(KTSG Online) - Chuyển đổi đất lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng hoặc trồng cây ăn trái đang đem lại cho người nông dân nguồn thu nhập được xem là “siêu lợi nhuận”. Tuy nhiên, điều này lại tiềm ẩn nguy cơ xung đột rất lớn, thậm chí phá vỡ hệ sinh thái.
- Con đường bền vững cho bán đảo Cà Mau – Kỳ 1: Cỏ năn tượng có là giải pháp cho xung đột mặn ngọt?
- Con đường bền vững cho vùng bán đảo Cà Mau – Kỳ cuối: Khi cây cỏ vùng nhiễm mặn đến được thị trường Mỹ
“Siêu lợi nhuận” từ cây, con mới trên đất lúa!
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Hoàng Anh, ngụ xã Tân Lập, huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An - một hộ dân chuyển đổi đất lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng - cho biết, huyện Mộc Hoá nói riêng và vùng Đồng Tháp Mười nói chung là vùng sinh thái ngọt quanh năm, trong đó, lúa và thuỷ sản nước ngọt là hai loại hình sản xuất chính của người dân nơi đây.
Tuy nhiên, khoảng 4-5 năm trở lại đây, tôm thẻ chân trắng (tôm nước lợ - PV) đã được người dân phát triển khá mạnh ở khu vực này, nhất là ở huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An. “Để có nước lợ thích hợp cho nuôi tôm (độ mặn khoảng 5 phần nghìn - PV), người dân khoan giếng lấy nước ngầm rồi "đánh" thêm muối (pha muối) vào”, ông Hoàng Anh giải thích.
Dù không phải là vùng chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng như các địa phương ven biển khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng người dân nơi đây khẳng định tôm nuôi ở khu vực này có tỷ lệ thành công rất cao. “Ao diện tích 1.800 m2 mặt nước, mỗi vụ tôi thu hoạch đạt 6-7 tấn là bình thường”, ông Hoàng Anh nói và cho rằng, tôm ở khu vực này cũng nổi tiếng đạt “size” lớn so với những khu vực khác.
Ông Nguyễn Văn Thắng, ngụ xã Tân Lập, huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An - một hộ nông dân có 3 ao nuôi - khẳng định, sau khoảng 90-100 ngày nuôi, mỗi ao (diện tích 3.000 m2 mặt nước) đem lại cho ông khoản lợi nhuận trên dưới 500 triệu đồng. “Một ao 3 công (3.000 m2) kiếm 500 triệu đồng lợi nhuận khoẻ ru”, ông nói và giải thích, do con tôm mang lại “siêu lợi nhuận” nên người dân ở khu vực này liên tục bỏ lúa đào ao nuôi.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Anh cho biết, sau 3 tháng sản xuất, mỗi héc ta lúa mang lại cho người nông dân chỉ 20-30 triệu đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, cũng thời gian như vậy, nhưng với diện tích chỉ bằng một phần ba, nông dân có thể đạt mức lợi nhuận 500 triệu đồng, cao gấp hàng chục lần sản xuất lúa.
Theo ông, lợi nhuận lớn từ nuôi tôm đã kích thích người nông dân lao vào loại thuỷ sản này. “Người này nuôi trúng, người kia cũng trúng nên kích thích thành phong trào luôn", ông nói.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, riêng địa phương này đã có trên dưới 200 héc ta diện tích đất lúa được nông dân chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Không chỉ bỏ lúa chuyển sang nuôi tôm, nhiều địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang…, nông dân cũng ồ ạt bỏ lúa để chuyển sang trồng mít Thái và sầu riêng vì lợi nhuận cao từ những loại cây trồng này.
Ông Nguyễn Văn Hải, nông dân trồng mít Thái ở xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang tính toán, với giá bán như hiện nay (mít loại 1 hiện có giá khoảng 40.000 đồng/kg), lợi nhuận của nông dân trồng mít trên dưới 400 triệu đồng/héc ta, cao hơn chục lần so với lợi nhuận từ cây lúa. “Lợi nhuận cao nên nông dân chuyển sang trồng mít rất nhiều”, ông nói.
Nguy cơ xung đột
Việc chuyển đổi đất lúa sang các loại cây, con khác tuy mang lại thu nhập cao cho người nông dân, nhưng tiềm ẩn xung đột về lợi ích rất lớn, thậm chí có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái.
Ông Minh, Chủ tịch UBND huyện Mộc Hoá khẳng định, việc chuyển đổi đất lúa sang nuôi tôm là không được phép. Chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động nông dân không đào ao nuôi tôm, thậm chí xử phạt, nhưng do lợi nhuận cao nên nông dân vẫn tiếp tục chuyển đổi.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, UBND tỉnh đã có chỉ đạo các địa phương không mở mới diện tích. “Chúng tôi đang nhờ Trường Đại học Cần Thơ theo dõi độ mặn trên các sông cũng như độ mặn đáy ao (ao nuôi tôm) xem có thay đổi gì không nhằm đưa ra hướng xử lý”, ông nói và cho biết do mới triển khai 1 năm nên vẫn chưa có kết quả.
Tuy nhiên, theo ông Truyền, qua hội thảo, các nhà khoa học không đồng tình việc phát triển nuôi tôm nước lợ ở vùng Đồng Tháp Mười. Ông cho biết, trước mắt tuyên truyền người dân không mở rộng; đối với những ao cũ, tức sau 2-3 năm nuôi, đã có hiện tượng bị suy thoái, thường xuyên xảy ra dịch bệnh, không đạt hiệu quả.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), cảnh báo nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái ngọt, tạo ra xung đột mặn ngọt từ hoạt động nuôi tôm nước lợ ở vùng Đồng Tháp Mười. “Bây giờ chưa có dịch bệnh nhiều do mới, nhưng một khi mật độ cao thì khả năng sẽ dẫn đến dịch bệnh tràn lan là khó tránh khỏi”, ông nói và đề nghị cần tính đến chuyện khôi phục lại hiện trạng ban đầu nhằm tránh xung đột.
TS Dương Văn Ni, một chuyên gia về đa dạng sinh học (Trường Đại học Cần Thơ), cho rằng việc chuyển đổi đất lúa sang cây ăn trái sẽ dẫn đến tình huống: nếu xả nước vào đột ngột thì khả năng thiệt hại cho cây ăn trái là rất lớn, tức tạo ra xung đột giữa người trồng lúa (cần nước vào mùa mưa lũ) và người sản xuất cây ăn trái (không cần nước).
Theo ông Ni, hiện có một số địa phương không cấm chuyển đổi đất lúa sang cây ăn trái, nhưng yêu cầu nông dân phải cam kết “tự chịu trách nhiệm” về thiệt hại nếu địa phương xả nước lũ vào đồng. Điều này có nghĩa, khi chuyển đổi sang cây ăn trái nông dân phải đầu tư hệ thống đê bao xung quanh khu đất của họ thật chắc chắn.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này này cảnh báo, khi diện tích các vườn cây ăn trái đủ lớn, thì việc bơm rút nước ra bên ngoài vào mùa mưa lũ sẽ làm ngập trầm trọng hơn khu vực lân cận.
“Nó giống như trong một con hẻm, khi có nước nhà nào cũng bơm nước ra lộ, thì cuối cùng nó sẽ chảy qua khu vực thấp nhất”, ông ví von và cho rằng, kể cả nông dân có đủ tiền để giữ cho khu vườn không bị ngập bằng cách bơm nước ra thì rủi ro sẽ dồn vào khu thấp nhất trong khu vực, tức đẩy cộng đồng đến xung đột trong chuyện sử dụng tài nguyên.
Trước bối cảnh xung đột như nêu trên, ông Minh, Chủ tịch UBND huyện Mộc Hoá, cho biết địa phương đang vận động nông dân chuyển đổi ao nuôi tôm nước lợ sang phát triển nuôi thuỷ sản nước ngọt để tránh xung đột mặn ngọt với cây lúa. “Nhiều ao tôm qua một thời gian nuôi đã xuất hiện dịch bệnh nên chúng tôi đang vận động người dân chuyển sang thuỷ sản nước ngọt”, ông Minh nói.
Nhà báo thử hỏi cơ quan chức năng xem, cụ thể môi trường mặt hàng, sản phẩm nào đó, có số liệu nhu cầu thị trường; quy mô sản xuất online của trong nước và quốc tế không? Để định hướng sản xuất cho nông dân không? Hay nông dân tự bơi?