hội nhập?  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chừng nào giáo dục đại học Việt Nam hội nhập?  

Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong các trường đại học chưa được chú trọng. Ảnh minh họa: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có một đại học lọt vào top 200 của thế giới. Nhưng thế giới không đứng yên một chỗ để ta phấn đấu. Trong khi hiện tại giáo dục đại học Việt Nam còn phải giằng co giữa việc đảm bảo chất lượng và mở rộng quy mô.  

“Trong 3 công đoạn đảm bảo chất lượng: đầu vào, giáo viên, quy trình đào tạo (chương trình, phương pháp giảng dạy…), giáo dục đại học chỉ mới tác động ở đầu vào. Cần phải đưa ra chuẩn giáo viên, chương trình, đánh giá chất lượng đầu ra…”, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thiện Nhân đã mở đầu như vậy tại hội nghị toàn quốc chất chất lượng giáo dục đại học do Bộ GD-ĐT tổ chức vào cuối tuần qua, quy tụ 17 bộ cùng 343 trường đại học, cao đẳng cả nước tham dự. Số lượng đại biểu tham dự nhiều hơn dự kiến thể hiện sự quan tâm của các trường đối với vấn đề chất lượng – có tính chất sống còn trong giai đoạn hiện nay.

Thay đổi tư duy quản lý

“Giật mình” là từ mà TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Bàng dùng khi nói về suy nghĩ của các trường về vấn đề chất lượng giáo dục đại học. Theo ông Hùng, các trường chỉ mới quan tâm vấn đề này và đang tính có những chấn chỉnh.

Liên kết đào tạo chưa như kỳ vọng

20 trường đại học tham gia kiểm định thí điểm của Bộ GD-ĐT đều cho rằng hoạt động hợp tác quốc tế của trường đã có đóng góp tích cực tới việc cải thiện chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, khảo sát của bộ cho thấy vẫn còn một số tồn tại: Một số chương trình không đảm bảo cơ sở pháp lý; công tác quản lý chưa có những quy định chặt chẽ nên các liên kết đào tạo chạy theo số lượng, dẫn đến chất lượng một số chương trình liên kết chưa đạt yêu cầu. Cá biệt, có chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ với nước ngoài nhưng giảng dạy bằng tiếng Việt và chỉ học trong 10 tháng.  

PGS-TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, bày tỏ lo ngại về mục tiêu đào tạo. Ông cho rằng, thời gian qua học sinh thi vào trường không biết mình sẽ là ai sau quá trình đào tạo; doanh nghiệp cũng không biết cụ thể mục tiêu đào tạo của từng ngành của trường đó như thế nào; thậm chí giáo viên cũng chỉ dạy cho xong môn của mình mà không hiểu hết mục tiêu đào tạo của ngành mình đang dạy; kế cả người xây dựng chương trình cũng chú ý cái chung mà quên đi đặc thù của cơ sở đào tạo và nguồn lực nơi đơn vị đó đóng. Ông Cần kết luận: “Không đặt vai trò mục tiêu lên cao thì chất lượng sẽ không đạt được”.

Nhìn nhận tổng quát hơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, cho rằng, việc quản lý chất lượng chưa đồng bộ, phần lớn dựa trên nguyên tắc kiểm soát chất lượng đầu vào, chưa chú ý đảm bảo chất lượng quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra. Hậu quả là sau nhiều năm tiến hành tổ chức đào tạo nhưng nhiều trường đại học vẫn phải thuê mướn phòng học, mặt bằng, giảng viên thuê từ các cơ sở khác; nhiều ngành, chuyên ngành đào tạo thiếu trầm trọng giáo viên và cán bộ nghiên cứu. .

Có thực mới vực được đạo

Về quản lý thì như vậy, còn về nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học thì cũng đang hết sức hạn chế. PGS-TS Thái Bá Cần nêu ý kiến: “Đừng lầm tưởng đưa vào các tiêu chí một cách chặt chẽ là chất lượng sẽ được nâng lên. Xã hội giao trọng trách nâng cao chất lượng cho các trường nhưng nguồn lực lại hữu hạn và bị chặn”. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Phải có sự thay đổi về học phí mới mong thay đổi được đầu ra”. TS Nguyễn Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cũng đồng tình với nhận định này, ông nói: “Đẹp, bền, tốt, rẻ chỉ là quảng cáo. Đầu tư ít thì khó có thể có được sản phẩm chất lượng”.

Theo Thứ trưởng Bành Tiến Long, một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn 2008-2020 là Nhà nước tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục đại học. Đồng thời, đổi mới chính sách tài chính và huy động nguồn lực, xác lập sự chia sẻ chi phí giáo dục đại học giữa Nhà nước, người học và cộng đồng; xây dựng cơ chế học phí, học bổng, tín dụng sinh viên phù hợp… .

Du nhập khoa học

Còn thấp so với chuẩn quốc tế

“Nguồn cung giáo dục đại học đã tăng lên nhưng vẫn còn thấp theo tiêu chuẩn quốc tế. Chất lượng chưa đủ và hệ thống chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Nhu cầu về giáo dục đại học đang ngày càng chịu sự chi phối bởi những thay đổi của nghề nghiệp và công nghệ thiên về kỹ năng, và các thiếu hụt kỹ năng vẫn đang tăng lên. Nguồn cung giáo dục đại học cần được mở rộng ở cấp chất lượng cao hơn và phù hợp”.  

Ông Arjan Koeslag, cố vấn trưởng Dự án Giáo dục đại học Việt Nam – Hà Lan

Theo GS Phạm Duy Hiển, Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia, muốn có đại học đẳng cấp quốc tế thì phải tuân theo luật chơi của quốc tế, phải nhận biết mình là ai. Ông đưa ra những so sánh với Thái Lan, và theo ông, dù các đại học hàng đầu của Thái Lan vẫn chưa có điểm số về thành tích nghiên cứu khoa học trong các bảng xếp hạng của thế giới nhưng các công bố quốc tế của họ tăng nhanh và ổn định. Số bài báo của Đại học Chulalongkorn của Thái Lan tăng đều theo cấp số nhân, hoàn toàn tương phản với Đại học Quốc gia Việt Nam, sau hơn 10 năm số lượng công trình vẫn giẫm chân tại chỗ.

Năm 2006, Đại học Chulalongkorn công bố 332 bài làm ngay trên đất Thái, trong khi mỗi đại học hàng đầu của Việt Nam chỉ có 5 – 7 bài, mà phần lớn là về toán và vật lý lý thuyết. Những ngành vượt trội của Thái Lan là y học, sinh hóa, và công nghệ sinh học thì hầu như Việt Nam không có công trình nào đáng kể.

Điểm qua một số xếp hạng các trường đại học thế giới thời gian qua, Việt Nam chỉ có tên trong bảng xếp hạng của Webometrics, với 7 trường lọt vào top 100 khu vực Đông Nam Á, trên Lào và Campuchia. Webometrics xếp hạng các trường dựa trên việc phân tích, đánh giá hội dung học thuật và nghiên cứu khoa học được đăng tải trên website các trường đại học trên mạng Internet.

Thứ trưởng Bành Tiến Long đã nêu giải pháp để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong tình hình nhà khoa học có trình độ của ta chưa nhiều là phải du nhập khoa học bằng hai con đường: cử người thực tập dài hạn, theo các nhóm nghiên cứu ở các trung tâm khoa học hàng đầu thế giới và mời chuyên gia có kinh nghiệm đến Việt Nam (giống như ta đã làm cách đây 50 năm). Đây cũng là tạo dựng môi trường nghiên cứu để thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước, để các tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài về có cơ sở để phát huy tài năng. Bộ cũng sẽ có chính sách khuyến khích công bố quốc tế bằng vật chất và tinh thần. Việc kết hợp chặt chẽ hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với đào tạo sau đại học, nhất là đào tạo tiến sĩ cũng là một giải pháp.

12 năm nữa sẽ lọt vào top 200 đại học tốt của thế giới

Bộ GD-ĐT đã đưa ra 7 nguyên nhân làm hạn chế chất lượng giáo dục đại học Việt Nam: Tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chưa cụ thể; hoạt động đánh giá và kiểm định các điều kiện đảm bảo chất lượng còn khó khăn; chưa chú trọng đến nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong các trường đại học; thiếu các nhà khoa học đầu ngành trong các trường đại học; hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu còn nhiều hạn chế; các điều kiện đảm bảo chất lượng còn hạn chế; cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở vật chất và chế độ học phí còn bất cập.  

Cùng với việc đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình hình trên, bộ cũng đã đưa ra những chỉ tiêu phấn đấu trong giai đoạn sắp tới: Đến năm 2020 đạt tỷ lệ 30% giảng viên các trường đại học và 15% giảng viên các trường cao đẳng có trình độ tiến sĩ. Đồng thời, khi đó đạt tỷ lệ 450 sinh viên/vạn dân. Cố gắng có một ĐH của Việt Nam được xếp hạng trong top 200 đại học hàng đầu của thế giới và một số trường trong top 500…  

ĐỖ DUY NGÔN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới