Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chuỗi giá trị nông nghiệp đâu chỉ có nông sản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuỗi giá trị nông nghiệp đâu chỉ có nông sản

Trần Khắc Điền (*)

(TBKTSG) - Nông nghiệp là ngành đóng góp cho sự ổn định kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong những thời kỳ khó khăn do lạm phát, suy thoái kinh tế. Trong tương lai, nông nghiệp cũng sẽ là một trong những ngành quan trọng bậc nhất tạo ra sự thịnh vượng cho quốc gia, nhưng để hiện thực hóa điều này cần tập trung đầu tư vào những ngành mà thoạt nhìn thì không phải nông nghiệp.

Triển lãm nông nghiệp công nghệ cao tại TPHCM. Ảnh: THÀNH HOA

Để nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập hiệu quả vào thị trường toàn cầu, thì bốn vấn đề sau đây luôn là những thách thức chiến lược đối với các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách vĩ mô, gồm: năng suất và quy mô sản xuất; chất lượng sản phẩm và thương hiệu quốc gia; năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) và sự tự chủ công nghệ; và khả năng tạo lập thị trường hoặc ảnh hưởng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ai tham gia tạo lập cấu trúc chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam?

Quan điểm và cách nhìn hiện nay về chuỗi giá trị ngành của ngành nông nghiệp Việt Nam có thể được tóm lược trong lưu đồ tổng thể sau đây:

Đây là cơ sở để Nhà nước thiết lập chính sách nhằm hỗ trợ toàn diện cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, có một thực tế không vui là mức độ và quy mô phát triển của ngành (và những ngành phụ trợ có liên quan đến nông nghiệp) trong những năm qua thực sự chưa tương xứng, có thể kể ra như: hệ thống các chính sách hỗ trợ cả trong ngắn và dài hạn, các chương trình tài trợ tín dụng, các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế...

Lý giải cho vấn đề này, câu trả lời thật đơn giản, khung lưu đồ chuỗi giá trị ở trên chỉ là lý thuyết tổng thể, là nền tảng để phát triển tư duy chiến lược ngành và xây dựng chính sách tầm quốc gia cho ngành nông nghiệp, và chắc chắn nó không nằm trên bàn của các nhà hoạch định chiến lược trong phạm vi của một doanh nghiệp.

Chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp chỉ tập trung vào sản phẩm và chuỗi giá trị sản phẩm trong ngành mà nó đang hoạt động, và thường ít liên quan đến chuỗi giá trị và chiến lược ngành ở tầm vĩ mô của các cơ quan quản lý nhà nước, bởi đây mới thực sự là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.

Chuỗi giá trị không chỉ có nông sản

Tiếp theo câu chuyện về chuỗi giá trị, khái quát lại ta có “ngành trong ngành” trong chuỗi giá trị nông nghiệp, ví dụ ngành công nghệ sinh học có các sản phẩm phục vụ cho công đoạn 1 (chất cải tạo đất, phân bón vi sinh), công đoạn 2 (chế phẩm sinh học trị nấm, côn trùng), và công đoạn 5 (nước rửa, chất bảo quản rau củ quả) trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

Các sản phẩm trong ngành công nghệ sinh học, ngoài phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp (ngành trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi), thì vẫn còn có thể phát triển ra được rất nhiều dòng sản phẩm có giá trị khác phục vụ trong lĩnh vực môi trường và sức khỏe.

Tương tự đối với ngành kỹ thuật động lực và tự động hóa, thì sản phẩm của nó cũng phục vụ cho các công đoạn 1, 2 và 5 trong chuỗi giá trị nông nghiệp và thậm chí còn mở rộng hơn ra ngoài chuỗi. Điểm chung của các sản phẩm trong hai ngành được ví dụ vừa nói ở trên là chúng có thể được xuất khẩu ra nước ngoài, tham gia cung ứng cho một số công đoạn trong chuỗi giá trị tương tự ở các quốc gia đang phát triển.

Tập trung cho những điểm nhấn trong chuỗi giá trị nông nghiệp

Đứng ở góc độ quản lý, Nhà nước có thể xem đây là một đề xuất chiến lược dành cho các nhà làm chính sách quốc gia. Tuy nhiên, mục tiêu chính mà người viết muốn hướng đến chính là kêu gọi từ khối kinh tế tư nhân đầu tư mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn vào các ngành - lĩnh vực sau đây, thay vì trông chờ sự ra đời và hỗ trợ từ các viện trường, trung tâm nghiên cứu, các dự án đầu tư... bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước:

1. Công nghệ sinh học: Lĩnh vực khoa học này luôn được Nhà nước dành cho sự ưu tiên và quan tâm lớn từ giữa những năm 1990. Đây là lĩnh vực đầu tư đòi hỏi trình độ công nghệ và chất xám rất cao, nhưng lại vô cùng thú vị bởi các sản phẩm và khả năng ứng dụng của nó vô cùng rộng rãi, từ lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, môi trường, đến cả lĩnh vực thực phẩm và dược phẩm.

Với lĩnh vực nông nghiệp, các sản phẩm ứng dụng trong ngành công nghệ sinh học chắc chắn sẽ trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam, và để phát triển bền vững thì công nghệ sinh học lại tham gia giải quyết tiếp các vấn đề nghiêm trọng về môi trường trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm.

Thực tế, hiện nay đã có nhiều trung tâm nghiên cứu ứng dụng quy mô nhỏ được thành lập để giải quyết các vấn đề trên, nhưng chưa thực sự tạo ra cú hích mạnh mẽ trong việc phát triển công nghệ sinh học ứng dụng thành một ngành công nghiệp ở tầm quốc gia.

2. Xử lý nguồn thải và sản xuất phân bón hữu cơ: Vì mục tiêu “môi trường trong sạch, nông nghiệp an toàn, và tài nguyên tái tạo”, nên việc kết hợp các ứng dụng khoa học tiên tiến nhất trong sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải hữu cơ, biến các phế thải trong nông nghiệp và sinh hoạt thành những nguồn tài nguyên có giá trị cho ngành nông nghiệp là một chiến lược lớn, đòi hỏi sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó thành phần quan trọng nhất vẫn là doanh nghiệp.

Về nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, chúng ta có nhiều thuận lợi, riêng phế phụ phẩm trong nông nghiệp có khoảng 60-70 triệu tấn/năm, tổng khối lượng phân động vật được tạo ra trên toàn quốc vào khoảng 80 triệu tấn mỗi năm. Do vậy, nếu xây dựng được chuỗi giá trị sử dụng phế/phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế như: cung cấp đầu vào cho ngành nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch sinh thái.

3. Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo kỹ thuật động lực và tự động hóa: Là trụ cột trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của đất nước, trong đó có nông nghiệp, nên mục tiêu mà người viết muốn hướng đến là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật động lực, kỹ thuật số, máy móc thiết bị và tự động hóa chuyên phục vụ trong ngành nông nghiệp và các ngành có liên quan trong chuỗi giá trị nông nghiệp như: ngành chế biến thực phẩm, năng lượng, môi trường... dựa trên một số nền tảng năng lực cốt lõi như: nghiên cứu và phát triển; thiết kế và chế tạo; hoặc tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ, những những tiến bộ mới nhất về khoa học kỹ thuật và công nghệ trên thế giới, đưa vào ứng dụng phù hợp với điều kiện sản xuất và khả năng tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam.

4. Dịch vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Xưa nay chúng ta chỉ quen và nhận biết về sự quan trọng của cơ sở hạ tầng trong phát triển nông nghiệp là logistics, mà quên mất hoặc nói cách khác là chưa thực sự coi trọng vai trò của hạ tầng dịch vụ phát triển nông nghiệp như: trung tâm hội nghị quốc gia về nông nghiệp; trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác quốc tế; trung tâm trình diễn các mô hình kinh tế xanh, nông nghiệp công nghệ cao; trung tâm tư vấn chuyển giao công nghệ và phát triển vùng trồng...

Các trung tâm này, khi có sự tham gia mạnh mẽ của khối kinh tế tư nhân, và nếu được tổ chức thành một tổ hợp liên hoàn với hệ thống logistics của từng khu vực và quốc gia sẽ tạo ra một hệ “chân đế” rất vững vàng cho nền nông nghiệp trong phát triển kinh tế của Việt Nam.

(*) Chuyên gia tư vấn của Strategic Foresight

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới