Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia: Cần thu hẹp chênh lệch lãi suất huy động và cho vay

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia: Cần thu hẹp chênh lệch lãi suất huy động và cho vay

Võ Ngọc Hoàng Vy thực hiện

Chuyên gia: Cần thu hẹp chênh lệch lãi suất huy động và cho vay
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright - Ảnh: Hoàng Vy

(TBKTSG Online) - Gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình có đề cập đến khả năng giảm lãi suất cho vay xuống thêm 1- 2% để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Có nhiều quan điểm đồng tình nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc giảm lãi suất thêm nữa là khó khả thi. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nhà nghiên cứu của Viện Rajawali về châu Á tại Trường Harvard Kennedy.

TBKTSG Online: Thưa ông, theo ông thì mức lãi suất cho vay hiện nay đã hợp lý chưa?

- Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Giai đoạn 2006 - 2007, lãi suất huy động phổ biến là 7,6%/năm và lãi suất cho vay khoảng 11%/năm. Chênh lệch lãi suất huy động và cho vay khoảng 3,4%/năm. Hiện nay, lãi suất huy động tại các ngân hàng bình quân khoảng 7,5%/năm. Theo số liệu điều tra các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mức lãi suất vay phổ biến nhất là khoảng 12 - 13%/năm. Còn mức lãi suất 9%/năm thì chỉ có một bộ phận nhỏ các doanh nghiệp tốt và hoạt động trong các lĩnh vực đặc biệt mới tiếp cận được. Chênh lệch lãi suất đầu vào và ra là 4,5 - 5,5%/năm. Mức chênh lệch này cao hơn nhiều so với giai đoạn trước khủng hoảng, trong khi bây giờ tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp lại giảm so với trước kia.

Căn cứ vào số liệu tài chính của 102.335 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TPHCM do Cục Thuế TPHCM cung cấp, không những tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) mà cả suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của các doanh nghiệp đều thấp hơn lãi suất vay ngân hàng. Trong năm 2011, và 2012, ROE bình quân của doanh nghiệp TPHCM lần lượt là 8,13% và 9,98%. Vậy, nhiều doanh nghiệp, có thể có những cơ hội kinh doanh, đầu tư tốt trong trung và dài hạn, nhưng họ sẽ không vay với mức lãi suất cao như hiện nay và kết quả là nền kinh tế phục hồi khá chậm.

Theo ông, tại sao hiện nay ngân hàng lại duy trì mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay cao như vậy?

- Lãi suất tiết kiệm và cho vay hiện nay đã giảm nhiều so với thời điểm 2011 - 2012, tuy nhiên mức chênh lệch đầu vào và ra vẫn rất lớn. Theo tôi, nguyên nhân chính là do sức ép xử lý nợ xấu của ngân hàng. Cụ thể, nhiều ngân hàng bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), nhưng VAMC chỉ giữ nợ tạm thời và nợ xấu chưa được giải quyết tận gốc nên hàng năm các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng cho đến khi xử lý được nợ xấu. Như vậy, ngân hàng đang dùng lợi nhuận tương lai để trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu tồn đọng, nên chi phí vốn sẽ tăng cao. Do đó, họ phải duy trì chênh lệch lợi nhuận lớn (giữa lãi suất huy động và cho vay) để bù đắp cho khoản dự phòng này.

Có cách nào để giải quyết nợ xấu triệt để, nhằm giảm áp lực cho ngân hàng, từ đó họ có thể giảm lãi suất cho vay để khơi thông tín dụng, thưa ông?

- Về cơ bản VAMC chỉ giữ hộ ngân hàng và ngân hàng khi bán nợ sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp vốn để tăng tính thanh khoản. Như vậy, nợ xấu chưa được giải quyết tận gốc.

Đây là bài toán con gà và quả trứng, NHNN muốn các ngân hàng hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ đó giúp kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay lại chưa hạ được bởi vì lợi nhuận thấp (do tăng trưởng kinh tế thấp nên lợi nhuận của doanh nghiệp và ngân hàng thấp, và ngân hàng còn phải trích lập dự phòng cho nợ xấu). Theo tôi, cách tốt nhất là tái cơ cấu nguồn vốn, tức là phải huy động vốn góp, các nguồn lực bên ngoài để giải quyết nợ xấu. Ngân hàng không nên dùng lợi nhuận giữ lại để xử lý nợ xấu. Vấn đề cốt lõi ở đây chính là tái cấu trúc ngân hàng đã được đề cập rất nhiều trong năm vừa qua.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP là 6%/năm vào năm 2014, NHNN đặt ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng tín dụng là 12 - 14%/năm, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi, con số tăng trưởng tín dụng 12- 14%/năm cho năm 2014 chỉ mang ý nghĩa định hướng cho điều hành chính sách, chứ không phải là một mục tiêu cần phấn đấu để đạt được. Tăng trưởng GDP cao, tỷ lệ lạm phát thấp mà tăng trưởng tín dụng thấp hơn 12%/năm cũng vẫn tốt. Nhiệm vụ của NHNN là điều hành chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng sao cho đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP. Do đó, vấn đề là chất lượng tín dụng và hiệu quả sử dụng đồng vốn, chứ không phải tất cả các ngân hàng đều chạy đua cho vay để đạt được “mục tiêu” đề ra là 12- 14%/năm.

Xin cảm ơn ông.

Liệu có thể giảm thêm lãi suất cho vay?

Tại hội nghị triển khai hoạt động của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình có đề cập đến khả năng giảm lãi suất cho vay 1- 2% để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2014.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Ông Ngô Nam Phong, Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần tại TPHCM cho rằng việc giảm lãi suất cho vay trong năm 2014 dù sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng đến lợi nhuận các ngân hàng nhưng vẫn có thể thực hiện được.

Khác với mọi năm, hiện nay các ngân hàng đang có thanh khoản khá dồi dào với tỷ lệ tăng trưởng huy động vốn cao gấp đôi tăng trưởng tín dụng. Do đó, bên cạnh việc xử lý kiểm soát nợ xấu thì ngân hàng có thể sẽ tiếp tục có những chính sách đẩy mạnh mục tiêu tăng trưởng dư nợ trong năm 2014 để hỗ trợ các doanh nghiệp đang cần vốn, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

Theo ông Phong, dù giảm lãi suất cho vay sẽ làm giảm lợi nhuận của ngân hàng nhưng nhiều ngân hàng đang trong tình trạng cơ cấu mở rộng thị phần nên sẽ cố gắng tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu lợi nhuận trong dài hạn. Tuy nhiên, ông Phong cho rằng, sẽ không còn tồn tại cách cho vay rủi ro như nhiều năm trước. Theo ông Phong, trong ngắn hạn NHNN sẽ vẫn sử dụng trần lãi suất cho những kỳ hạn dưới sáu tháng nhưng một khi thị trường ổn định, NHNN nên gỡ bỏ trần lãi suất huy động để thị trường tự điều tiết.

Ngoài ra, ông Phong đánh giá là lãi suất huy động trái phiếu có thể sẽ giảm trong năm 2014 để hướng lượng tiền trong ngân hàng đến tay doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông cho rằng ngân hàng sẽ có những biện pháp mạnh tay đối với xử lý nợ và nhanh chóng bán nợ xấu cho VAMC để nhận lấy nguồn tái cấp vốn từ NHNN thông qua trái phiếu đặc biệt để giải quyết thanh khoản và cũng sẽ tránh bị trích dự phòng theo thông tư 02 – quy định chuẩn mới về nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro.

Trong khi đó, ông Hồ Bá Tình, chuyên gia kinh tế tài chính độc lập, nhận định lãi suất cho vay năm 2014 rất khó giảm, thậm chí có thể tăng nhẹ. Ông Tình lý giải, hiện nay hệ thống ngân hàng đang đối diện với rất nhiều khó khăn, lãi suất cho vay và huy động cũng đang ở mức thấp trong hàng chục năm qua. Do đó, việc hạ lãi suất một cách "tự nhiên” càng trở nên khó khăn.

Ông Tình cũng chia sẻ thêm, về lý thuyết, bằng ý chí của mình thì NHNN có thể giảm lãi suất thị trường bằng cách giảm lãi suất chiết khấu hoặc chủ động bơm tiền ra thị trường thông qua thị trường mở hoặc đẩy mạnh cho ngân hàng thương mại vay. Tuy nhiên, thực tế "dư địa" để giảm lãi suất chiết khấu gần như không còn, việc đẩy mạnh tiền ra bằng kênh khác cũng không dễ. Mặt khác, nếu nới lỏng chính sách tiền tệ mà không kiểm soát tốt thì nguy cơ lạm phát quay trở lại sẽ rất lớn. Do vậy, dù muốn, NHNN cũng khó mạo hiểm nới lỏng chính sách tiền tệ để tiếp tục giảm lãi suất.

Ngoài các nguyên nhân kể trên, ông Tình cũng chỉ ra một nguyên nhân khác khiến lãi suất khó giảm, thậm chí tăng trong năm 2014, bởi Chính phủ sẽ huy động trái phiếu nhiều hơn làm cầu tiền tăng mạnh. Để đảm bảo an toàn thì ngân hàng thương mại sẽ dành một phần tiền để mua trái phiếu chính phủ thay vì đẩy mạnh tín dụng ra thị trường.

Hoàng Vy

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới