Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chuỗi cung ứng toàn cầu căng thẳng trước Tết do chiến lược ‘zero Covid’ của Trung Quốc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trước thềm Tết Nguyên đán 2022, các lệnh phong tỏa và hạn chế khác để phòng chống dịch Covid-19 ở các thành phố lớn và cảng container lớn nhất ở Trung Quốc đang gây ra cơn hỗn loạn trong các chuỗi cung ứng, khiến cước vận tải biển và cước hàng không đi từ Trung Quốc đều tăng.

Cảnh sát kiểm tra thông tin xét nghiệm Covid-19 trên smartphone của một tài xế xe tải ở cảng Ninh Ba-Chu Sơn thuộc tỉnh Chiết Giang. Ảnh: AFP

Atul Vashistha, người sáng lập kiêm chủ tịch Công ty tư vấn rủi ro chuỗi cung ứng Supply Wisdom, nói với hãng tin CNBC: “Dù các cảng container ở Trung Quốc vẫn đang mở cửa nhưng các hạn chế hiện tại bao gồm các biện pháp kiểm dịch bắt buộc tiếp tục gây tình trạng đình trệ, dẫn đến các chuyến hàng bị trì hoãn”.

Ông nói thêm, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc lúc này là hạn chế sự lây lan của các ca nhiễm Covid-19 trước thềm Tết Nguyên đán và Thế vận hội mùa đông 2022 vào tháng 2 tới. Và các biện pháp phòng chống dịch ở các cảng, chẳng hạn bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 mới được vào cảng, đang gây ra một số “hỗn loạn”. “Hàng hóa chất đống trong khi các tàu container bị cấm cập cảng”, ông nói.

Các ca nhiễm Covid đã xuất hiện tại ở các thành phố cảng quan trọng như Thâm Quyến, Thiên Tân và Ninh Ba, cũng như trung tâm công nghiệp Tây An, khiến giới chức trách triển khai lệnh phong tỏa và các chế khác.

Các ca nhiễm cũng xuất hiện ở các thành phố khác như Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh và An Dương, tỉnh Hà Nam. Thủ đô Bắc Kinh đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng đầu tiên vào ngày 15-1. Hôm 23-1, chưa đầy hai tuần trước khi Thế vận hội mùa đông diễn ra, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra những hạn chế mới nhằm ngăn chặn đợt bùng phát dịch gần đây sau khi 9 ca nhiễm trong cộng đồng được phát hiện ở Bắc Kinh một ngày trước đó.

Đợt bùng phát dịch bệnh ở Ninh Ba vào tháng 12 cũng dẫn đến một số hạn chế đi lại, làm gián đoạn giao thông tại cảng container bận rộn thứ ba thế giới, Ninh Ba – Chu Sơn.

Judah Levine, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Freightos Group, một nền tảng đặt chỗ với các hãng vận tải biển, cho hay các hoạt động ở cảng Ninh Ba – Chu Sơn đã được khôi phục nhưng nhiều lô hàng đã được chuyển về cảng Thượng Hải, cảng biển bận rộn nhất thế giới, gây tắc nghẽn ở cảng này.

Công ty công nghệ chuỗi cung ứng Project44 cho biết việc chuyển hướng từ cảng Ninh Ba-Chu Sơn đến Thượng Hải đã “phản tác dụng đối với một số chủ hàng” do tình trạng tắc nghẽn tại Thượng Hải gia tăng. Kết quả là Thượng Hải ghi nhận mức tăng 86% về số lượng “chuyến tàu trống”, một thuật ngữ ám chỉ đến việc một hãng vận tải biển quyết định hủy kế hoạch ghé tàu vào một cảng cụ thể hoặc toàn bộ chuyến đi.

Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào Trung Quốc khi các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt theo chính sách quét sạch ca nhiễm Covid-19 (hay còn gọi là “zero Covid”) của nước này có thể tác động đến hoạt động kho vận.

Judah Levine nói: “Nhiều biện pháp đã  được triển khai để ngăn chặn đà lây lan của các ca nhiễm dương tính được phát hiện ở nhiều nơi bao gồm Bắc Kinh, Thâm Quyến, Thiên Tân, Đại Liên và một số nơi khác”.

Ông cho hay cước vận tải biển giao ngay đã tăng 4% trên các tuyến đường biển đi từ Châu Á đến bờ tây nước Mỹ nhưng không khả năng tăng thêm nữa trong bối cảnh các nhà máy ở Trung Quốc đang đóng cửa để nghỉ Tết. Tuy nhiên, giá cước vận chuyển hàng không tăng đột biến.

Levine nói: “Vẫn đủ thời gian để vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không trước kỳ nghỉ lễ. Thêm đó vào, công suất  bị hạn chế do tác động của đại dịch đang đẩy giá cước vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không lên cao”.

Chỉ số hàng không Freightos cho thấy giá cước chở hàng từ Trung Quốc đến Bắc Âu đạt mức 9,59 đô la Mỹ/ kg vào giữa 1, tăng hơn 50% so với mức chưa đến 6 đô la/kg vào đầu tháng 1.

Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất của Trung Quốc và hàng trăm triệu người từ các thành phố thường trở về quê vào dịp này.

Một số công ty vận tải biển lớn như Ocean Network Express (Nhật Bản) và Hapag-Lloyd (Đức) đã tạm dừng các  dịch vụ và hoạt động để nghỉ Tết. Điều đó làm gia tăng căng thẳng cho các chuỗi cung ứng.

Paul Gruenwald, nhà kinh tế trưởng tại hãng xếp hạng tín dụng toàn cầu S&P Global Ratings, ghi nhận chi phí vận tải biển đã giảm trong vài tháng qua khi tình trạng tắc nghẽn của chuỗi cung ứng hạ nhiệt, nhưng đà tăng số ca nhiễm Covid gần đây và bất kỳ nguy cơ đóng cửa cảng container nào ở Trung Quốc cũng có thể đảo ngược sự cải thiện đó.

Theo John Ferguson, trưởng nhóm dịch vụ về toàn cầu hóa, thương mại và tài chính của tổ chức tư vấn Economist Impact, chính sách không khoan nhượng với Covid của Trung Quốc sẽ tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông cho hay các vấn đề liên quan đến Covid-19 ở Trung Quốc càng gây thêm khó khăn cho chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng do mùa mua sắm Giáng sinh mới đây và sau đó là sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Ông nói: “Với việc Trung Quốc sắp tổ chức Thế vận hội mùa đông vào tháng 2 cũng như các sự kiện chính trị quan trọng vào cuối năm, khó có khả năng Trung Quốc từ bỏ chiến lược zero Covid trong năm nay”.

Atul Vashistha của Công ty Supply Wisdom kết luận: “Sự kết hợp của lệnh phong tỏa với tình trạng tắc nghẽn gia tăng ở các cảng của Trung Quốc, chính sách không khoan nhượng Covid-19 cũng như công suất vận chuyển suy giảm của hàng không cho thấy rõ một vấn đề: hàng hóa tiếp tục ùn ứ mà có cách nào để vận chuyển hay không có nơi nào để đưa đến.

Theo CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới