Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Chuyển đổi kép’ gia tăng giá trị, sức mạnh thương hiệu cho doanh nghiệp

Ngọc Như

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Xây dựng thương hiệu là một quá trình dài, cần sự đầu tư và kiên trì thực hiện của cả tập thể mỗi đơn vị. Phát triển thương hiệu lớn mạnh, khác biệt cũng như tận dụng hiệu quả sức mạnh của nó là bài toán lớn cho bất kỳ doanh nghiệp nào trên thương trường.

Các diễn giả chia sẻ về câu chuyện nâng cao lợi thế cạnh tranh thông qua sức mạnh thương hiệu. Ảnh: Ngọc Như

“Chuyển đổi kép”: xu thế doanh nghiệp khó có thể đứng ngoài

Một trong những xu hướng quan trọng hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay là “chuyển đổi kép”, giúp doanh nghiệp đạt đến vị thế khác biệt so với số đông còn lại. Đây là nhận định của bà Ngô Phi Phụng, chuyên gia về chiến lược, Giám đốc Công ty Tư vấn Metta Marketing, tại buổi tọa đàm “Thương hiệu vàng TPHCM 2023” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 8-12 vừa qua.

Bà Phụng cho biết hiện nay ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc chuyển đổi xanh, nhất là sau khi Chính phủ Việt Nam cam kết tiến tới Net Zero vào năm 2050. Với chuyển đổi số, đây vẫn còn là một thách thức dù đã tương đối hình thành và nhiều doanh nghiệp đã có thành công nhất định. Động lực chuyển đổi này mạnh hơn từ sau dịch Covid-19 với sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử và các nền tảng xã hội.

Các yêu cầu mới của thị trường hiện nay đó là “chuyển đổi kép”, bao gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, doanh nghiệp nào nhìn thấy cơ hội từ xu thế mới này, dám đầu tư, thay đổi sẽ giúp cho thương hiệu định vị tốt hơn trên thị trường và trong lòng khách hàng, người tiêu dùng.

“Doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, chuyển đổi theo các xu thế mới để tạo thành lợi thế cạnh tranh và lúc đó, việc truyền thông cho sự thay đổi trong ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, thay đổi nhận thức, cách điều hành theo hướng xanh hơn, bền vững của doanh nghiệp sẽ trở nên dễ dàng hơn, được khách hàng ủng hộ. Doanh nghiệp có thể tự tin nói về “người thật việc thật” của mình, thậm chí đặt ra luật chơi mới cho ngành hàng”, bà Phụng nhấn mạnh.

Mọi chuyển đổi đều làm tăng chi phí và yêu cầu đầu tư vốn mà không nhận được kết quả tài chính ngay lập tức. Việc tốn kém nhiều chi phí cùng với rủi ro làm thương hiệu không đến nơi đến chốn sẽ tác động ngược đến thương hiệu.

Tuy nhiên, chuyển đổi luôn đòi hỏi sự nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam khá yếu và thiếu bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D). Thêm vào đó, mọi chuyển đổi đều làm tăng chi phí và yêu cầu đầu tư vốn mà không nhận được kết quả tài chính ngay lập tức. Việc tốn kém nhiều chi phí cùng với rủi ro làm thương hiệu không đến nơi đến chốn sẽ tác động ngược đến thương hiệu.

Theo bà Phụng, doanh nghiệp có thể lựa chọn thay đổi từng phần hay làm cách mạng hoàn toàn khi tận dụng lợi thế chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Một lưu ý quan trọng là chuyển đổi cần đi từ cốt lõi của doanh nghiệp, không phải là đánh bóng hình thức bên ngoài. Khách hàng cần nhìn thấy các hành động thực tiễn để xây dựng lòng tin. Các hoạt động có thể rất đơn giản như phân loại rác tại công ty và nhà máy, tăng làm việc từ xa để giảm thiểu khí thải xe cộ, sử dụng hệ thống tưới cây tiết kiệm nước, giảm thời gian sử dụng máy lạnh, sử dụng túi giấy tái chế,... Tất cả các hoạt động “bên trong” này thực tế đều có thể dùng để truyền thông ra bên ngoài, nhằm xây dựng uy tín của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp phải xây dựng được lòng tin cho khách hàng là tôi đang làm thật, có nghiên cứu tính khả thi và kiên trì với xu hướng này”, chuyên gia về chiến lược, Giám đốc Công ty tư vấn Metta Marketing lưu ý.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Rynan Technologies Vietnam, cho rằng muốn “chuyển đối kép”, doanh nghiệp phải xem đó là tương lai của mình, phải làm thật, đầu tư và tính toán kỹ lưỡng.

“Trước khi thay đổi, doanh nghiệp cần định lượng kết quả, kế đến là tìm hiểu về các đơn vị cung cấp dịch vụ, chuẩn bị lộ trình, kinh phí và phải làm thật, tránh làm theo phong trào”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ.

Yếu tố nào tạo nên sức mạnh thương hiệu?

Theo các chuyên gia, xây dựng thương hiệu gắn với các xu hướng chuyển đổi là một trong các vấn đề quan trọng để tạo sự khác biệt của doanh nghiệp.

Bà Ngô Phi Phụng nhận định xây dựng thương hiệu là một quá trình dài, đầu tư nhiều nhưng không phải ai cũng thành công. Chuyển đổi số thành công là một việc khó, nay lại thêm chuyển đổi xanh càng khó hơn. Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải có ý chí rất lớn. Doanh nghiệp nào thành công, đó chắc chắn là chiến lược khác biệt, định vị so với nhóm còn lại trên thị trường.

Tương tự, bà Đỗ Bích Vân, Giám đốc phát triển khách hàng của Kantar Insight, cũng cho rằng để nhận diện một thương hiệu mạnh, trước hết thương hiệu đó phải đáp ứng được các kỳ vọng của khách hàng, đồng thời tạo nên sự khác biệt so với đối thủ và nổi bật trong suy nghĩ của người tiêu dùng.

“Sức mạnh thương hiệu rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Việc xây dựng được thương hiệu mạnh sẽ làm người tiêu dùng bớt đắn đo khi quyết định chi tiêu, bớt bị ảnh hưởng bởi sức hút của các đối thủ do khách hàng đã đặt niềm tin vào thương hiệu của mình, từ đó họ cũng sẵn sàng trả mức giá cao hơn khi sản phẩm tăng giá một chút cho nguyên liệu tăng cao hoặc chi phí vận chuyển tăng”, Giám đốc phát triển khách hàng của Kantar Insight chia sẻ.

Ông Danny Võ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng đôi khi việc tìm kiếm sự khác biệt không dễ dàng nhưng biết được lợi thế và tận dụng hiệu quả điều đó là một cách tạo nên sức mạnh cho thương hiệu.

Ông phân tích sức mạnh thương hiệu phải phát huy từ sức mạnh nội tại của doanh nghiệp và hiện nay, các doanh nghiệp Việt đang có nhiều lợi thế từ yếu tố con người, thị trường rộng lớn và cả sự phát triển của kỹ thuật số, giúp cho việc tiếp cận khách hàng dễ dàng, nhanh chóng, ít tốn chi phí.

“Dù quy mô lớn hay nhỏ, doanh nghiệp cũng có cơ hội đưa sản phẩm ra nước ngoài thông qua các kênh kỹ thuật số”, ông Danny Võ nhấn mạnh.

Đáng chú ý, để nâng cao lợi thế cạnh tranh thông qua sức mạnh thương hiệu, giúp gia tăng sự hội nhập quốc tế, các chuyên gia cho rằng tiên phong chính là yếu tố quan trọng trong quy luật xây dựng thương hiệu.

“Khi trở thành người tiên phong, khả năng khách hàng, đối tác nhớ đến thương hiệu đó sẽ cao hơn nhiều so với người đi sau. Do đó, dù khó khăn nhưng can đảm tiên phong sẽ giúp thương hiệu mạnh hơn”, Giám đốc Công ty Tư vấn Metta Marketing nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tạo thêm nhiều giá trị cho sản phẩm hơn là giá bán, cạnh tranh giá rẻ, để từ đó sức mạnh thương hiệu được khẳng định trong lòng người tiêu dùng, tạo nên sự khác biệt, tiếc nuối khi khách hàng bỏ qua sản phẩm của doanh nghiệp mình.

Buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Thương hiệu vàng TPHCM 2023 có chủ đề “Đổi mới và bền vững” do UBND TPHCM chỉ đạo, Sở Công Thương phối hợp Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức thực hiện. Cũng tại sự kiện, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn chính thức ra mắt Câu lạc bộ Kiến tạo thương hiệu, với mục tiêu giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu bền vững tại thị trường trong nước và quốc tế.

Các thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến tạo thương hiệu. Ảnh: Minh Khoa

Bảy thành viên đầu tiên và cũng là Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ. Đây là các cá nhân, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó, ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam là Chủ nhiệm câu lạc bộ cùng các phó chủ nhiệm là ông Phạm Trần Nhật Minh, Phó tổng giám đốc Công ty Nhựa Long Thành; ông Trần Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - MILIKET; bà Ngô Phi Phụng, Giám đốc Công ty Tư vấn Metta Marketing; ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Giám đốc Công ty Green Việt; ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist và bà Đào Loan, Trưởng ban Đối ngoại và Phát triển thương hiệu của Saigon Times Group.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới