Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyện những người bán tết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyện những người bán tết

Thái Hằng

Chiều 29 Tết chị Sinh và những tiểu thương khác ở chợ Xóm Củi,Q8 ngồi bên những thau đu đủ, mãng cầu và bông cúc vàng, chờ nguời đến mua. Ảnh: T.Hằng

(TBKTSG Online) – Đã là 30 tết, không ít tiểu thương – những người quanh năm tất bật với câu chuyện lời lỗ – lại tiếp tục ưu phiền vì nỗi lo hàng hóa ế ẩm trong ngày buôn bán cuối cùng trong năm.

Bán Tết mỗi năm mỗi khó   

Mặt trời đã ngả bóng chiều, ngồi bên con đường Hưng Phú, chợ Xóm Củi (quận 8, TPHCM) bụi tung mịt mờ những khi có đoàn xe đèn xanh chạy ngang, chị Trần Thị Sinh lật qua lật lại mớ bông cúc vàng, cúc cam bên cạnh những cái thau chứa hơn chục ký xoài, mãng cầu, đu đủ xanh.

“Bữa nay là 29 tết mà từ sáng đến giờ mới bán được vài cành cúc chưng cúng với 2-3 trái xoài, đu đủ xanh, chợ năm nay ế quá cô ơi”, chị than.   

Chỉ tay qua khu vực nhà lồng chợ, chị nói: “Vậy mà cũng chưa bằng mấy người bán bánh kẹo, mứt tết trong đó, tới chiều 29 rồi mà có người còn “ngậm” cả tấn mứt trong kho chưa bán được, năm nay coi như mất tết”. Chị diễn giải thêm rằng vài tuần trước tết, báo đài đưa tin rầm rộ về tình trạng mứt mất vệ sinh, rồi bánh kẹo Trung Quốc bán tràn lan  trên thị trường đã khiến không ít người tiêu dùng e ngại và quay lưng với loại thực phẩm này.

Những người bán hàng rong bên lề đường khu Xóm Củi (quận 8), khu Hòa Bình (quận 5) đa phần là những người dân đến từ những tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai… có người còn từ Cần Thơ đưa dưa hấu lên tranh thủ bán mấy ngày cận tết. Bán xong họ lại đi về quê ăn tết chứ ít ai ở lại. 

Ông Trương Văn Lực nhà ở huyện Cái Răng, TP. Cần Thơ kể rằng tết năm rồi ông đưa đến bốn tấn dưa Thốt Nốt lên bán, nhưng bị rớt giá và ế khách. Mồng 2 và mồng 3 tết ông vẫn phải ở lại thành phố để bán từng chục dưa nhằm gỡ vốn lại phần nào hay phần đó, cũng may giống dưa này vỏ dày, bảo quản được lâu.  

“Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay tôi chỉ chở lên tấn rưỡi thôi, tranh thủ bán cho hết ngày 30 để còn về dưới ăn tết với bà nhà và tụi nhỏ. Vậy mà tới giờ này dưa vẫn bán chậm quá”, ông Lực vừa nói chuyện nhưng ánh mắt vẫn canh từng chiếc xe máy đi chậm ngang qua hàng để chực mời khách.    

Đối với những tiểu thương “thời vụ” này, mối bận tâm của họ là bán hết phần hàng hóa trong dịp tết, còn đối với những tiểu thương bỏ tiền ra thuê quầy sạp, nỗi lo lắng còn tăng hơn gấp nhiều lần vì họ còn phải đóng nhiều loại thuế và nợ tiền hàng. Do đó, cứ mỗi ngày bán chậm hay ế khách là mỗi ngày tiền vốn hụt đi mà không có tiền lời đắp vào.

Chị Phan Thị Nguyệt, một tiểu thương hàng thủy hải sản khẽ nhăn mặt khi ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) thông báo tăng thêm tiền thuế môn bài trong năm mới. “Tính riêng chi phí quản lý thôi, 1-2 năm trước chỗ ngồi của tôi chỉ đóng 700.000 đồng/năm, năm nay đã vọt lên trên 1,2 triệu đồng, chưa kể tiền điện, nước qua năm báo giá mới cũng thấy tăng, còn khách đi chợ ngày một thưa vì nhiều người dần dần thích đi siêu thị hơn”, chị Nguyệt than.  

Chợ sỉ nông sản Thủ Đức vào 23:00, giờ kinh doanh tấp nập nhất nhưng người bán vẫn nhiều hơn kẻ mua.Ảnh:T.Hằng

Lời ăn lỗ chịu 

Ông Lực tính trung bình với lượng hàng 4-5 tấn dưa tết (giá 12.000-20.000 đồng/kg tùy loại), nếu trừ mọi chi phí, tiền thuê chỗ, cho người bán lãi từ 19 đến 20 triệu đồng. Khoản lời này, theo ông cũng bõ công sức cho việc thuê xe chở dưa lên thành phố bán. 

Mặc dù vậy, kinh doanh hàng tết vẫn là cuộc chơi nhiều rủi ro cho tiểu thương, đặc biệt đối với mặt hàng hoa, trái cây hay bánh mứt tết… Chỉ cần một sự cố trong những ngày cận tệt, hàng hóa không bán được thì những ngày đầu năm mới của họ sẽ trở thành những ngày chạy ngược chạy xuôi bán tống bán tháo hoặc đổ bỏ vì không ai mua nữa.

Cách đây một tuần, những người kinh doanh quất kiểng cũng có phen “đau ruột” khi những chiếc ghe chở hàng trăm chậu quất kiểng lên thành phố bị chặn lại tại bến Trần Văn Kiểu (quận 6) vì quy định mới không cho phép bốc dỡ hàng hóa của ghe thuyền tại bến này. Tiền thuê ghe, tiền mặt bằng thuê để bán cây kiểng… vẫn cứ tăng lên hàng ngày trong khi hàng vẫn bị nằm tại bến đã khiến nhiều người bán phải kêu trời. 

Sự gia tăng về nhu cầu và yêu cầu của người tiêu dùng đã kéo theo sự phát triển của các siêu thị và hệ thống của hàng tiện nghi, chợ tết ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt và mỗi năm mỗi đối mặt với tình trạng vắng khách. Cuộc mưu sinh của những tiểu thương qua năm mới vì vậy mà cũng trở nên muôn phần khó khăn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới