Chuyện không thường ngày, không ở huyện
BÌNH VƯƠNG
(TBKTSG) - Đời công dân, có mấy ai không từng phải đến một cơ quan công quyền nào đó? Dù với quy mô to hay nhỏ, đó là nơi kiến trúc thường mang vẻ nghiêm chỉnh, từ tòa nhà bên trong cho đến cổng rào bên ngoài, đôi khi còn có mấy dòng thông báo để tăng thêm phần... nghiêm trọng, tỷ như “Không phận sự miễn vào” hay “Yêu cầu xuất trình giấy tờ khi vào cửa”.
Do công việc của mình, nhiều năm liền tôi thường xuyên tìm đến cửa công. Và những cảnh tượng như trên thường xui tôi nhớ về anh Bảy Diệp, Bí thư huyện ủy có “thâm niên cao” ở Đức Huệ, một người mà những ai sống và làm việc tại tỉnh Long An những năm 1980-1990 hẳn từng nghe danh, bởi anh là một trong không nhiều cán bộ cấp huyện có công tích và uy tín nổi trội, đứng chân trong ban thường vụ tỉnh ủy. (Ông Tư Giao, người khởi xướng chính sách “bù giá vào lương” lừng lẫy một thời ở Long An, trong hồi ức của mình có nhắc đến bí thư huyện ủy Đức Huệ thời đó, là nhắc anh Bảy Diệp. Anh đã mất hồi tháng 12-2010).
Nhớ lần đầu tôi đến Đức Huệ tìm gặp anh Bảy, cái huyện lỵ nghèo mang tên thị trấn Đông Thành hãy còn quá đơn sơ; đã gần chục năm sau 1975 mà đường trải nhựa chưa về, nhà cửa bề thế chưa có. Mặc dù vậy, khách xa vẫn lấy làm ngạc nhiên khi thấy cổng vào cơ quan huyện ủy để trống huơ, không rào chắn, thật khác với trụ sở nhiều nơi thường có vẻ “đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng”... Biết ý tôi, anh Bảy giải thích: Nếu chắn lại thì dân sẽ ngại vào, mình sẽ càng xa dân. Lúc chiến tranh, mình hòa lẫn trong dân, nhờ dân nuôi dưỡng chở che mà sống sót. Nay đã hòa bình, nói dân làm chủ, sao lại ngăn cách, không dám để dân thoải mái đến gặp mình?
Cái lý về cổng rào của anh dù có hay có đúng nhưng cũng chỉ vài ba năm sau (chứ không cần đợi đến bây giờ) nhắc lại đã thấy nó... “hổng giống ai”. Song từ đó mà tôi quý anh Bảy.
Cùng những năm 1980-1990, có một tác phẩm văn học Xô Viết nổi tiếng được dịch và phổ biến sang ta, mà nhan đề của nó nay đã là một thành ngữ tiếng Việt: “Chuyện thường ngày ở huyện”. Anh Bảy hồi đó, với cương vị của mình, chắc cũng phải đương đầu giải quyết không ít những “chuyện thường ngày” gay go phức tạp như trong cuốn sách. Những lần gặp sau, tôi còn biết ở anh nhiều suy nghĩ “khác người” nữa. Nào là anh muốn nghĩa trang liệt sĩ huyện thì phải chưng nhiều cây kiểng đẹp và bố trí đèn chiếu sáng đúng cách như một công viên, để nhân dân vừa có chỗ tụ họp thư giãn thường ngày, hương hồn liệt sĩ cũng đỡ phần lạnh lẽo. Nào là anh muốn xây dựng nhà văn hóa và cả trường chính trị làm sao để được dân quan tâm gìn giữ, dân tự giác chăm sóc... “như với nhà thờ bên giáo xứ vậy”, anh nói. Đại loại những cái anh muốn đó, hôm nay ta gọi là kiến trúc thân thiện, là không gian mở.
Cũng không thể không nhắc một lần nọ, tôi đưa anh Bảy đọc một bài trên tờ báo ngành trung ương, trong đó có đoạn tác giả đề nghị câu khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” nên thêm vào cho chuẩn là “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật và đạo lý”. Anh Bảy đọc rồi tâm đắc lắm: Quả thật có những việc mà về pháp luật đương nhiên phải nghiêm khắc nhưng về đạo lý thì nên cảm thông; song ngược lại, có những việc tuy pháp luật không cấm nhưng đạo lý không cho phép ta làm. Cuộc sống là như vậy...
Cứ thế, kỷ niệm lan man hồi nào với anh Bảy Diệp cứ bừng thức, sau cơn “choáng” của tôi trước sự kiện những tòa nhà gọi là trung tâm hành chính vừa mới được khánh thành, đang hoàn thiện hoặc sắp sửa xây... Như một biểu tượng tuyệt vời cho sự đoạn tuyệt quá khứ và xa cách thực tại của đất nước, tất cả chúng đều đua nhau về mức hoành tráng, hiện đại, lộng lẫy long lanh, mỗi cái đều phải tốn cỡ trên dưới vài ngàn tỉ đồng để xây trên khu đất rộng cỡ vài chục héc ta.
Mà đó là những công trình cấp tỉnh, cấp thành phố. Thử tưởng tượng, nếu “phóng to” lên thì công trình cấp cả nước phải ra sao? Nếu “thu nhỏ” lại, thì công trình cấp huyện có gì giống với những mong muốn của một bí thư huyện ủy như anh, hả anh Bảy?