Thứ Ba, 16/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chuyển đổi số ‘nửa chừng’: điểm nghẽn nằm ở đâu?

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chuyển đổi số dịch vụ công là lĩnh vực đã được Chính phủ đầu tư hàng ngàn tỉ đồng trong vài năm gần đây. Thế nhưng, tình trạng khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu đã số hóa thấp đến mức đáng kinh ngạc: cấp bộ, ngành chỉ đạt khoảng 1% và địa phương chỉ hơn 10%.

Tại hội nghị sơ kết một năm tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử diễn ra trong ngày 10-6-2024, báo cáo của Bộ Công an cho thấy vẫn còn đến 6 “điểm nghẽn” phải sớm giải quyết.

Trong số này có một điểm nghẽn rất đáng chú ý theo báo cáo nói trên là việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần còn hạn chế.

Thực tế cho thấy, dù hệ thống công nghệ đã được đầu tư khá bài bản từ trên xuống dưới nhưng tỷ lệ tái sử dụng hồ sơ số hóa, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn quá thấp. Tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa của bộ, ngành chỉ đạt 1,13%, của địa phương chỉ đạt 10,35%.

Qua thống kê trên Cổng dịch vụ công quốc gia, mới chỉ có hai bộ Công an, Văn hóa Thể thao và Du lịch sử dụng lại thông tin dữ liệu đã số hóa, còn lại tất cả các bộ ngành khác chưa thực hiện.

Theo báo cáo tại hội nghị nói trên, “người dân vẫn phải xuất trình giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp trong khi dữ liệu đất đai đã được số hóa trên môi trường điện tử”(1).

Tình trạng này gây phiền hà cho người dân khi họ vẫn phải xuất trình giấy tờ bản gốc sau khi đã số hóa và lưu trữ trên hệ thống của cơ quan nhà nước. Trong một số trường hợp, cả người dân và công chức phải làm đến hai lần thủ tục: một lần trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến và một lần đối chiếu bản gốc trực tiếp. Như vậy, việc cắt giảm thủ tục đã không có mà còn phát sinh nhiều công việc hơn so với cách làm trực tiếp kiểu cũ.

Thực tế từ các bộ đã thực hiện như Bộ Công an, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho thấy, việc tái sử dụng dữ liệu công dân đã số hóa có độ tin cậy cao và không gây ra sự cố gì. Vì vậy, việc không chấp nhận sử dụng dữ liệu số hoàn toàn không phải là vướng mắc do quy trình hay công nghệ mà đây chính là “điểm nghẽn” trong tư duy khi một số cơ quan vẫn chưa chấp nhận dữ liệu số hóa mà vẫn muốn nhìn thấy bản giấy cho “chắc ăn”.

Không chỉ gây mất thời gian, công sức và tiền bạc của người dân, quy trình “số hóa nửa vời” làm ảnh hưởng lớn đến nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính mà Chính phủ đã đề ra.

Nếu không được xử lý dứt điểm, tình trạng này có thể tác động khiến cho đến năm 2025 sẽ không hoàn thành mục tiêu 50% thủ tục hành chính liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm và gián tiếp gây lãng phí đối với khoản đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng từ ngân sách cho các chương trình số hóa(2).

——————–

(1) https://thanhnien.vn/du-lieu-dat-dai-da-so-hoa-nguoi-dan-van-phai-nop-giay-to-chung-minh-185240610091304415.htm

(2) Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, vốn ngân sách trung ương bố trí cho lĩnh vực công nghệ thông tin là 12.077 tỉ đồng, tăng 6,1 lần so với giai đoạn 2016 – 2020 (1.983 tỉ đồng). Ngoài ra, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đã bố trí 4.421 tỉ đồng cho 19 dự án chuyển đổi số của 8 bộ, cơ quan trung ương. Nguồn: Bộ Công an

1 BÌNH LUẬN

  1. Nguyên nhân không vì chuyển đổi số. Mà do chuyển đổi tư duy trên lĩnh vực công không theo kịp. Trong khi đó, lĩnh vực rất quan trọng là tài chính ngân hàng, luôn tiên phong trong chuyển đổi số, toàn diện và mạnh mẽ. Tỷ lệ thanh toán điện tử hiện nay gần như áp đảo toàn bộ thị trường, đến mức không cần thiết phải hô hào thanh toán không dùng tiền mặt nữa. Tuy nhiên, mọi việc chưa hẳn đã suôn sẻ. Việc tiếp cận và truy xuất dữ liệu từ khu vực công sang các lĩnh vực sản xuất kinh doanh vẫn còn rất nhiều trở ngại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới