Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

“Chuộng IELTS” trong tuyển sinh – đừng như là phong trào!

Nguyễn Hoàng Chương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mấy năm gần đây, bên cạnh phương thức xét tuyển vào đại học dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), các đại học, trường đại học đã bổ sung một số phương thức xét tuyển mới, kéo theo các xu hướng ứng xử trong dạy và học nhằm đáp ứng các yêu cầu xét tuyển này.

Còn nhớ những năm mà việc tuyển sinh đại học có cộng điểm ưu tiên cho học sinh thi tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi, ngành giáo dục “bội thu” học sinh giỏi!

Hay như mấy năm qua, với việc thí sinh đạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia trong các kỳ thi khoa học kỹ thuật (dành cho học sinh phổ thông) được xét tuyển thẳng vào đại học, các trường phổ thông đã rầm rộ tổ chức nhiều đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh. Và thường thì sau mỗi cuộc thi đó là lùm xùm dư luận kêu gọi những người có trách nhiệm cần tổ chức các cuộc thi sao cho vừa sức học sinh, trung thực và lành mạnh.

Gần đây, một số trường đại học dành chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Năm 2021, cả nước có hơn 60 cơ sở đào tạo sử dụng các chứng chỉ IELTS, TOEFL, SAT... làm tiêu chí xét tuyển. Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, môn tiếng Anh có 4.582 thí sinh đạt điểm 10 (so với năm 2020 chỉ có 225 điểm 10). Một vị lãnh đạo cấp vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận định kết quả thi này có độ phân hóa tốt(?), tạo điều kiện tuyển sinh thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học, kể cả các trường tốp cao.

Tuy nhiên, khi được hỏi về mốc điểm giỏi môn tiếng Anh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT liệu đã đủ cơ sở để đánh giá kỹ năng ngôn ngữ lẫn tư duy học thuật của học sinh hay không, nhiều giáo viên giảng dạy tiếng Anh (THPT) có chung nhận định rằng bài thi tốt nghiệp chỉ kiểm tra các kỹ năng đọc và viết, chưa đủ đánh giá năng lực học sinh, càng không có nhiều giá trị vì đề thi không đáp ứng yêu cầu phân hóa. Trong khi đó, các chứng chỉ quốc tế uy tín như IELTS đánh giá được cả khả năng nghe, nói, đọc lẫn viết ngôn ngữ tiếng Anh học thuật ở mức độ tương đối.

Năm 2022 này, hơn 10 phương thức xét tuyển đã được công bố và nhiều đại học, trường đại học cho hay sẽ áp dụng nhiều phương thức xét tuyển cùng một lúc. Nhìn chung, các trường đại học chỉ dành tối đa 50% chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, có trường giảm xuống chỉ còn 10-20%. Đồng thời, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển có sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tăng lên.

Từ thực tế đó, một bộ phận học sinh lớp 12 năm nay đang “quay xe” luyện thi cấp tốc IELTS, SAT... Mặt tích cực của hiện trạng này là thúc đẩy giới trẻ nâng cao năng lực ngoại ngữ, góp phần nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp…, nhưng mặt khác nó cũng bộc lộ những điểm hạn chế (xin phép chưa đi sâu trong bài viết này). Ở đây, tôi xin có vài ý kiến đề xuất trong bối cảnh xã hội chúng ta có xu hướng gia tăng sử dụng các chuẩn mực đánh giá tiếng Anh quốc tế.

Một là, bộ và các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông cần xây dựng chiến lược hành động để kỳ thi tốt nghiệp THPT (trước mắt) và đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT (về lâu dài) đáp ứng mục tiêu giáo dục phổ thông và nhu cầu xã hội. Việc này cũng hướng đến phát triển các “thương hiệu” (thi, đánh giá) tại từng địa phương và trên phạm vi quốc gia. Lẽ tất nhiên bao gồm trong đó là đánh giá về dạy và học tiếng Anh. Chứ như hiện nay, thi tốt nghiệp thì “mưa” điểm 10 nhưng các cơ sở giáo dục đại học vẫn cứ quay lưng với kết quả đó. Người nhà còn chưa tin nhau nói chi tới người ngoài!

Hai là, tự chủ đại học thực sự là tự chủ về học thuật, về tổ chức, về tài chính… Điểm nhấn của tự chủ là hiện đại hóa nội dung, phương pháp đào tạo, lấy sinh viên làm trung tâm, đẩy mạnh tự học, tự nghiên cứu, đưa giáo dục đại học bắt nhịp với quá trình hội nhập.

Hiện nay, không ít trường đại học, từ giáo trình đến cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập vẫn còn lạc hậu. Không ít giảng viên chậm cải thiện trình độ ngoại ngữ, chỉ siêng năng trong những việc làm thêm, thời gian dành cho nghiên cứu cũng rất ít ỏi. Giảng viên mà không giỏi thì làm sao hướng dẫn sinh viên học giỏi được? Một số trường đại học có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh nhưng nội dung như thế nào thì lại là một câu chuyện dài. Cho dù xét tuyển đầu vào có yêu cầu IELTS phải đạt mức “6 chấm” hay “7 chấm” chăng nữa mà quá trình dạy và học sau đó không có môi trường tương tác thì rồi ngọc quý cũng bị lu mờ. Sinh viên tốt nghiệp ra trường lại loay hoay lo tìm việc làm, lo toan chuyện “cơm áo gạo tiền”, “thăng quan tiến chức”, thế là cũng xong... một kiếp IELTS!

Ba là, nên xây dựng lộ trình đổi mới phương thức xét tuyển đại học sao cho nhà trường phổ thông cũng có đủ thời gian để chuyển đổi. Sự đồng bộ và đồng pha sẽ tạo biên độ dao động lớn cho việc đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo. Hiện có trường đại học dành đến 40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, vô hình trung đẩy học sinh và phụ huynh vào những cuộc đua IELTS, TOEFL... vừa tốn kém, vừa gây bất bình đẳng giữa các trường thuộc các vùng, miền khác nhau, và học sinh thì không còn đủ thời gian học các môn khác. Coi chừng lợi bất cập hại!

Bốn là, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra để việc xét tuyển tại các cơ sở giáo dục đại học được đúng hướng, hài hòa lợi ích giữa các nhà trường (đại học, phổ thông), các bên trong cuộc. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nhiều gia đình học sinh lâm cảnh khó khăn, túng quẫn, và việc dạy và học trực tuyến suốt thời gian dài cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng.

Năm là, để thay đổi gốc rễ việc dạy và học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng thì cần có sự đánh giá trung thực về hiệu quả thực tế của các phương án đào tạo, của sách giáo khoa hiện hành cũng như những bộ sách tiếng Anh cải cách, cả việc thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia.

Học ngoại ngữ để giao tiếp, để nghiên cứu, làm việc, nhưng suy cho cùng là học một ngôn ngữ - văn hóa, thêm hành trang trong tiến trình trở thành công dân toàn cầu. Các phương thức đơn lẻ như chỉ với việc tuyển sinh chạy theo các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vốn có giá trị hữu hạn liệu có tạo hiệu ứng tích cực hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Các phương thức xét tuyển được công bố:

1. Xét tuyển thẳng, xét ưu tiên theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của trường xét tuyển.

2. Ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Đại học quốc gia TPHCM (xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT năm 2022; xét tuyển học sinh của 83 trường chuyên, năng khiếu của các trường đại học thuộc các tỉnh, thành trên toàn quốc, học sinh của 66 trường THPT chất lượng cao).

3. Xét tuyển học sinh giỏi.

4. Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

5. Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia TPHCM, Đại học quốc gia Hà Nội; kỳ thi đánh giá tư duy của trường Đại học Bách khoa Hà Nội; kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường Đại học Sư phạm TPHCM.

6. Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT ghi trên học bạ theo tổ hợp môn.

7. Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

8. Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài.

9. Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi quốc tế.

10. Xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với kết quả học tập 3 năm THPT.

11. Xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế.

12. Xét tuyển dựa trên điểm trung bình chung tích lũy của thí sinh tốt nghiệp đại học.

13. Nhiều trường ĐH khác áp dụng phương thức xét tuyển từ học bạ, từ kết quả thi THPT, kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu...

Theo tuoitre.vn

1 BÌNH LUẬN

  1. Mấy chục năm rồi, đào tạo ngoại ngữ vẫn mãi không có chuẩn nào ổn định. Từ hữu chuyển sang tả, từ ta sang tây, và ngược lại. Nền móng đào tạo vẫn là cái gốc quan trọng nhất. Trường ra trường, thầy ra thầy. Học thế nào, hành thế ấy. Điều đáng tiếc nhất là chúng ta vẫn mãi loay hoay, chú trọng vào công thức “bằng – cấp/ giấy – dấu/ ” chứ không phải “thực – học/ thực – tài”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới