Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thiếu kỹ sư chip bán dẫn đe dọa vị thế dẫn đầu của Đài Loan

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lĩnh vực chip bán dẫn thống trị thế giới của Đài Loan được xây dựng dựa vào đội ngũ kỹ sư lành nghề của hãng chip TSMC. Nhưng cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, văn hóa làm việc khắc nghiệt và sự hứng thú suy giảm đối với ngành công nghiệp này đang đe dọa vị trí dẫn đầu của Đài Loan.

Nhân viên ra về sau ca làm việc ở một nhà máy của TSMC ở thành phố Đài Nam, Đài Loan. Ảnh: NY Times

Văn hóa làm việc khắc nghiệt

Thái độ làm việc chăm chỉ của các kỹ sư Royale Lee, 31 tuổi, là một trong những lý do giúp Đài Loan trở thành nhà sản xuất vi chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Khi một loại virus máy tính làm tê liệt máy móc của TSMC, nơi Lee làm việc, anh đã lao vào ca làm việc kéo dài 48 giờ để giúp khắc phục sự cố. Trong nhiều năm, anh luôn sẵn sàng trả lời các cuộc điện thoại của công ty cả ngày lẫn đêm. Nhưng vào cuối năm 2021, sau 5 năm vắt kiệt sức ở TSMC, Lee bắt đầu sợ hãi tiếng chuông điện thoại. Khoản thù lao hàng năm của Lee là 105.000 đô la, một khoản thu nhập đáng ao ước ở Đài Loan, vẫn không đủ để níu chân anh ở lại TSMC. Giờ đây, Lee đã chuyển sang làm nhà phát triển web cho một công ty Mỹ.

Lee cho biết thanh niên Đài Loan hiện nay ít sẵn sàng chịu đựng những trải nghiệm mệt mỏi khi làm việc trong một xưởng chế tạo.

Frank Lin, cựu kỹ sư sản phẩm và nhà thiết kế chip của TSMC, đã rời công ty này vì thấy công việc tẻ nhạt và không thỏa mãn. Vai trò kỹ sư sản phẩm và thiết kế chip của anh ấy không chịu áp lực cao như những vị trí khác ở TMSC. Nhưng anh vẫn khao khát công việc có ý nghĩa hơn, thay vì những nhiệm vụ hàng ngày lặp đi lặp lại hàng ngày như bài học thuộc lòng. Sau chưa đầy ba năm làm việc tại TMSC, anh đã ra đi để trở thành một cố vấn tài chính độc lập.

Trong thập niên qua, TSMC vượt lên dẫn trước các đối thủ như Intel (Mỹ) và Samsung (Hàn Quốc) trong cuộc đua sản xuất các vi mạch có kích cỡ nhỏ nhất. Nhờ vào sự khéo léo và tận tụy của đội ngũ kỹ sư, TSMC đã trở thành một trong những công ty có vị thế địa chính trị quan trọng nhất trên thế giới.

Nhưng hiện nay, các lãnh đạo ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan lo ngại lãnh thổ hòn đảo nhỏ bé này sẽ không thể cung cấp đầy đủ một thế hệ kỹ sư mới. Dân số Đài Loan ngày càng giảm cộng với văn hóa làm việc khắc nghiệt trong ngành công nghiệp bán dẫn và sự cạnh tranh của các lĩnh vực công nghệ khác  khiến lực lượng kỹ sư chip ngày càng khan hiếm.

Ban lãnh đạo của TSMC đã bảo vệ văn hóa làm việc nổi tiếng khắc nghiệt, điều đã giúp công ty này phát triển thành một tập đoàn khổng lồ trị giá 440 tỉ đô la với 73.000 nhân viên. Morris Chang, người sáng lập TSMC, gần đây đã giải thích rằng văn hóa làm việc đóng vai trò quan trọng giúp Đài Loan dẫn đầu thế giới về sản xuất chip.

Ông nói: “Nếu thiết bị sản xuất chip bị hỏng lúc 1 giờ sáng ở Mỹ, nó sẽ được sửa vào sáng hôm sau. Nhưng ở Đài Loan, nó sẽ được sửa vào lúc 2 giờ sáng”.

Cạnh tranh tuyển dụng và chạy đua đào tạo

Trong những năm gần đây, Chủ tịch TSMC Mark Liu đã nhiều lần thừa nhận rằng thách thức lớn nhất mà ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan phải đối mặt là sự thiếu hụt nhân tài.

Số lượng nhân viên của TSMC tăng gần 70% trong thập niên qua, trong khi tỷ lệ sinh của Đài Loan giảm đến một nửa. Các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực đầy triển vọng như trí tuệ nhân tạo (AI) đang thu hút các kỹ sư hàng đầu. TSMC phải cạnh tranh tuyển dụng nhân tài với các “ông lớn” internet như Google và các hãng bán dẫn nước ngoài như ASML của Hà Lan, những công ty thường mang lại nhân viên sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn cũng như các đặc quyền như như đồ ăn miễn phí.

Jason Chin, phó chủ tịch cấp cao của 104 Job Bank, nền tảng tìm kiếm việc làm lớn nhất của Đài Loan, cho rằng TSMC và các công ty chip khác sẽ không bao giờ chấm dứt được tình trạng nhân viên bỏ việc  đi nếu không cải thiện điều kiện làm việc.

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân tài, TSMC đã mở các kênh tuyển dụng và tăng mức lương cơ bản cho sinh viên tốt nghiệp với bằng thạc sĩ, những người hiện có thể nhận được khoản thù lao trung hàng năm lên tới 65.000 đô la  Mỹ. Công ty thậm chí đào tạo học sinh trung học thông qua các lớp học trực tuyến dạy kiến thức cơ bản về bán dẫn.

“Nhiều công ty chip đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các ứng viên phù hợp. Bây giờ, khi tìm kiếm nhân tài, họ không kén chọn lắm. Ứng viên không nhất thiết phải tốt nghiệp từ lĩnh vực kỹ thuật điện hay khoa học máy tính”, Burn Lin, cựu Phó Chủ tịch của TSMC và hiện là hiệu trưởng Trường nghiên cứu bán dẫn thuộc Đại học Thanh Hoa ở thành phố Tân Trúc, Đài Loan, nói

Trường bán dẫn mà ông Lin đứng đầu là một trong bốn trường chuyên ngành bán dẫn được chính quyền Đài Loan thành lập vào năm 2021 để đáp lại lời kêu gọi hành động của những người trong ngành như ông Liu và Tsai Ming-kai, Chủ tịch của hãng thiết kế chip MediaTek.

“Trong việc nuôi dưỡng tài năng bán dẫn, chúng ta đang chạy đua với thời gian”, bà Thái Anh Văn, người đứng đầu Đài Loan, nói tại lễ ra mắt trường bán dẫn của ông Lin.

TSMC hướng ra nước ngoài

Những thách thức mà ngành công nghiệp chip của Đài Loan đối mặt xuất hiện trong bối cảnh khủng hoảng nhân tài công nghệ toàn cầu. Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo các kỹ sư Đài Loan để xây dựng ngành công nghiệp chip còn non trẻ của nước này., Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã bày lo lắng về tình trạng “thiếu hụt nghiêm trọng” nhân lực có trình độ trong ngành chip. Ngành công nghiệp vi mạch của Trung Quốc ước tính đang thiếu hụt khoảng 200.000 lao động có tay nghề.

Tại Mỹ, nỗ lực trợ cấp hàng tỉ  đô la của chính phủ cho ngành bán dẫn đã thúc đẩy Intel, Samsung, TSMC và các hãng chip chip công bố kế hoạch xây dựng các nhà máy mới tại đây. Nhưng các cuộc khảo sát với giới lãnh đạo ngành chip cho thấy tình trạng thiếu hụt tài năng vẫn là một vấn đề.

Không giống như hầu hết các công ty phần cứng lớn từ lâu đã mở rộng các cơ sở nghiên cứu và sản xuất trên toàn thế giới, TSMC xây dựng phần lớn các nhà máy sản xuất chip tại Đài Loan. Theo giáo sư Willy Shih của Trường Kinh doanh Harvard, TSMC cần bắt đầu nhìn xa hơn Đài Loan.

“Nếu tôi là lãnh đạo của TSMC, tôi sẽ nghiêm túc tìm kiếm những nơi khác mà tôi có thể có tiếp cận tài năng ở đó”, Willy Shih nói.

Nhân lực thiếu hụt tại quê nhà càng thúc bách TSMC xây dựng nhà máy và đào tạo lao động bên ngoài Đài Loan. Hiện nay, TSMC đang đầu tư xây dựng một nhà máy chip ở Phoenix, bang Arizona, Mỹ. Một nhà máy chip thứ hai ở Phoenix cũng sẽ được TSMC triển khai xây dựng trong thời gian tới. TSMC cũng đang có kế hoạch đầu tư hơn 7 tỉ đô la để xây dựng nhà máy chip thứ hai ở Nhật Bản. Nhà máy chip đầu tiên của TSMC ở Nhật Bản, đang được xây dựng ở thị trấn Kikuyo trên đảo Kyushu, sẽ bắt đầu sản xuất vào năm tới.

 Theo NY Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới