(KTSG) - Tin trên báo chí(*) cho biết Quốc hội sẽ xem xét việc đấu giá biển số ô tô vào cuối năm. Theo đó, Dự thảo nghị quyết về thí điểm cấp biển số ô tô thông qua đấu giá được bổ sung vào chương trình kỳ họp cuối năm nay (tháng 10-2022), để Quốc hội quyết định.
- Còn nhiều điểm chưa thống nhất về dự thảo đấu giá biển số xe ô tô
- Không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số xe ô tô trúng đấu giá
Về việc thí điểm cấp quyền biển số ô tô thông qua đấu giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương gửi hồ sơ tài liệu, đề xuất cụ thể việc ban hành nghị quyết riêng hay đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp…
Cấp biển số ô tô qua đấu giá chỉ là một chuyện nhỏ, thậm chí là rất nhỏ, chả nhẽ việc này cũng phải “khẩn trương” trình ra trong một kỳ họp để Quốc hội bàn và quyết định hay sao, trong khi trước đó Chính phủ, rồi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét.
Đấu giá để cấp biển số xe, suy cho cùng thì cũng chẳng khác gì một loại phí hoặc cũng như Nhà nước cho đấu giá một loại tài sản nào đó. Hơn nữa, quyết định cho đấu giá biển số xe hay không cũng chẳng có ảnh hưởng gì tới nền kinh tế, tới trật tự an toàn xã hội, nên chỉ cần cơ quan hành pháp ra quyết định thực hiện là được, miễn là tuân theo quy định của luật về phí và lệ phí hay luật về đấu giá; hoặc cùng lắm là Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định. Hà cớ gì việc này phải trình tới kỳ họp khoáng đại của Quốc hội.
Biển số xe chỉ là một trong các tiêu chí để quản lý chủ sở hữu hoặc người điều khiển xe cộ chấp hành pháp luật. Ban đầu cơ quan chức năng thuộc tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương mới có quyền cấp biển số, nay việc đăng ký ô tô và xe máy do địa phương đảm trách.
Các con số dập trên biển số chỉ là theo thứ tự xoay quanh 10 con số La tinh, lâu nay chủ sở hữu ngẫu nhiên nhận được khi tới xếp hàng đăng ký. Khi đấu giá biển số xe, ắt người trúng phải nộp số “lệ phí” cao hơn mức lệ phí so với lấy biển số bình thường và ngân sách sẽ thu thêm được một khoản tiền. Nhưng chuyện đấu giá này không làm thay đổi mục đích của các biển số xe, cũng chẳng làm thay đổi gì phương thức quản lý của cơ quan nhà nước, tới mức Quốc hội phải xem xét.
Hiện tình đất nước còn tồn đọng rất nhiều việc đại sự liên quan đến thực thi Hiến pháp, tới vận mệnh quốc gia, dân tộc mà muôn dân ngóng trông Quốc hội. Mỗi kỳ họp Quốc hội thường kéo dài cả tháng, song thời gian dành cho từng việc đều khít khao. Mỗi đại biểu đăng đàn trên nghị trường đều chỉ được hạn mức bằng “phút”. Người chất vấn và trả lời chất vấn nói quá định hạn cũng bằng phút là bị rung chuông. Vậy mà lại dành thì giờ cho những việc vụn vặt thì thực sự là lãng phí thời gian.
(*) Tin “Trình Quốc hội xem xét việc thí điểm đấu giá biển số xe ô tô” được nhiều báo chí đăng trên mạng ngày thứ Năm, 22-9-2022.
Đồng tình với tác giả. Dường như bây giờ ai cũng sợ trách nhiệm.
Chuyện nhỏ làm mãi không xong thì cũng thành chuyện lớn. Vấn đề ở đây không chỉ là sự phân vai chưa rõ ràng, mà còn là sự chung vai cũng không rõ. Kinh nghiệm cho thấy, bộ ngành nào cũng có mặt trong các ban bệ khác nhau, nhưng để chạy việc thì chỉ cần một vài người. Tóm lại, trách nhiệm cá nhân luôn là nền tảng, trách nhiệm tập thể cần đúng nơi đúng chỗ.
Chưa bao giờ đem vấn đề tìm kiếm 30 vạn liệt sĩ trên 3 chiến trương Việt, Lào, Kampuchea ra quốc Hội có trách nhiệm, tình thương yêu. Việt Nam vẫn dùng “Quota”, hang năm phải tìm được 1.500 liệt sĩ. Nhưng chăng năm nào tìm được số này. Anh em cứ bị đào bới làm đương, xây dựng……Anh em lại bị tiêu diệt lần thứ 2. Ôi, quá đau xót..
Chỉ thêm hai chữ NƠI SINH vào hộ chiếu mà cần tới một buổi để thảo luận tại Quốc hội, trong khi chỉ cần lấy ý kiến các cơ quan liên quan rồi trình UBTV Quốc hội ra Nghị quyết là xong. Cái vụ đấu giá biển số xe, Chính phủ căn cứ thẩm quyền ban hành quyết định cho thí điểm tại các địa phương, rồi tổng hợp rút kinh nghiệm, cho áp dụng trên cả nước. Không lẽ việc gì cũng đưa ra Quốc hội, trong khi những việc quan trọng như Luật Đất đai sửa đổi mà thời gian thảo luận cũng chỉ bằng với thời gian thảo luận về đấu giá biển số xe, hay thêm hai chữ NƠI SINH trong hộ chiếu là không hợp lý.