(KTSG Online) – Các chuyên gia cho rằng cần có một tư duy đổi mới, sáng tạo và vượt ngoài khung pháp lý hiện hữu để xây dựng đề án Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM.
Cần đẩy nhanh tiến độ
Sáng 17-2, tại tọa đàm với chủ đề: "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TPHCM" do Báo Người Lao Động tổ chức, nhiều chuyên gia chia sẻ quan điểm về đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế của Việt Nam đặt tại TPHCM và Đà Nẵng.
Cập nhật về đề án, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) - tập đoàn vừa ký biên bản ghi nhớ thực hiện nghiên cứu đề án với UBND TPHCM hôm 8-2 vừa qua - cho biết các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến dự án này của Việt Nam.
Theo chia sẻ ban đầu, ước các nhà đầu tư Mỹ trước mắt đồng ý rót vốn khoảng 10 tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam, bao gồm 6 tỉ đô la tại TPHCM và 4 tỉ đô la tại Đà Nẵng để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Ngoài số tiền cam kết bằng văn bản, đơn vị này còn trao đổi nhiều với các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn về mô hình hoạt động.
Bên cạnh đề án do IPPG nghiên cứu, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), đơn vị đầu mối quản lý đề án Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM, cũng ký kết với Trường Đại học Fulbright để cùng nghiên cứu về đề án này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV của HFIC, đơn vị này dự kiến sẽ hoàn thiện dự thảo gửi lên vào tháng 4 tới. HFIC hiện đang chuẩn bị nội dung báo cáo thành phố, với các nội dung cơ bản là nêu lên sự cần thiết của đề án, kinh nghiệm thế giới, xác định trụ cột quan trọng của trung tâm tài chính, mô hình và kiến nghị chính sách.
Cần sự “vượt rào”...
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, đơn vị này đã nghiên cứu đề án trung tâm tài chính quốc tế từ năm 2016, nhưng ở thời điểm đó chưa sẵn sàng nên chưa thể triển khai. Còn ở thời điểm hiện tại, lộ trình cho trung tâm tài chính đang dần hiện rõ hơn trong khi nhiều quốc gia khác cũng chạy đua gọi vốn. Vì vậy Việt Nam cần chớp lấy cơ hội và chính sách cần có sự đột phá so với khung pháp lý hiện hành. “Nếu làm đề án có tính an toàn thì Việt Nam sẽ có nguy cơ tụt hậu, khó cạnh tranh quốc tế”, ông nói.
Theo các chuyên gia, khó khăn của đề án nằm ở chỗ thuyết phục cấp thẩm quyền về tính khả thi. Có rất nhiều điểm còn vướng mắc, chưa rõ ràng của đề án và điểm nghẽn của thị trường, sự đồng thuận chính trị vì liên quan đến rất nhiều vấn đề khác nhau, từ quy hoạch đô thị, khả năng chuyển đổi tiền đồng khi trở thành trung tâm tài chính, tự do hóa tài khoản vốn, hạ tầng, quản lý dữ liệu, tiêu chuẩn kế toán, nâng hạng thị trường chứng khoán,...
Theo đánh giá của TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trong lĩnh vực tài chính, khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới là quá xa, nên sự khó khăn sẽ càng gấp bội.
Đa phần các diễn giả cho rằng cần thay đổi tư duy khi kiến tạo trung tâm tài chính quốc tế. Theo TS. Trần Đình Thiên, đây là đề án quốc gia chứ không phải là của riêng TPHCM, nên nếu xin cơ chế riêng cho TPHCM thì rất khó. "Cần thoát khỏi ám ảnh lợi ích nhóm và xem đây là dự án hình mẫu tạo sự đột phá quốc gia", ông Thiên nêu quan điểm.
Ở khía cạnh khác, cần phải xem lại cách tư duy truyền thống vì hiện thế giới tài chính đang thay đổi rất nhanh. Theo đó, các giao dịch số, điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa… là xu hướng của tương lai. “Trong bối cảnh đó, Việt Nam nên định vị mình như thế nào trong thế giới tài chính tiền tệ thay đổi”, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, đặt vấn đề.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế TPHCM, cho rằng điểm mấu chốt của trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM là làm sao có cơ chế chính sách để thu hút được các "đại bàng", làm cho những "đại bàng" đó tin tưởng đầu tư vào TPHCM thay vì các thị trường khác.
Còn theo TS. Võ Trí Thành, cách tiếp cận xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam cần phải tạo sự đột phá vượt trội, xác định TPHCM có năng lực cạnh tranh quốc tế, so sánh được với Hồng Kông, Singapore, Dubai,… Đề án cũng cần lựa chọn mô hình trung tâm tài chính mới chứ không phải theo cách truyền thống, gắn với đô thị hoá và đa dịch vụ chất lượng cao... “Trong bối cảnh hiện nay thì đừng tư duy trong khuôn khổ pháp lý hiện hành”, ông Thành nhấn mạnh quan điểm.
5 điều kiện tiên quyết 1. City-State (Thành phố Quốc gia, nghĩa là cơ chế vận hành của thành phố/ trung tâm tài chính phải => cơ chế của quốc gia, tương đương trình độ quốc tế), 2. Inter-Human ( Nhân lực quốc tế hóa ), 3. Trans – Sub – Model (Mô hình vận hành xuyên quốc gia/ quốc tế/ mô hình kép/ đại lý của một mô hình có sẵn), 4. Viet-CEO (Những doanh nghiệp Việt trong và ngoài nước, có quyền và trách nhiệm hội tụ về đây làm tổ trước, để chứng minh cho thế giới thấy uy tín và sức hấp dẫn của TTTC Việt Nam), 5. Asia-First (Mục tiêu trước mắt phải chinh phục được thị trường tài chính Châu Á – TBD).
Có hai câu hỏi lớn nhất: Để làm gì/ Nên làm gì ? Nếu xét về mặt bằng phát triển, ta đã thuộc diện đi sau và đi chậm. Đó là một thực tế. Trong bối cảnh kỷ nguyên 4.0, phải chấp nhận “đột phá” chứ không thể đi theo “tuần tự” như trước nữa. Đó vừa là cơ hội, nhằm kích hoạt lợi thế của kẻ đi sau, nhưng đồng thời cũng là thách thức vô cùng lớn. Hai câu hỏi lớn khác tiếp tục đặt ra: Phương án nào là tối ưu ? Lựa chọn nào là tốt nhất ? Rốt cuộc, kinh nghiệm cho thấy, chỉ có bắt tay ngay vào việc thì mới trả lời được. Mọi lời hứa lúc này sẽ tựa như gió thoảng mây bay.