Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyện nói hoài mà không chịu cũ

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Một ông U-70, vừa đi thăm bà con ở quận 7 (TPHCM), kể lại ông gặp một phen kinh hồn bạt vía. Đó là lúc ông quẹo trái ở ngã tư Nguyễn Hữu Thọ – Nguyễn Văn Linh. “Xe cộ kinh khủng quá”, ông nói.

Quả thật, với những người không quen đường đi ở đó như ông U-70 nói trên, khi quẹo phải hay trái tại ngã tư này có thể là một điều “kinh hoàng”. Ngã tư Nguyễn Hữu Thọ – Nguyễn Văn Linh vốn đã là một nút giao thông chính ở khu vực phía Nam TPHCM. Đó cũng là nơi giao nhau giữa hai con đường lớn với rất nhiều xe công ten nơ di chuyển từ các cảng của TPHCM. Các yếu tố này cộng lại đã khiến giao thông tại đó trở nên quá tải, nạn kẹt xe trở nên thường xuyên.

Chính vì thế từ ba năm trước, dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ – Nguyễn Văn Linh đã được khởi công nhằm giảm bớt áp lực giao thông. Công trình gồm hai hầm mỗi chiều trên đường Nguyễn Văn Linh; mỗi hầm dài hơn 450 mét, với ba làn xe.

Tuy không phải là lớn lắm, với số tiền đầu tư cho giai đoạn một là 830 tỉ đồng, đây là một công trình được xếp vào hạng “trọng điểm giao thông” được dự kiến hoàn thành vào tháng 6 năm ngoái. Thế nhưng, công trình đã trễ hẹn, được lùi đến cuối năm nay. Tệ hơn, người dân không hiểu vì lý do gì mà cho đến nay, công trình gần như “bỏ hoang”. Trong một bài tường thuật trên báo mạng vnexpress gần đây, tác giả viết “Bên trong công trình hiện chỉ còn vài người trông coi, hạn chế thi công, vật liệu xây dựng chất ngổn ngang, hai đầu hầm chui đều ngập nước”(1).

Bên trong thì “hạn chế thi công”, nhưng bên ngoài xe cộ đâu có “hạn chế đi lại”. Ai có đi qua ngã tư này mới thấy sợ như thế nào khi các loại xe – từ xe gắn máy đến xe công ten nơ – mạnh ai nấy chạy. Có khi xe chẳng theo luồng tuyến gì cả, đang ở luồng này đột ngột chuyển sang chiều ngược lại chỉ trong vòng “một nốt nhạc” – không ai tưởng, khó ai ngờ. Nhưng kinh hoàng nhất vẫn là các xe đầu kéo công ten nơ, dây vào nó là chết như không. Người đi quen còn thấy kinh hoàng huống gì người lạ từ xa tới.

Lạ một điều là tình trạng này vốn đã kéo dài từ lâu mà sao không thấy cải thiện để dân nhờ. Còn nhớ tháng 9 năm 2022, báo chí đưa tin công trình này đã bị đình chỉ thi công với lý do làm hư hỏng mặt đường chậm khắc phục.

Đến nay, công trình này lại nằm trong danh sách ba dự án giao thông chậm trễ ở TPHCM bị chính quyền thành phố “truy trách nhiệm” của các đơn vị liên quan, cùng với dự án metro Bến Thành – Tham Lương và dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống ở Thủ Đức(2).

Phải nói là chuyện chậm tiến độ trong các công trình giao thông là khó tránh khỏi. Nhưng điều người dân mong mỏi là các cơ quan chức năng, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải khẩn trương giải quyết rút ngắn “thời gian chết” để công trình hoạt động trong thời gian sớm nhất có thể. Nhưng chuyện đâu lại vào đó, cứ lặp đi lặp lại. Phải chăng là vì chẳng có ai chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ này? Trong khi đó, chỉ có người dân là chịu khổ – đoạn trường ai có qua cầu mới hay!

Người Việt có đôi chút kiến thức về xây dựng hẳn sẽ cảm thấy choáng với các đoạn phim quay cảnh người nước ngoài xây hầm chui tương tự như hầm chui Nguyễn Hữu Thọ – Nguyễn Văn Linh (quy mô nhỏ hơn), bởi vì họ xây xong chỉ trong vòng “một nốt nhạc” (thực tế là chỉ cần hai ngày cuối tuần khi lượng xe cộ giảm bớt). Người dân không mong các công ty xây dựng nước nhà làm nhanh được như vậy. Nhưng nếu chúng ta không cảm thấy xấu hổ thì cũng phải nhanh làm hơn chứ không phải như tốc độ hiện nay.

Dường như chuyện chậm tiến độ không liên quan mấy đến kỹ thuật hay năng lực thi công, mà thuộc một vấn đề khác – người trong cuộc khắc rõ. Nếu vậy, sao không giải quyết rốt ráo và công khai trách nhiệm của các bên liên quan để còn kịp với thời gian?

Câu hỏi này, vấn đề này lại tiếp tục được đặt ra. Một chuyện nói hoài mà không chịu cũ, chỉ có người dân là thấy cũ!

____________

(1), (2)https://vnexpress.net/ba-du-an-giao-thong-cham-tre-bi-tp-hcm-truy-trach-nhiem-4575919.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Các dự án công trình giao thông đều theo một qui trình : thi công một thời gian thì đều ngừng lại, lý do đội kinh phí lên hai ba lần .Khổ một cái các công trình khác ngừng giữa chừng thì không sao, nhưng công trình giao thông ngừng thì việc đi lại của người dân kẹt cứng, buộc nhà nước phải xoay xở cấp vốn thêm dù lúc đấu thầu thường ưu tiên cho nhà thầu làm ít kinh phí nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới