(KTSG Online) - Từ sứ mệnh của mình cũng như ở yêu cầu của thị trường khách hàng và đối tác, việc chuyển đổi xanh được các các doanh nghiệp khẳng định là hành trình thực hiện xuyên suốt lâu dài trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Tăng tốc chuyển đổi xanh để vượt qua thách thức trước mắt
- Nền kinh tế Net Zero vào ‘đường đua’ tăng tốc
- Sẵn sàng cho sự kiện Phát triển Bền vững 2024 vào ngày 19-9
Thông tin này được đại diện hai doanh nghiệp lớn thuộc hai lĩnh vực khác nhau là Coca Cola Việt Nam và NS BlueScope Việt Nam chia sẻ tại sự kiện Phát triển bền vững 2024 với chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero”.
Với tầm nhìn toàn diện và những giải pháp sáng tạo, phần chia sẻ của hai doanh nghiệp đã gợi lên nhiều cảm hứng cho người nghe trước xu thế chuyển dịch tất yếu theo hướng bền vững.
Sự kiện thuộc chuỗi Diễn đàn Kinh tế Xanh thường niên do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức, diễn ra tại Khách sạn New World Saigon, TPHCM vào ngày 19-9.
Hành trình phát triển bền vững tại Coca Cola
Tham dự Diễn đàn, bà Bùi Đặng Duyên Mai, Giám đốc Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển bền vững của Coca‐Cola Việt Nam và Campuchia, chia sẻ những việc làm thực tế mà doanh nghiệp thực hiện để chuyển đổi sang mô hình sản xuất có phát thải thấp, tăng trưởng xanh và đóng góp cộng đồng.
Khẳng định phát triển bền vững và thân thiện môi trường, Coca-Cola tập trung thực hiện qua ba trụ cột là bao bì bền vững, quản lý nước và biến đổi khí hậu.
Coca-Cola xác định nông nghiệp bền vững là một cách tiếp cận hiệu quả cho mục tiêu an ninh nước và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, Coca-Cola Foundation đã cùng IUCN triển khai hàng loạt hoạt động hỗ trợ các giải pháp thuận thiên tại đồng bằng sông Cửu Long. Đó là nuôi tôm kết hợp với phục hồi rừng ngập mặn; giảm rủi ro lũ lụt do mất rừng ngập mặn ven biển… và dự kiến tiếp tục đầu tư để duy trì các hoạt động này trong giai đoạn 2024-2026.
Đồng thời, nỗ lực phục hồi đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) của Coca-Cola và WWF cũng đang cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan, mang đến sự cải thiện đáng kể về chức năng điều tiết nước trong khu vực Vườn Quốc gia cũng như tạo thêm sinh kế bền vững cho cư dân địa phương thông qua các giải pháp thuận thiên.
Ở khía cạnh khác, quản lý nước cũng là một nội dung chủ đạo trong cam kết phát triển bền vững của Coca-Cola. Tại Việt Nam, Coca-Cola đang từng bước được hiện thực hóa qua hoạt động của Coca-Cola Foundation, tổ chức từ thiện toàn cầu thuộc Công ty Coca-Cola. Theo đó, đầu năm 2024, Coca-Cola Foundation cùng CFC đã hoàn thành dự án nước uống sạch cho các trường học.
Với định hướng bao bì bền vững, Coca-Cola theo đuổi chiến lược “Vì một thế giới không rác thải”, qua đó từng bước hiện thực hóa những mục tiêu sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế trong sản xuất bao bì, đến năm 2030 sẽ thu gom và tái chế tương đương 100% số lượng chai và lon bán ra.
Khởi động từ năm 2018, chiến lược này mở ra hàng loạt chuyển đổi và sáng kiến trên cả 3 hoạt động: thiết kế - thu gom - hợp tác, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.
Tiêu biểu là việc thay thế chai nhựa PET màu xanh đặc trưng của Sprite bằng chai nhựa trong suốt năm 2021 hoặc tháo bỏ màng co trên các chai, giúp đơn giản hóa quy trình tái chế. Coca-Cola cũng đã ra mắt bao bì chai Coca-Cola 300ml (trừ nắp và nhãn chai) làm từ 100% nhựa tái chế (rPET), giúp cắt giảm sử dụng hàng ngàn tấn nhựa mới mỗi năm tại Việt Nam.
Theo bà Mai, Coca-Cola cũng đang xúc tiến nhiều quan hệ hợp tác với các tổ chức, đối tác liên quan nhằm thúc đẩy các giải pháp thu gom - tái chế rác thải. Hãng đồng hành cùng Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) thu gom và tái chế rác thải nhựa tại huyện Cần Giờ (TPHCM).
Ngoài ra, từ năm 2022 Coca-Cola còn bắt tay cùng tổ chức The Ocean Cleanup triển khai giải pháp Interceptor - một hệ thống góp sức giảm thiểu rác thải nhựa đổ ra đại dương mỗi ngày.
Trong hành trình phát triển bền vững này, vai trò của cộng đồng rất quan trọng trong cuộc chiến chống rác thải nhựa. Đó cũng là động lực để doanh nghiệp in thông điệp “Tái chế tôi” trên tất cả bao bì sản phẩm như một cách khuyến khích người tiêu dùng chung tay vào các hoạt động hỗ trợ tái chế bao bì sau khi sử dụng sản phẩm.
Năm 2023, cùng với công ty Nhựa tái chế Duy Tân và ứng dụng thu gom ve chai công nghệ VECA, Coca-Cola khởi động chương trình 3 năm mang tên "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối" nhằm nâng cao nhận thức, kêu gọi cộng đồng hành động tuần hoàn rác thải nhựa thành bao bì mới, thân thiện với môi trường.
Cuối tháng 8 vừa qua, theo bà Mai, Coca-Cola đánh dấu tròn 30 năm hoạt động tại Việt Nam và tiếp tục thực hiện chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối" trong năm 2024. Chương trình có cổng thông tin được thiết kế chuyên biệt trên ứng dụng Zalo, với thể lệ đổi quà và các giải thưởng hấp dẫn, nhằm khuyến khích sự tham gia rộng rãi và tận dụng sức mạnh của cộng đồng để hoạt động tái chế hiệu quả hơn.
Đồng thời, lần đầu tiên Coca-Cola Việt Nam hợp tác với BOTOL lắp đặt các máy thu gom chai và lon tại các khu dân cư và trường đại học ở TPHCM. Chai và lon sau khi được thu gom sẽ được xử lý để tái chế.
Hành trình xuyên suốt với NS BlueScope Việt Nam
Trong khi đó, ông Trương Anh Hải, Phó Tổng Giám đốc phụ trách An toàn, Sức khỏe, Môi trường & Cộng đồng, NS BlueScope Việt Nam, chia sẻ câu chuyện về xác định chiến lược, đầu tư tài lực, vật lực để giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất và hiệu quả thu được từ việc làm này.
Theo ông Hải, mỗi năm toàn cầu phát thải ra khoảng 36 tỉ tấn carbon. Những ngành có mức phát thải lớn nhất là liên quan đến năng lượng, hoá chất, xi măng và thép... Đặc biệt, thép là một trong những ngành công nghiệp nặng có mức phát thải carbon khá lớn.
Đại diện của NS BlueScope Việt Nam cho biết ngay từ năm 2022, ban lãnh đạo công ty đã có nhiều hoạt động cam kết phát triển bền vững. Cụ thể là công ty có lộ trình giảm phát thải carbon từ rất sớm theo con đường chung là ESG. Mục tiêu doanh nghiệp này đặt ra là năm 2030 sẽ giảm 30% phát thải carbon trên một đơn vị sản phẩm.
Vừa qua, nhà máy NS BlueScope Việt Nam tại Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã nhận được chứng nhận ResponsibleSteel™, trở thành đơn vị đầu tiên trong ngành thép tại Việt Nam và nhà máy thép mạ đầu tiên tại Đông Nam Á đạt chứng nhận này.
Ông Hải cũng gửi lời chia sẻ đến các doanh nghiệp hành trình thực hành ESG, cụ thể hơn hành trình giảm phát thải carbon, tất cả nhân viên từ giám đốc, đội ngũ vận hành phải tham gia và có sự kết nối. Bởi công việc của người này sẽ liên quan đến công việc của người kia.
"Một người vận hành xử lý nước thải, nếu không xử lý tốt chất lượng nước xả thải ra môi trường, thì có thể ảnh hưởng đến yếu tố E (môi trường). Trường hợp mạnh ai người đó làm, có thể dẫn đến việc thực hiện ESG không được bền vững”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, các doanh nghiệp nên có lộ trình ngay từ bây giờ và bắt đầu triển khai từ những điều nhỏ nhất đơn giản nhất. Việc đầu tư vào phát triển bền vững là câu chuyện dài hạn. Doanh nghiệp đừng nhìn vốn đầu tư ban đầu 2-3 triệu độ và ngần ngại, nhưng theo tính toán của ban tài chính sau 3-5 năm hòa vốn thì chúng ta sẽ đạt được nhiều lợi ích mang tính dài hạn.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nên tích cực sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng tái chế. Cụ thể trong ngành thép, theo báo cáo của Hiệp hội thép thế giới, với 1 tấn thép tái chế sẽ giúp giảm 2.5% lượng phát thải carbon.
Bên cạnh đó, trong phiên thảo luận, người đại diện NS BlueScope Việt Nam cũng chia sẻ dù rất nỗ lực trong việc thực hành ESG nhưng Công ty NS BlueScope Việt Nam và một số doanh nghiệp trong ngành thép vẫn phải đối mặt với một số khó khăn.
Vấn đề đầu tiên ông Hải nhắc đến là chi phí eo hẹp trong thời buổi kinh tế suy thoái như hiện nay khiến doanh nghiệp không đủ nguồn lực để thực hiện. Dù đã xuất hiện từ lâu, nhưng khái niệm ESG vẫn còn mới nên chưa có nhiều người trong doanh nghiệp nắm được kiến thức tổng quan về ESG. Thậm chí nếu nguồn lực nội bộ không có, họ phải nhờ ở bên ngoài, có thể chưa phù hợp với doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp rất cân nhắc vấn đề này.
“Một doanh nghiệp thực hành ESG chưa đủ, mà phải cả cộng đồng, chuỗi cung ứng chung tay làm mới có tác động mạnh mẽ”, ông Hải nhấn mạnh. Do đó, NS BlueScope Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan mô hình nhà máy phát triển bền vững NS BlueScope Việt Nam để qua đó chia sẻ và học hỏi thông tin từ các khách hàng, đối tác về thực hành ESG, truyền cảm hứng và chung tay xây dựng nên một cộng đồng phát triển bền vững.