Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chuyện dài nợ xấu

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nợ xấu tiếp tục đi lên trong những tháng đầu năm nay. Điều này sẽ kéo theo những hệ lụy gì? Giải pháp nào đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai để hỗ trợ việc xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng?

Nợ xấu vẫn tăng

Theo tổng hợp từ báo cáo tài chính quí 1-2024 của 28 ngân hàng, sau khi tăng đến 41% trong năm 2023, tổng số dư nợ xấu của 28 ngân hàng tiếp tục lập đỉnh mới khi tăng hơn 14%, lên mức 224.146 tỉ đồng, cao hơn mức đỉnh từng ghi nhận hồi quí 3-2023. Ngoại trừ hai ngân hàng VPBank và SHB có nợ xấu giảm nhẹ so với đầu năm, 26 ngân hàng còn lại đều ghi nhận nợ xấu tăng, trong đó 19 ngân hàng có tốc độ tăng lên đến hai chữ số.

So với cuối năm 2022, nợ xấu toàn ngành đã tăng tới 64%. Đồng thời, nợ nhóm 2 tăng hơn 10% so với cuối năm 2023. Đáng lưu ý, nếu như thời điểm cuối năm ngoái chỉ có năm ngân hàng để tỷ lệ nợ xấu vượt 3% thì đến ngày 31-3-2024 con số này là chín ngân hàng. Giới phân tích cho rằng nợ xấu toàn ngành sẽ còn tiếp tục đi lên, ít nhất là đến hết quí 2 năm nay trước khi có thể giảm dần trở lại trong nửa cuối năm nay.

Còn theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tình trạng nợ xấu tăng tiếp tục diễn ra trong bốn tháng đầu năm 2024, với số dư nợ xấu (đã loại trừ Ngân hàng SCB) tăng 8,7% so với cuối năm 2023, đưa tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống lên mức 4,86%. Đáng lưu ý, với khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2024 khoảng 300.000 tỉ đồng, cao nhất trong ba năm qua, trong đó nhóm bất động sản chiếm khoảng 44,2% và trong số này có khoảng 52% (khoảng 65.700 tỉ đồng) tiềm ẩn rủi ro thanh toán khi các tổ chức phát hành bị lỗ, liên quan đến các vụ án hoặc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, cũng có thể gây áp lực lên nợ xấu.

Hệ lụy?

Quá khứ từng cho thấy rủi ro nợ xấu gây ra không ít hệ lụy cho nền kinh tế.

Đầu tiên, không chỉ các doanh nghiệp bị hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng nếu không thể hoàn trả các khoản vay cũ đúng hạn, mà chính các ngân hàng cũng sẽ thận trọng hơn khi phát triển tín dụng. Diễn biến tăng trưởng tín dụng trì trệ trong hơn nửa đầu năm 2023 và từ đầu năm 2024 đến nay đang lặp lại là minh chứng rõ nhất. Tính đến ngày 23-4-2024, dư nợ tín dụng tăng 1,6% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm 2023 tăng 2,66%).

Tái cơ cấu nợ là một trong những cách cho thêm thời gian để các ngân hàng xử lý, thu hồi nợ, với kỳ vọng thị trường nhà đất sẽ phục hồi tạo điều kiện cho các ngân hàng xử lý các tài sản bảo đảm dễ dàng hơn, khi nhiều tài sản bảo đảm cho các khoản nợ vay của hệ thống ngân hàng hiện nay nằm dưới dạng bất động sản.

Thứ hai, nợ xấu tăng kéo theo áp lực tăng nguồn vốn trung và dài hạn để đảm bảo tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, mà thực tế không ít ngân hàng thời gian qua đã để tỷ lệ này vượt mức quy định. Hệ quả là các ngân hàng buộc phải tăng nhanh vốn tự có bằng cách phát hành thêm cổ phiếu dẫn đến tình trạng pha loãng cổ phiếu, hoặc tăng vốn tự có cấp 2 bằng cách phát hành trái phiếu kỳ hạn dài. Song song đó, các ngân hàng sẽ tăng cường lượng tiền gửi trung và dài hạn, theo đó phải tăng lãi suất để thu hút, mà diễn biến mặt bằng lãi suất huy động vốn đi lên gần đây đã phần nào phản ánh.

Lãi suất đầu vào đi lên trở lại sẽ đặt ra thách thức đối với lãi suất cho vay, trong khi Chính phủ mới đây lại yêu cầu ngành ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay thêm 1-2 điểm phần trăm để kích thích tín dụng. Ngoài ra, nợ xấu tăng cũng khiến các ngân hàng có động lực neo lãi suất cho vay đủ cao để bù đắp cho thiệt hại từ những khoản nợ xấu không thu được lãi của khách hàng.

Cuối cùng, nợ xấu tăng sẽ bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng khi buộc phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định. Cụ thể, tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của 28 ngân hàng trong quí 1-2024 là 31.656 tỉ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Có đến 14/28 ngân hàng gia tăng trích lập dự phòng, kết quả có chín ngân hàng giảm lợi nhuận trước thuế trong quí 1-2024 và một ngân hàng báo lỗ.

Dù đã trích lập dự phòng, nhưng nếu xét theo tỷ lệ bao phủ nợ xấu (bằng số dư dự phòng của các khoản nợ xấu/nợ xấu) của các ngân hàng lại có xu hướng giảm. Theo tổng hợp từ 28 ngân hàng, số dư dự phòng cuối quí 1-2024 đạt 194.939 tỉ đồng, tăng 5,7% so với cuối năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn đỉnh cuối quí 3-2023. Hiện chỉ có năm ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%, trong khi cuối năm 2023 có tới 10 ngân hàng trên mốc này, trong đó bốn ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu vượt 200%.

Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán SSI cho rằng áp lực nợ xấu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 khi đã bị trì hoãn ghi nhận, nền kinh tế phục hồi chậm. Hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết, xóa các khoản nợ xấu.

Giải pháp ưa chuộng?

Trong những năm gần đây, để giảm áp lực tăng nợ xấu trên sổ sách, chính sách tái cơ cấu nợ đã tích cực được triển khai. Từ Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN, đến Thông tư 02/2023/TT-NHNN đều được các ngân hàng hưởng ứng. Phía nhà điều hành cũng chủ động gia hạn chính sách tái cơ cấu nợ khi cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.

Như Thông tư 02 quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sẽ hết hạn vào tháng 6-2024. Mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố dự thảo sửa đổi thông tư này. Theo đó, gia hạn thêm sáu tháng nữa, tức là sẽ kéo dài đến hết ngày 31-12-2024 thay vì kết thúc vào ngày 30-6-2024 như quy định hiện hành.

NHNN đánh giá, đối với TCTD, việc kéo dài Thông tư 02 đến hết năm 2024 sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro tín dụng do kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hệ thống. Ngoài ra, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 đến cuối năm nay sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của TCTD và tạo điều kiện để TCTD thực hiện hỗ trợ cho khách hàng.

Chính vì vậy, dễ hiểu khi chứng kiến nợ tái cơ cấu đang có xu hướng tăng dần kể từ quí 2-2023 tới nay. Việc tái cơ cấu nợ là một trong những cách cho thêm thời gian để các ngân hàng xử lý, thu hồi nợ, với kỳ vọng thị trường nhà đất sẽ phục hồi tạo điều kiện cho các ngân hàng xử lý các tài sản bảo đảm dễ dàng hơn, khi nhiều tài sản bảo đảm cho các khoản nợ vay của hệ thống ngân hàng hiện nay nằm dưới dạng bất động sản.

Điều kiện tiên quyết thứ hai là phải giữ được mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp để hỗ trợ cho thị trường tài sản này. Ngoài ra, lãi suất thấp cũng giảm bớt gánh nặng tài chính cho người vay chưa thể trả nợ cho ngân hàng. Bởi vì, với nợ quá hạn theo quy định bị phạt đến 150% lãi suất trong hạn, nếu lãi suất càng lên cao các khách hàng vay sẽ càng khốn đốn và khả năng trả nợ dĩ nhiên sẽ suy yếu đáng kể theo thời gian.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới