LTS: Trong bối cảnh các biến động địa chính trị và dịch Covid-19 làm thay đổi cách thức vận hành của nhiều lĩnh vực, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn xin giới thiệu góc nhìn từ lãnh đạo UPS - doanh nghiệp logistics 115 năm tuổi. Trong cuộc trò chuyện mới đây, UPS chia sẻ những quan sát về sự thay đổi của chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu - từ đơn vị có mạng lưới tại 220 quốc gia/vùng lãnh thổ và giao 25,5 triệu kiện hàng mỗi ngày. Doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thấy gì từ những biến chuyển ấy?
KTSG: Phục vụ các nhà sản xuất có chuỗi cung ứng trải dài trên toàn cầu, UPS đã quan sát thấy gì về xu hướng chuỗi cung ứng?
- Bà Michelle Ho - Chủ tịch UPS khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Một trong những điều tuyệt vời khi trở thành nhà cung cấp giải pháp cho logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu là chúng tôi đã có được góc nhìn tổng thể về các mô hình thương mại trên thế giới. Chúng tôi thấy khách hàng của UPS đã phản ứng và xây dựng chuỗi cung ứng của họ như thế nào.
Một xu hướng chúng tôi quan sát được trong hai năm qua khi có diễn biến của Covid-19 đó là khu vực hóa chuỗi giá trị. Tác động của các chính sách kiểm soát dịch Covid-19 đối với logistics xuyên biên giới và lực lượng lao động đã làm bộc lộ các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng. Dưới tác động của Covid-19 nhiều khách hàng cũng nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng một chuỗi cung ứng kiên cường và ngày càng đa dạng hóa hơn.
Một số sự kiện địa chính trị trong những năm gần đây đã khuyến khích và thúc đẩy sự khu vực hóa chuỗi giá trị này lên một mức độ phát triển hơn. Ví dụ, chúng ta có hiệp định thương mại tự do RCEP. Hiệp định này cho phép 15 quốc gia trong khu vực có thể thúc đẩy giao thương, hỗ trợ hội nhập khu vực và sự gia tăng của các chuỗi giá trị khu vực.
KTSG: Theo quan sát của UPS, khách hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có đặc điểm gì khác với khu vực khác?
- Bà Michelle Ho: Chúng ta đang chứng kiến sự khu vực khóa chuỗi giá trị. Khách hàng của UPS dù ở bất kỳ khu vực nào, cái họ muốn là có một chuỗi giá trị ổn định và hàng hóa được lưu thông, được vận chuyển bất kể điều gì xảy ra.
Ở khía cạnh đó, không có sự khác biệt giữa khách hàng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) và khách hàng ở khu vực khác. Riêng ở khu vực APAC, gần đây, chúng tôi thấy có xu hướng nearshoring - thay vì tìm kiếm bên ngoài thì tìm kiếm trong chính khu vực của mình, chính quốc gia của mình để tự xây dựng chuỗi giá trị của mình nhằm đạt đến sự ổn định trong việc vận hành cũng như cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Tôi muốn làm rõ hơn hai khái niệm “reshoring” và “nearshoring”. Reshoring (tìm kiếm lại) là khách hàng của chúng tôi có xu hướng tự xây dựng khả năng sản xuất các sản phẩm chính yếu của họ trong chính thị trường nội địa. Nearshoring (tìm kiếm gần) là họ thu ngắn chuỗi giá trị lại, tập trung vào xây dựng chuỗi giá trị trong các quốc gia gần mình, từ đó giảm bớt được sự rủi ro.
KTSG: UPS hỗ trợ gì cho khách hàng trong bối cảnh chuỗi cung ứng có nhiều thay đổi?
- Bà Michelle Ho: Sau dịch Covid-19, chúng tôi nhận thấy vấn đề số hóa ngày càng trở nên quan trọng hơn. UPS mong muốn tiếp tục hỗ trợ khách hàng của mình trong hành trình số hóa.
Chúng tôi đã mở rộng công cụ hiển thị phân phối tập trung vào người nhận My Choice và giới thiệu My Choice for Business vào năm ngoái để cung cấp cho các SMB (doanh nghiệp nhỏ và vừa) khả năng hiển thị và kiểm soát tốt hơn đối với các lô hàng đến và đi của họ.
Nền tảng công nghệ rất hiện đại UPS® e-fulfilment giúp loại bỏ những bất ổn khi vận chuyển xuyên biên giới như vượt chi phí, hạn chế về năng lực hoặc giao hàng chậm trễ bằng cách chuyển hàng tồn kho của họ đến gần thị trường mục tiêu. Bất cứ khi nào nhận được đơn đặt hàng, UPS sẽ lo việc lấy hàng, đóng gói và giao hàng chặng cuối.
Chúng tôi cũng đang chuẩn bị đưa chương trình Digital Access Program tới khu vực APAC. Đây là công cụ số tích hợp cho phép tích hợp hoạt động vận chuyển và toàn bộ hành trình mua bán của khách hàng. Khách hàng của chúng tôi chỉ cần tập trung vào phần bán hàng thôi. Toàn bộ phần vận chuyển được chúng tôi cung cấp.
KTSG: Trong môi trường thương mại và chuỗi cung ứng thay đổi như vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa - những người không có nhiều nguồn lực tự chủ cải thiện logistics và chuỗi giá trị của mình thì sao?
- Bà Michelle Ho: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận thị trường quốc tế rất quan trọng. Vừa qua, UPS phối hợp với các đơn vị có cùng tư duy như Trung tâm giao thương châu Á (Asia Trade Centre) để tổ chức các chương trình xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp. Năm ngoái, UPS phối hợp với Asia Trade Centre tư vấn trong vòng một năm cho 10 doanh nghiệp có lãnh đạo nữ xuất sắc. Trong chương trình này, chúng tôi cung cấp chiến lược đào tạo về số hóa, về những luật lệ thông thương cũng như làm thế nào để doanh nghiệp bán hàng tốt hơn.
UPS cũng tập trung vào nâng cấp mạng lưới toàn cầu của chúng tôi để hàng hóa lưu thông tốt hơn.
- Ông Squall Wang - Giám đốc Điều hành toàn quốc của UPS Việt Nam: Ngoài danh mục phương tiện vận tải đa dạng, mạng lưới toàn cầu, với 80 năm kinh nghiệm trong ngành môi giới thương mại, chúng tôi có thể đưa ra những giải pháp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyên môn, kinh nghiệm.
Thay vì chỉ chào giá cước vận tải, UPS ngồi cùng khách hàng đánh giá chuỗi giá trị của họ và đưa các giải pháp tái thiết kế toàn bộ chuỗi giá trị và cải thiện nó. Qua đó, UPS hướng tới cung cấp giải pháp cho chuỗi giá trị chứ không chỉ là cung cấp dịch vụ vận chuyển. Với cách tiếp cận đó, UPS không chỉ cung cấp dịch vụ logistics toàn cầu mà còn hướng tới cải thiện kinh doanh.
KTSG: Với các doanh nghiệp Việt Nam thì sao?
- Ông Squall Wang: Trong bối cảnh Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể tiếp cận nhiều cơ hội. Bất chấp Covid-19, năm 2020, UPS đưa đến Việt Nam hai máy bay trong đội bay “browntail” của chúng tôi tới Việt Nam. Đây là cam kết trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường thế giới. Những máy bay này không chỉ làm tăng khối lượng vận chuyển mà còn giúp giảm thời gian vận chuyển từ các quốc gia khác tới Việt Nam và ngược lại.
Tháng trước, UPS kết nối hàng không giữa TPHCM và khu vực Bắc Á, cụ thể là Nhật Bản, để có thể đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu. Chúng tôi đang mở rộng mạng lưới toàn cầu của mình. Khi các quốc gia cùng thực hiện một lúc, sự kết nối mang lại lợi ích. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam, khi nền kinh tế đang tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận thương mại toàn cầu.
Việt Nam đang đẩy mạnh giao thương quốc tế với việc ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do như RCEP, CPTPP, EVFTA… Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể được hưởng lợi từ các hiệp định này. Về ngành, Việt Nam đã tự xây dựng được một vị thế, trở thành trung tâm mới trong ngành sản xuất, thu hút nhiều FDI trong lĩnh vực sản xuất. Việt Nam cũng là nơi thực hiện nhiều khâu lắp ráp cuối cùng trước khi xuất khẩu.
Việt Nam tham gia vào RCEP - một hiệp định toàn diện có vai trò quan trọng trong khu vực ở cả khía cạnh cắt giảm thuế và quy định xuất xứ nguồn gốc. Như chia sẻ của bà Michelle Ho về “reshoring” và “nearshoring”, trong điều kiện toàn cầu khi tất cả các doanh nghiệp điều chỉnh chuỗi giá trị của họ về gần hơn, Việt Nam cũng sẽ có được nhiều lợi ích từ các xu hướng đó.
KTSG: Các hiệp định thương mại tự do đóng vai trò quan trọng trong thương mại thế giới thập kỷ qua. Khối lượng hàng hóa đi qua UPS có sự thay đổi thế nào khi các hiệp định được đưa vào thực tiễn?
- Bà Michelle Ho: Với RCEP, hiện nay còn quá sớm để nói về khối lượng hàng hóa thay đổi nhờ hiệp định nhưng rất nhiều khách hàng của chúng tôi bày tỏ quan tâm tới hiệp định thương mại này. Khách hàng trong khối tham gia RCEP bắt đầu mở rộng doanh nghiệp của mình tới các quốc gia thành viên. Xu hướng thấy rõ hiện nay là trong ngành may mặc, giày da. Do RCEP là một hiệp định thương mại toàn diện nên chúng tôi cũng kỳ vọng các ngành khác cũng tham gia vào và tận hưởng các lợi ích này.
Với xu hướng reshoring hay nearshoring, các công ty đa quốc gia đang tập trung vào xây dựng chuỗi giá trị trong khu vực. RCEP có thể phát huy được tác động của mình nếu doanh nghiệp xây dựng được chuỗi cung ứng. Một điều học được trong hai năm Covid-19 vừa qua là: nếu chuỗi giá trị càng trải dài trên nhiều quốc gia càng xa, chúng ta càng chịu nhiều rủi ro về sự đứt gãy.
Về EVFTA, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Chúng tôi đánh giá đây là thị trường quan trọng. UPS tiếp tục mở rộng và điều chỉnh mạng lưới của mình để giúp các quốc gia châu Âu đẩy mạnh giao thương với Việt Nam.