Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chung tay nghĩ “lối ra” cho giá  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chung tay nghĩ “lối ra” cho giá  

Sữa, một trong những mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đã tăng giá nhiều lần trong năm nay – Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG Online) – Bảy đơn vị trực tiếp liên quan đến giá hoặc nghiên cứu về giá đã họp tại Hà Nội hôm 5-12 để tìm “lối ra” cho giá, nhằm đề xuất với các cơ quan hoạch định chính sách có những động thái cần thiết, dù vấn đề mới chỉ được xới ra…  

Nên hay không tái lập quỹ bình ổn giá?  

Mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay ước đạt 8,5%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, nhưng song song đó tình hình nhập siêu trong năm nay cũng thật đáng lo ngại. Xuất khẩu tăng 20% nhưng nhập khẩu tăng 33,1 % (về giá trị, nhập siêu đã lên đến 10,47 tỉ đô la Mỹ). Trong một “nền kinh tế nhập siêu”, khi giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng do biến động theo giá cả thế giới thì cũng dấy lên mối lo ngại về giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước leo thang, chồng chất lên mối lo về “cơm ăn,áo mặc” của đại bộ phận dân chúng vốn còn nghèo.

Nhưng nếu không đặt thị trường và giá cả trong nước đầy đủ trong bối cảnh tác động của thị trường, giá cả thế giới sẽ không “bắt mạch” đúng những căn bệnh của nền kinh tế để đưa ra các giải pháp hợp lý. Đây là lần thứ hai trong năm, Viện Nghiên cứu khoa học thị trường- giá cả (Bộ Tài chính) phải mời các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế và đại diện các hiệp hội có liên quan cùng ngồi lại để tìm giải pháp đề xuất.  

Vì giá xăng dầu đang bị xem là phần nào nguồn cơn của tình hình tăng giá hàng hóa dịch vụ hiện nay nên những ý kiến của bà Đàm Thị Huyền, Phó tổng giám đốc Petrolimex Việt Nam (đơn vị đang nắm giữ 60% thị phần nhập khẩu và phân phối xăng dầu ở Việt Nam) rất được chú ý. Bà Huyền cho rằng: “Chúng tôi rất khổ sở khi ngửa tay xin tiền bù lỗ của Nhà nước. Thực ra, Nhà nước bù lỗ cho dân bằng tiền ngân sách thông qua doanh nghiệp mà thôi”. Bà Huyền nhấn mạnh rằng đối tượng được bù lỗ là không phải là đơn vị kinh doanh xăng dầu mà là đối tượng sử dụng xăng dầu, trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Có 11 đầu mối nhập khẩu xăng dầu trong cả nước với hàng ngàn tổng đại lý nhưng không kiểm soát được giá ở các tổng đại lý. Petrolimex với thị phần chiếm 60% nhưng chỉ được nhà nước bù lỗ khoảng 40%. Đề xuất của bà Đàm Thị Huyền là phải kiểm soát được giá, khởi nguồn từ giá xăng nhưng phải xác định được mức tăng hợp lý hoặc chưa hợp lý của những hàng hoá trực tiếp bị ảnh hưởng và những mức tăng không có căn cứ của những hàng hóa không trực tiếp bị ảnh hưởng hoặc rất ít liên quan đến xăng dầu.

Một kiến nghị nữa của đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là tái lập quỹ bình ổn giá, đưa về doanh nghiệp. Hình thức này trước đây đã  bị xoá đi. Một đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói: “Tôi cũng biết rằng chúng ta đã gia nhập WTO nên không cho phép bắt tay,liên minh về giá. Nhưng vẫn nên nghiên cứu thế nào để có những thay đổi so với hình thức quỹ trước kia, không bị lạc điệu trong sân chơi chung của thế giới. Tức là làm thế nào để không mâu thuẫn”.  

Nhưng Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả lại không đồng tình với việc lập quỹ bình ổn giá vì Việt Nam đã gia nhập WTO. Ông nói: “Những lĩnh vực độc quyền Nhà nước phải định giá, rồi lại bù lỗ cho doanh nghiệp thông qua quỹ bình ổn giá là không chấp nhận được”. Ông Long cho rằng phải tìm ra được nguồn cơn tại sao bối cảnh thế giới tăng chung như vậy, các nước cũng tăng, nhưng Việt Nam tăng giá mạnh nhất. “Sau đó, chúng ta viết kiến nghị cho Chính phủ, đứng trên quyền lợi của cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân, không riêng một ai cả”, ông nói.  

Những nghịch lý đáng báo động  

Tiếng nói của một ngành không điều tiết được thị trường nhưng lại có giá trị khá lớn trong cơ cấu thực phẩm, bữa ăn hàng ngày của người dân là ngành chăn nuôi đã thực sự tác động đến những người tham dự cuộc hội thảo tìm lối ra cho giá. Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn, chăn nuôi Việt Nam cho biết: “Nhiều năm liền, giá thịt lợn hơi nước ta chỉ từ 11 ngàn đến 15 ngàn đồng/kg, chưa đủ giá thành. Chăn nuôi tập trung, vốn nhỏ chỉ hoà và lỗ, nhiều trang trại nuôi cầm chừng và giảm đàn”. Hiện tại, theo ông Lịch, giá lợn hơi cuối năm ở nước ta lại tăng 80-90% so với đầu năm (khoảng 30.000 đồng đến 35.000đồng/kg). Mức giá mới này đem so với giá cùng mặt hàng tại Thái Lan 21.000 đồng đến 22.000đồng/kg như vậy là cao hơn.

Biện pháp tình thế mà đại diện hiệp hội này đề xuất là cho nhập khẩu mặt hàng thịt, trứng trong những tháng cuối năm để kéo giá trong nước xuống, tuy nhiên, không buông lỏng, không kéo dài hình thức này, nhằm bảo vệ sản xuất trong nước và tạo điều kiện công ăn,việc làm cho nông dân.  

Hoặc một ví dụ cụ thể hơn để chỉ ra nghịch lý của các cơn tăng giá: chỉ vì thiếu 3 km đường sắt,có thể kéo theo hàng loạt các khó khăn dây chuyền và tác động  đến giá. Tổng công ty Hoá chất Việt Nam khẳng định: “Tuy giá phân bón và nguyên liệu sản xuất phân bón thế giới vẫn ở mức tăng cao nhưng nếu đảm bảo được việc vận chuyển quặng apatit từ Lào Cai, sẽ không có chuyện thiếu phân bón cho vụ đông-xuân 2007-2008, nhất là 3 loại phân bón mà Tổng công ty Hoá chất Việt Nam đang sản xuất với số lượng lớn là super lân, phân lân nung chảy và phân bón tổng hợp NPK ”.

Việc vận chuyển quặng apatit về nhà máy sản xuất phân bón, đặc biệt là các nhà máy phía Nam (super Long Thành) là rất khó khăn. Mặc dù ngành đường sắt đã tăng 50% năng lực vận tải của tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Nếu không đầu tư thoả đáng cho tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Đình Vũ (Hải Phòng) thì việc thiếu quặng apatit cho sản xuất phân bón có thể xảy ra (mà đoạn đường sắt còn thiếu này chỉ là 3 km từ ga Chùa Vẽ  đến Đình Vũ ). Đây là cung đường vận chuyển quặng cho Nhà máy sản xuất phân bón DAP (liên doanh giữa Đạm Phú Mỹ và Nhà máy Phân đạm, Hoá chất Hà Bắc,công suất 330 triệu tấn/năm), đi vào sản xuất trong quí 2-2008.  

Bà Đàm Thị Huyền, đại diện cho Petrolimex cũng chỉ ra một con số nhỏ nhưng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế từ các cuộc tăng giá: “Dự trữ dầu mỏ ở Việt Nam là rất mỏng. Tôi được biết dự trữ ở Cục Dự trữ quốc gia chỉ đủ dùng cho 4 đến 5 ngày”. Trong khi ấy, các quốc gia khác tiếp tục tăng dự trữ chiến lược và mỗi một nước lớn tăng hay giảm dự trữ chiến lược, thị trường dầu mỏ thế giới lại biến động mạnh. Ví như Nhật Bản (không có nguồn tài nguyên này) đã duy trì mức dự trữ do Chính phủ quản lý ở mức 320 triệu thùng dầu thô, chưa kể loại dự trữ của tư nhân do Chính phủ uỷ quyền (khoảng 275 triệu thùng nữa), tức là đủ dùng trong 3 tháng. Hàn Quốc dự trữ đủ dùng trong 4 tháng, Trung Quốc hiện đủ dùng trong 1 tháng và tiến tới dự trữ đủ dùng trong 3 tháng vào năm 2015.  

Xăng dầu chỉ là khởi nguồn của các cơn tăng giá. Từ tăng giá xăng dầu lại “bắt mạch” được hàng loạt căn bệnh của nhiều ngành sản xuất trong nước, những bất cập và lúng túng trong quản lý, điều hành; và không thể đổ lỗi hoàn toàn cho tác động của giá cả thị trường thế giới có thể chi phối hoàn toàn đến giá cả thị trường trong nước. Đây chính là căn bệnh nội tại của nền kinh tế Việt Nam.  

NGỌC LAN 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới