Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chuỗi cung ứng bán dẫn ở châu Á có thể gián đoạn do động đất ở Đài Loan

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trận động đất lớn nhất ở Đài Loan kể từ năm 1999 có thể gây ra một số gián đoạn trong chuỗi cung ứng bán dẫn châu Á, sau khi các nhà sản xuất chip lớn từ TSMC cho đến UMC tạm dừng một số hoạt động để kiểm tra và sơ tán nhân viên.

TSMC cho biết một số nhà máy chip của hãng ở Đài Loan tạm dừng trong thời gian ngắn hoạt động sau vụ động đất. Đến sáng 4-4, 70% thiết bị sản xuất chip ở các nhà máy này đã khôi phục hoạt dộng. Ảnh: Instagram

Nhiều nhà máy chip tạm dừng hoạt động

Trận động đất mạnh 7,2 độ richter xảy ra ở bờ biển phía đông Đài Loan gần huyện Hoa Liên vào 3-4, khiến 9 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Về khía cạnh kinh tế, mối quan tâm lớn hiện này là hoạt động sản xuất chip ở hòn đảo này bị ảnh hưởng ở mức độ nào.

Đài Loan đóng vai trò to lớn trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu vì đây là quê hương của nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC, nhà cung cấp chip cho Apple và Nvidia. Ngoài ra, Đài Loan cũng có các nhà sản xuất chip nhỏ hơn, gồm UMC, Vanguard International Semiconductor và Powerchip Semiconductor Manufacturing.

Hầu hết các cơ sở sản xuất của họ không ở gần tâm chấn trận động đất. Dù vậy, họ cho biết đã sơ tán nhân viên và đóng cửa một số nhà máy để kiểm tra an toàn. TSMC ghi nhận, cường độ động đất ở khu vực gần các nhà máy của công ty là từ 4-5 độ richter. Hôm nay (4-4), TSMC thông báo 70% thiết bị sản xuất chip của công ty đã hoạt động trở lại sau khi tạm dừng trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, TSMC xác nhận một số thiết bị của công ty bị hư hỏng trong trận động đất, làm gián đoạn dây chuyền sản xuất. Không có thiết bị quan trọng nào như máy quang khắc cực tím (EUV) bị hư hại. Nhưng TSCM dự báo trận động đất có thể làm mất mát 60 triệu đô la Mỹ lợi nhuận của công ty trong quí 2.

Hãng tư vấn Isaiah Research nhận định, TSMC đã gặp phải tình trạng gián đoạn ở các mức độ khác nhau nên có thể phải trì hoãn một số lô hàng. “Việc giảm thiểu tác động của trận động đất đòi hỏi các biện pháp cẩn thận và cần thời gian để khôi phục sản xuất cũng như duy trì các tiêu chuẩn chất lượng. Điều này dẫn đến những tác động và trở ngại khác”, báo cáo của Isaiah Research cho biết. Theo báo cáo, hoạt động sản xuất chip cao cấp của TSMC bao gồm chip 3 nanometer ở thành phố Đài Nam tạm thời gián đoạn.

Hoạt động sản xuất điện tử ở châu Á có thể bị ảnh hưởng

Các nhà phân tích của ngân hàng Barclays cho biết, một số nhà máy chip có độ phức tạp cao cần hoạt động liên tục 24/7 ở trạng thái chân không trong vài tuần. Vì vậy, việc tạm dừng hoạt động của các nhà máy chip ở các khu vực công nghiệp ở miền bắc Đài Loan làm gián đoạn quy trình này, gây áp lực giá cả trong lĩnh vực chip.

Họ cho rằng, điều này có thể gây ra tác động lan tỏa, gây ra “trục trặc ngắn hạn” đối với hoạt động sản xuất điện tử ở các nền kinh tế tập trung vào sản phẩm thượng nguồn (máy móc, linh kiện...) như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như các nền kinh tế tập trung vào sản phẩm hạ nguồn (điện thoại thông minh, tivi...) như Trung Quốc và Việt Nam.

Hoạt động sản xuất điện tử ở châu Á có thể bị ảnh hưởng sau vụ động đất ở Đài Loan. Ảnh: Getty Images

Báo cáo của Barclays lưu ý, mức tồn kho chip thấp của các khách hàng có thể cho phép các nhà sản xuất chip ở Đài Loan và Hàn Quốc tăng giá trong thời gian tới nếu hoạt động sản xuấn bán dẫn ở Đài Loan không phục hồi sớm.

Hãng nghiên cứu TrendForce dự báo hoạt động sản xuất màn hình tivi trong khu vực có thể bị ảnh hưởng. Các nhà sản xuất màn hình tivi đã vận hành gần hết công suất trên toàn cầu để đáp ứng nhu cầu, vì vậy, trận động đất ở Đài Loan có thể làm thắt chặt nguồn cung.

Theo các nhà phân tích cho biết, các nhà sản xuất ở Đài Loan đã củng cố các biện pháp chống động đất tại các nhà máy của họ trong nhiều thập niên. Chẳng hạn, họ sử dụng hệ thống kích hoạt dừng hoạt động tự động để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và thiết bị.

“Đối với nhiều công cụ tự động tắt, bạn có thể mất không quá 36 hoặc 48 giờ để khôi phục và đánh giá lại chúng. Khi nhìn vào khía cạnh kinh doanh, điều này có thể không ảnh hưởng đến doanh thu hàng quí. Nhưng với thực tế hiện nay, doanh nghiệp sẽ thực sự đau đầu để đưa các công cụ này hoạt động trở lại”, Dan Hutcheson, Phó Chủ tịch Công ty nghiên cứu TechInsights bình luận.

Theo nhà phân tích Joe Unsworth của hãng tư vấn Gartner, những tác động lan tỏa tiềm ẩn rộng hơn đối với ngành công nghệ phụ thuộc vào loại hình sản xuất chip nào bị ảnh hưởng bởi vụ động đất ở Đài Loan. Theo các nhà quan sát, tính tới thời điểm hiện nay, vẫn chưa có thông tin rõ ràng về vấn đề này. Các công ty công nghệ dựa vào chip đồ hóa (GPU) để cung cấp năng lượng cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ theo dõi chặt chẽ các tác động tiềm ẩn đối với lĩnh vực sản xuất loại chip này.

Đại diện của Nvidia, nhà thiết kế chip GPU hàng đầu thế giới cho biết: "Sau khi tham khảo ý kiến của các đối tác sản xuất, chúng tôi không mong đợi bất kỳ tác động nào đến nguồn cung của chúng tôi từ trận động đất ở Đài Loan”.

Một số nhà sản xuất công nghệ và bán dẫn khác lớn của nước Mỹ gồm UMC, Micron và Foxconn vẫn đang đánh giá tác động tiềm tàng của trận động đất đối với các cơ sở của họ ở Đài Loan. Tuy nhiên, các nhà sản xuất này dự báo tác động chỉ ở mức hạn chế.

Lời cảnh báo về rủi ro khi tập trung sản xuất chip ở Đài Loan

Vụ động đất dường như không gấy bất kỳ tác động lâu dài nào đối với chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, nhưng là một lời cảnh báo rõ ràng về những rủi ro khi tập trung sản xuất các sản phẩm chip quan trọng ở một hòn đảo vừa dễ xảy ra động đất vừa là điểm nóng về căng thẳng địa chính trị.

“Chúng tôi nghĩ rằng trận động đất ở Đài Loan sẽ như một lời nhắc nhở cho nhà đầu tư về những rủi ro liên quan đến việc phụ thuộc vào các nhà máy chip ở một khu vực”, nhà phân tích Angelo Zino của CFRA Research cho biết trong một báo cáo.

Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất chip và chính phủ nhiều nước đã đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ vào nỗ lực đa dạng hóa hoạt động sản xuất chip. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng quá trình này diễn ra không đủ nhanh.

TSMC sản xuất khoảng 90% chip tiên tiến nhất thế giới, cung cấp năng lượng cho vô số thiết bị mà mọi người sử dụng hàng ngày. Chip của TMSC được cung cấp cho những người khổng lồ công nghệ bao gồm Apple, Qualcomm, Nvidia và AMD. Chúng rất cần thiết cho ngành trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển.

Trong những năm gần đây, TSMC đã công bố kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất chip mới ở Nhật Bản, Đức và Mỹ. Nhưng dự án nhà máy thứ hai của TSMC ở bang Arizona (Mỹ), ban đầu dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động trong năm nay đã nhiều lần bị trì hoãn.

Giáo sư David Bader, giám đốc Viện Khoa học dữ liệu tại Viện Công nghệ New Jersey (Mỹ) nói: “Tôi tin rằng việc tập trung sản xuất  chip ở Đài Loan là một mối đe dọa hiện hữu. Toàn bộ thế giới hiện đang dựa vào các thiết bị bán dẫn cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động của con người từ lái xe, nói chuyện trên điện thoại di động hay vận hành hệ thống vũ khí.. Nếu hoạt động sản xuất chip bị dừng lại, điều này sẽ gây ra tác động khủng khiếp”.

Theo Reuters, Focus Taiwan, CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới