Thứ tư, 6/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nợ xấu và tốc độ xử lý nợ xấu có thể đình trệ khi quyền thu giữ tài sản bảo đảm đối với khách hàng vay chây ỳ tại Nghị quyết 42/2017 không còn được kế thừa ở Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Điều này sẽ buộc các ngân hàng phải cân nhắc rất kỹ trước khi cho vay, tránh rủi ro về thu hồi nợ trong tương lai.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của không ít ngân hàng gia tăng trong năm 2023. Ảnh: THÀNH HOA

Áp lực nợ xấu leo thang

Bên cạnh thông tin về mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm 2023 so với năm 2022, báo cáo tài chính của một số ngân hàng cho thấy giá trị nợ xấu tăng mạnh. Trong đó, giá trị nhóm 3, 4 có xu hướng giảm, còn nợ nhóm 5 tăng mạnh.

Techcombank ghi nhận giá trị nợ xấu tăng gần 2 lần về giá trị tuyệt đối, từ mức 3.032 tỉ đồng ở thời điểm cuối năm 2022 lên mức gần 6.000 tỉ đồng ở thời điểm cuối năm 2023. Điều này đưa tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng tương ứng từ mức 0,74% lên 1,19%.

Nợ xấu tăng nhanh buộc ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng. Theo đó chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh từ 691 tỉ đồng vào quí 4-2022 lên 1.634 tỉ đồng quí 4-2023. Luỹ kế 4 quí của năm 2023, ngân hàng đã dành 3.921 tỉ đồng để trích lập dự phòng rủi ro, tăng hơn hai lần so với cùng giai đoạn năm 2022.

Tương tự, TPBank ghi nhận tổng nợ xấu là hơn 4.200 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2023, cao hơn ba lần so với thời điểm trước đó một năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng tăng từ mức 0,84% lên mức 2,05%.

Ngân hàng đã dành 1.970 tỉ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong quí 4-2023, cao hơn 17 lần so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 4 quí của năm 2023, ngân hàng này đã phải trích lập 3.946 tỉ đồng, cao hơn 2,1 lần so với cùng giai đoạn năm trước.

MSB ghi nhận tổng nợ xấu ở mức 4.280 tỉ đồng tính đến cuối năm 2023, cao hơn hai lần so với thời điểm cuối năm 2022. BVBank ghi nhận tổng nợ xấu ở mức 1.913 tỉ đồng tính đến cuối năm 2023, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nợ nhóm 5 ở mức hơn 1.000 tỉ đồng.

Thực tế các chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và NHNN đã giúp tín dụng tăng mạnh vào tháng cuối năm 2023. Bối cảnh đó cũng giúp không ít doanh nghiệp cơ cấu lại nợ vay. Hai yếu tố này góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu trên quy mô của tổng tín dụng.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Wichart cũng lưu ý việc giảm tỷ lệ nợ xấu/tổng dự nợ của phần đông nhóm ngân hàng tới từ việc tăng giá trị tuyệt đối dư nợ, trừ nhóm các ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp.

Cụ thể, nhóm các ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp mức giảm nợ xấu lớn nhất, từ mức 2,32% vào quí 3-2023 giảm xuống mức 1,87% vào quí 4-2023. Đối tượng vay của nhóm ngân hàng này chủ yếu là doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Trước xu hướng trên, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cũng thừa nhận, ngân hàng chuộng cho vay bất động sản hơn là cho vay kinh doanh.

Theo ông Vinh, cho vay bất động sản nếu đầy đủ giấy tờ pháp lý  thì khi xảy ra khủng hoảng cũng không sợ mất vốn vì có tài sản thế chấp là bất động sản. Với cho vay sản xuất - kinh doanh, nếu doanh nghiệp phá sản, ngân hàng “ôm” tài sản là dây chuyền, trang thiết bị thì cũng không biết để làm gì. Còn với cho vay theo dòng tiền, nếu doanh nghiệp phá sản thì khả năng ngân hàng mất vốn là rất lớn.

Trong khi đó, hành lang pháp luật hiện tại đang thiên về bảo vệ bên đi vay hơn bên cho vay.

Dự báo tình hình nợ xấu thời gian tới, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, tỷ lệ nợ xấu có thể sẽ tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024, khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Tới cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu dự kiến ở mức 1,68% do các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế có thể phục hồi mạnh hơn.

Cơ sở để SSI Research đưa ra dự báo là các quy định quản lý nợ được ban hành trong giai đoạn từ cuối năm 2022 đến nay chủ yếu theo hướng cho ngân hàng cơ chế trì hoãn trong việc ghi nhận và trích lập dự phòng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện gia hạn thêm thời gian cho các chủ đầu tư bất động sản giải quyết các nghĩa vụ nợ sắp đến hạn

Tuy nhiên, giá trị nợ xấu và nợ cần chú ý tại nhiều ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2023 vẫn cao hơn lần lượt 40% và 24% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 (nợ cần thú ý) của nhóm ngân hàng được SSI Research nghiên cứu tăng lần lượt 1,68% và 1,99% trong giai đoạn từ đầu năm tới cuối quí 4-2023.

Với giả định dư nợ tái cơ cấu không có thay đổi đáng kể trong quí 4-2023, SSI Research ước tính các khoản vay có vấn đề này tương đương với 4,48% tổng dư nợ.

Còn các chuyên gia của Công ty chứng khoán VNDirect lưu ý, các khoản nợ có vấn đề cần tiếp tục được giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, nếu Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021 của NHNN về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp được thông qua theo hướng nới lỏng việc hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng. Điều này dễ dẫn đến một phần rủi ro tín dụng sẽ quay trở lại đối với các ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu doanh nghiệp.

Ở khía cạnh khác, nguyên nhân sâu xa của vấn đề nợ xấu là tình trạng pháp lý của nhiều dự án bất động sản chưa hoàn thiện. Điều này không thể giải quyết một cách nhanh chóng do ba luật mới được Quốc hội đã thông qua là Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai 2024 chỉ có hiệu lự từ đầu năm 2025.

Ứng xử ra sao với nợ xấu?

Nợ xấu có xu hướng gia tăng, nhưng việc thiếu hành lang pháp lý, do quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) với khách hàng vay chây ỳ tại Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội không còn được kế thừa ở Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, khiến không ít ý kiến dự báo việc xử lý nợ xấu sẽ khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Đức Vinh lo ngại về rủi ro nợ xấu năm 2024, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017 hết hiệu lực. Đồng thời, phần lớn các nội dung của Nghị quyết này không được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vừa ban hành.

“Đây sẽ là điểm khó khăn của các tổ chức tín dụng thời gian tới. Việc thu hồi nợ hiện nay rất khó khăn, đặc biệt là nợ vay tiêu dùng. Rất nhiều cán bộ thu hồi nợ bỏ việc, hiệu quả thu hồi nợ của các ngân hàng, công ty tài chính đều sụt giảm mạnh. Chính sách không đồng bộ sẽ gây khó cho ngành tài chính tiêu dùng”, ông Vinh lo ngại.

Cũng theo đại diện VPBank, do Nghị quyết 42 hết hiệu lực nên các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong tranh tụng khi xử lý TSĐB thời gian tới. “Khó khăn trong thu hồi nợ cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng thận trọng cho vay, đặc biệt là cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền”, ông Vinh nói.

Tương tự, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng bày tỏ sự đáng tiếc khi quyền thu giữ TSBĐ, một trong những quy định quan trọng nhất tại Nghị quyết 42/2017 không được chấp nhận trong luật mới.

Theo ông Đức, pháp luật cho phép nhận một dự án bất động sản hay một dự án bất kỳ làm TSĐB là hợp pháp, hợp lệ. Tuy nhiên, nếu xuất hiện tình huống dự án không đủ điều kiện chuyển nhượng sẽ rất khó giải quyết.

Cũng theo vị này, dù luật hiện chưa có hiệu lực, nhưng các ngân hàng phải tính tới trường hợp sẽ khó thu hồi nợ trong tương lai, rất nhất là khi nền kinh tế khó khăn hơn do nhiều khoản nợ vẫn được giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm từ giai đoạn xảy ra dịch Covid-19 tới nay.

Còn ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), đánh giá nợ xấu tiềm ẩn hiện rất cao. Vì vậy, khả năng thu hồi nợ thời gian tới sẽ rất khó khăn nếu không có giải pháp hữu hiệu hơn nếu khách hàng chây ì không trả nợ. Về dài hạn, các tổ chức tín dụng sẽ phải xem xét lại, đưa ra những điều kiện quy định chặt chẽ khiến người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận vốn hơn.

“Có thể sắp tới ngân hàng phảimất hàng tháng mới được giải ngân khoản vay. Điều này để tránh rơi rủi ro khách vay cố tình trốn tránh nợ dẫn đến kiện tụng kéo dài 5-7 năm mới thu hồi được vốn”, ông Hùng nói

Để giải quyết khó khăn, Luật sư Đức cho rằng cơ quan quản lý cần thay đổi tư duy tiếp cận vấn đề, nợ xấu không phải là việc của riêng ngành ngân hàng, cần giải quyết vì lợi ích của ngân hàng mà là nợ xấu của cả nền kinh tế. Bởi lẽ ngân hàng cho vay phục vụ nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.

“Hậu quả do doanh nghiệp, cá nhân vay vốn gây ra, ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm khi trở thành đầu mối. Nếu tiếp cận vấn đề theo hướng nợ xấu là của nền kinh tế thay vì của ngành ngân hàng, chắc chắn cách thức giải quyết được đề cập trong luật sẽ khác”, ông Đức nói và dự báo cơ quan quản lý có thể sẽ phải sửa đổi, bổ sung một số luật hoặc xây dựng luật mới.

Bổ sung quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, khi các luật được sửa đổi, đương nhiên Bộ Luật Dân sự cũng phải sửa đổi. Bởi không thể chấp nhận người vay có khả năng trả nợ nhưng cố tình không trả nợ, có tài sản nhưng không bàn giao để ngân hàng xử lý mà không ai làm gì được.

Hiện có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cũng phải có luật bảo vệ người cung ứng sản phẩm, cụ thể là các ngân hàng. Khi đó, người dân, doanh nghiệp có hành vi vi phạm cố tình không trả nợ, dứt khoát cần phải có biện pháp xử lý mạnh tay. Bên cạnh yêu cầu xử lý nợ xấu, cũng cần phát triển thị trường vốn một cách ổn định, để các tổ chức và doanh nghiệp có thêm kênh huy động vốn cho sản xuất - kinh doanh.

“Không thể đặt áp lực vốn kinh doanh lên các tổ chức tín dụng, tín dụng ngân hàng chỉ là vốn bổ sung chứ không phải là  đầu tư trung - dài hạn. Bởi ngân hàng huy động vốn phần lớn là ngắn hạn, nên không thể có đủ nguồn lực cho đầu tư vốn trung - dài hạn. Việc đặt tất cả các nhu cầu vốn vào các tổ chức tín dụng, ngân hàng là không hợp lý”, ông Hùng nhìn nhận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới