(KTSG Online) - Thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam năng động hơn sẽ giúp các ngân hàng chuyển nhượng hiệu quả các khoản nợ xấu chưa được giải quyết của mình.
- Khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu
- Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng thị trường mua bán nợ
- Chuyện dài nợ xấu
Trong bối cảnh Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) cùng với tập đoàn tài chính Welcome Debt Trading (Hàn Quốc) vừa công bố khoản đầu tư 60 triệu đô la Mỹ để mua lại những khoản nợ xấu của Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã có buổi trao đổi bên lề với ông Johannes Raschke, Chuyên viên đầu tư cấp cao, Chương trình Phục hồi Tài sản Xấu (Distressed Asset Recovery Program - DARP) của IFC.
KTSG Online: Ông có đánh giá gì về tình hình nợ xấu hiện nay của Việt Nam? Liệu có đáng lo ngại như giai đoạn năm 2013?
- Ông Johannes Raschke: Tỷ lệ nợ xấu nhìn chung biến động một phần do tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, suy giảm kinh tế và bất ổn tài chính toàn cầu, trong đó một số ngân hàng duy trì ổn định trong khi một số khác phải đối mặt với những thách thức đáng kể.
Nhưng cũng có một số điểm khác biệt so với năm 2013. Đặc trưng khi đó là cuộc khủng hoảng ngân hàng hệ thống với tỷ lệ đạt đỉnh khoảng 15%, theo công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's, đòi hỏi sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ, bao gồm cả việc thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình hiện tại không lan rộng hay nghiêm trọng như vậy, với con số nhìn chung vẫn thấp hơn, mặc dù vẫn đáng lo ngại đối với một số ngân hàng.
Còn hoạt động thu hồi nợ hiện nay của các nhà băng thì sao? Đâu là điểm nghẽn của thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam, thưa ông?
- Hầu hết việc giảm nợ xấu được thực hiện thông qua các biện pháp xử lý nội bộ kém hiệu quả và xóa nợ. Đối với các khoản vay cá nhân, quy định hiện hành yêu cầu các ngân hàng ngừng thuê ngoài các hoạt động thu hồi nợ chuyên nghiệp, kết quả là một số công ty thu hồi nợ đã rút khỏi thị trường.
Thị trường hiện đang trong quá trình phát triển, nhưng hoạt động vẫn còn chậm, thiếu độ sâu và thanh khoản. Một phần là do sự tham gia hạn chế của các nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp, với rào cản thường gặp là sự không chắc chắn về pháp lý và quy định.
Các vấn đề về định giá tài sản và minh bạch cũng khiến các nhà đầu tư tiềm năng khó đánh giá chính xác giá trị của khoản nợ xấu. Ngoài ra, khung pháp lý về thực thi quyền của chủ nợ và giải quyết tranh chấp, mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn cần tiếp tục được củng cố để xây dựng niềm tin của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, những cải cách và sáng kiến của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường pháp lý, tăng cường minh bạch tài sản và khuyến khích đầu tư nước ngoài là những tín hiệu tích cực.
Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ một thị trường mua bán nợ xấu năng động, các công ty quản lý và thu hồi tài sản chuyên nghiệp có khả năng tái cấu trúc và giải quyết hiệu quả các tài sản khó khăn. Điều này sẽ cho phép các ngân hàng chuyển nhượng hiệu quả các khoản nợ xấu chưa được giải quyết của mình.
Ông có đánh giá gì về những chính sách về quản lý nợ xấu hiện nay, bao gồm Thông tư 02 hỗ trợ cơ cấu nợ được gia hạn và cả những quy định mới từ các bộ luật sửa đổi gần đây?
- Về Thông tư 02, việc gia hạn giúp giảm áp lực tức thời đối với người vay và ngân hàng, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không được giám sát đúng cách, nó có thể gây ra rủi ro lớn vì nợ xấu không được tiết lộ đầy đủ, khiến việc quản lý nợ xấu trở nên khó khăn hơn và có thể khuếch đại rủi ro trong ngành ngân hàng khi Thông tư kết thúc.
Trong khi đó, khuôn khổ pháp lý từ việc sửa đổi luật sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết nợ xấu. Ví dụ, Luật Đất đai năm 2024 cho phép các tổ chức phi ngân hàng chấp nhận tài sản thế chấp bất động sản. Các công ty khi mua nợ xấu có thể trực tiếp quản lý tài sản thế chấp là bất động sản liên quan, mà không cần phải sử dụng tài sản thế chấp có cấu trúc.
Còn Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi quy định chặt chẽ hơn về công khai thông tin, hạn mức tín dụng, giới hạn sở hữu. Điều này sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro tập trung tín dụng và hạn chế khả năng sở hữu chéo và thao túng trong hoạt động ngân hàng, từ đó giúp giảm nợ xấu.
Ngoài ra, luật mới cũng kế thừa một số quy định tại Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội, thu hẹp khoảng trống pháp lý trong giải quyết nợ xấu sau khi Nghị quyết này hết hiệu lực kể từ đầu năm 2024.
Tuy nhiên, luật mới đã bỏ qua một số khía cạnh liên quan đến quyền của chủ nợ, chẳng hạn như thu giữ tài sản thế chấp, kê biên tài sản để thi hành án, trả lại tài sản thế chấp là chứng cứ trong vụ án hình sự và hành chính, cùng với các quy định về rút gọn thủ tục trong giải quyết tranh chấp liên quan đến nợ xấu. Những quy định mới này có thể khiến việc giải quyết nợ xấu trở nên khó khăn hơn.
Trong bối cảnh này, IFC đã và đang có những hoạt động nào để hỗ trợ cho Việt Nam xây dựng thị trường mua bán nợ xấu hiệu quả hơn?
- IFC đã xác định một số thách thức trong thị trường này, bao gồm khung pháp lý không đầy đủ, quá trình thực thi và phá sản còn gặp trở ngại, thiếu các trường hợp thực tiễn để tiêu chuẩn hóa việc giải quyết nợ xấu và thu hồi nợ. IFC và Nhóm Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ giải quyết các vấn đề này bằng cách cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các bên liên quan.
IFC cũng đã thực hiện nhiều hoạt động như hỗ trợ soạn thảo quy tắc ứng xử đối với thu hồi nợ, hướng dẫn xử lý nợ ngoài tòa án cho ngân hàng, hội thảo với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng về tái cấu trúc ngân hàng; giới thiệu khung pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia giải quyết nợ xấu. IFC cũng tham gia giúp cải thiện khung pháp lý về phá sản tại Việt Nam như một phần của việc sửa đổi Luật Phá sản năm 2014.
Ngoài ra, IFC cũng huy động vốn tư nhân cùng với nguồn vốn của chính mình để đầu tư vào nợ xấu, qua đó bơm thanh khoản vào thị trường và cho phép các ngân hàng chuyển nhượng hiệu quả các khoản nợ xấu. Khoản đầu tư 60 triệu đô la Mỹ cùng với tập đoàn Tập đoàn Tài chính Welcome Debt Trading để mua các khoản nợ tại Việt Nam mới đây là một ví dụ điển hình.
Quan hệ đối tác giữa WFG và IFC chủ yếu tập trung vào nợ xấu cá nhân không có tài sản đảm bảo, giúp người vay vỡ nợ có thể bình thường hóa nghĩa vụ tín dụng, lấy lại quyền tiếp cận tín dụng và cải thiện sự tham gia của họ vào nền kinh tế. Cách tiếp cận này không chỉ nâng cao hiệu quả của quá trình tái cấu trúc nợ mà còn thúc đẩy ổn định tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững tại Việt Nam.
Điều cuối cùng, sự hỗ trợ của Chính phủ và các sáng kiến chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán và xử lý nợ xấu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một thị trường giao dịch nợ xấu năng động và hiệu quả tại Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!