Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyện phân cá voi và tin nóng, tin nguội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyện phân cá voi và tin nóng, tin nguội

Đỗ Anh (*)

Chuyện phân cá voi và tin nóng, tin nguội
Chính việc tại sao Ian Thorpe phải trầm cảm một thời gian dài mới là điểm gây sốc của tin chứ không phải việc bản thân anh là người đồng tính. Ảnh: ĐỖ ANH

(TBKTSG) – Chuyện tin nào nóng, tin nào nguội – hay nói cách khác cái gì xuất hiện trên trang nhất các báo, cũng nói lên rất nhiều về những định hướng giá trị vốn luôn đổi thay của xã hội.

Phân cá voi là tin nóng hay nguội?

Đài Phát thanh Úc (Radio Australia) hồi tháng trước đưa một tin thuộc dạng “cực mềm” (soft news), tin là: “Phân cá voi giúp phát triển các loài cá”.

Tất nhiên là tin này chả nhận được mấy cú “like” (thích), nói gì đến comment (bình luận), ngoại trừ được vài người dẫn lại trên Facebook với ý là tin tức cười, thế mà cũng đưa tin.

Ở các trường dạy làm báo cũng như các khóa tập huấn, hoặc các sách chuyên ngành báo chí, người ta thường bắt đầu với câu hỏi “Tin là gì?”.

Những câu trả lời khác nhau ở cách diễn đạt nhưng phần lớn đều kể ra những tiêu chuẩn như cái gọi là tin thì phải mới mẻ, thời sự, nóng hổi, có ý nghĩa, gây tác động mạnh hoặc có liên quan đến nhiều người. Có mấy câu kinh điển được lặp lại đến nhàm chán: chó cắn người không phải tin, người cắn chó mới là; hay, tin xấu là tin tốt (bad news is good news). Dễ hiểu là hai câu này nhấn mạnh cái sự mới, lạ, có tính xung đột, thậm chí gây sốc của tin tức, nói rộng hơn là của báo chí.

Nhưng có thật sự tin xấu là tin tốt không? Dù loài người văn minh hơn, tiến bộ hơn, nhưng cuộc sống và số phận con người trên thế giới vẫn đầy rẫy bấp bênh, rủi ro. Chiến tranh vẫn chưa bao giờ dừng hoàn toàn trên trái đất xinh đẹp, và tin tức chiến sự, thiên tai, những tin vào loại xấu nhất, vẫn chiếm dung lượng đáng kể trên báo chí mỗi ngày tới mức gần như bão hòa.

Như vậy, “tin xấu là tin tốt” chỉ đúng với nghề báo, chứ không đúng với những người bình thường mong một cuộc sống yên bình, không có những “breaking news” – phá vỡ dòng chảy êm đềm đó. Ngay cả người làm báo có thể cũng mong không phải xử lý những tin tức có tính “đổ vỡ” kiểu này.

Khi này thì ta nhớ ra một câu khác, giống như là mặt kia của đồng xu: không có tin gì chính là tin tốt (no news is good news). Tất nhiên đây chỉ là một tình huống tương đối, nhất thời. Như đã nói, thế giới không ngừng biến động, và mọi chuyện tốt xấu đều có thể xảy đến. Trong thời đại bùng nổ thông tin mà nói “không có tin gì” thì thật hoang đường. Không có tin nhiều khi các “nhà báo salon”, hay báo lá cải cũng phải “chế tác”, “nhào nặn” cho ra, nếu không thì cạp cái gì để ăn?

Cứ thử tạm gác qua những tin tức nóng sốt, gây sốc, “kinh hoàng”, “đắng lòng”,… để nhìn vào những cột báo, những mục tin mềm, tin nguội để xem cái gì được quan tâm và có khả năng trở thành “tin cứng” (hard news).

Câu chuyện thú vị chính là ở chỗ này bởi câu trả lời rất không giống nhau. Nó phụ thuộc vào những “người gác cửa” của tờ báo trong việc lựa chọn tin tức, lựa chọn bức tranh về cuộc sống mà họ muốn truyền tải đến công chúng. Về cơ bản, các tòa soạn cho rằng họ phục vụ nhu cầu và mối quan tâm của độc giả, kể cả tin tức lá cải. Cứ cho là vậy, có thể thấy nhu cầu công chúng không giống nhau ở mỗi nền báo chí, thậm chí mỗi tờ báo.

Tin phân cá voi ở trên là một ví dụ. Có báo nào ở Việt Nam sẽ đăng lại tin này? Nếu có chắc cũng bị ấn vào một góc ở mục khoa học chẳng hạn, cho có. Nhưng nó lại hiên ngang xuất hiện là tin “vơ đét” trên trang chủ của Đài Úc và được khuyến khích dịch, đăng lại trên các trang tiếng nước ngoài trực thuộc.

Các nhà khoa học phát hiện rằng, cá voi ăn rất nhiều cá nhỏ, nhưng rồi chúng lại thải phân ra để làm nguồn thức ăn nuôi dưỡng các loại cá nhỏ bé hơn mình và cứ thế thành một chuỗi tuần hoàn. TS. Trish Lavery, người nghiên cứu nhiều năm về cá voi ở Nam Úc, nói rằng: “Nếu cá voi ăn quá nhiều cá mà không giúp cho các loài cá khác phát triển, cá voi sẽ tuyệt chủng. Nhưng điều đó không xảy ra và cá voi vẫn tồn tại cho đến nay đã hơn 35 triệu năm”.

Cũng liên quan đến cá voi, mấy ngày qua báo Úc liên tục đưa tin về chuyện nước này kiện Nhật Bản về vụ đánh bắt cá voi Nam Cực và lời qua tiếng lại giữa đôi bên. Ở Úc, và có thể ở nhiều nước tiên tiến hơn, những tin tức liên quan đến động vật, thú cưng, và đặc biệt là trẻ em luôn được quan tâm hàng đầu. Nhưng không phải cái gì ở đây cũng tốt cả. Một nước văn minh như Úc, có chỉ số phát triển con người (HDI) đứng tốp đầu thế giới thỉnh thoảng vẫn có những tin tức như cụ ông A, cụ bà B được phát hiện đã chết một tuần, nửa tháng hay thậm chí nửa năm mà không ai biết. Những chuyện đau lòng này rất tiếc cũng không phải là tin quá hiếm ở một xã hội tiến bộ.

Khi nào chuyện đồng tính không còn giật gân?

Quay trở lại chuyện tin nóng, tin nguội. Ian Thorpe, kình ngư nổi tiếng nhất nước Úc, mới vừa thừa nhận trên truyền thông mình là người đồng tính. Với sự nổi tiếng của anh, tin này đáng phải thuộc dạng nóng sốt bỏng tay. Nhưng thực tế chỉ có vài tờ báo lá cải đăng câu chuyện này trên trang nhất. Các báo khác và truyền hình “khai thác” vụ việc trên phương diện tại sao anh phải im lặng và những đau khổ, trầm cảm, thậm chí ý định tự sát mà anh từng trải qua khi phải che giấu thân phận. Chính điều này mới là điểm gây sốc của tin chứ không phải việc bản thân Ian Thorpe là người đồng tính.

Cách đây vài năm, Kênh 7 truyền hình Úc (một kênh thuộc dạng tổng hợp giải trí là chính) đã bí mật theo dõi và “bắt quả tang” đương kim Bộ trưởng Bộ Giao thông tiểu bang New South Wales đi tắm hơi ở khu vực dành cho người đồng tính. Vị bộ trưởng đầu hai thứ tóc, từng là biểu tượng về gia đình vợ con hạnh phúc thành đạt, ngay sau đó đã xin từ chức vì không chịu nổi áp lực. Phản ứng của công chúng phân đôi: nửa lên án ông thiếu chung thủy và “ăn vụng” đồng tính, dối gạt; nửa còn lại lên án Kênh 7 bỉ ổi, bươi móc đời tư. Khi đó bà Thủ hiến tiểu bang rất đau lòng về vụ việc, đã lên tiếng rằng bà mong từ nay chuyện một ai đó bị phát hiện hay tự thú nhận đồng tính sẽ không bao giờ trở thành tin giật gân ở một đất nước như nước Úc.

Không có định nghĩa duy nhất cho tin tức, càng không thể có đối với tin nóng, tin nguội. Cuộc sống thay đổi và những định hướng giá trị cũng liên tục thay đổi. Hết World Cup, chúng ta lại trở về chuyện cơm áo gạo tiền, xăng điện. Báo chí vẫn luôn sợ người đọc nhàm chán nên không lúc nào ngừng sản xuất tin tức. Họ cũng sợ độc giả vô cảm nên cứ phải dẫn dắt tâm trạng của độc giả từ cơn đắng lòng này đến cơn nghẹn ngào khác.

Nhưng sự “nhàm chán”, tạm gọi như thế, có cái hay của nó. Nếu một ngày bạn gấp tờ báo lại và ca thán không có tin nào “nóng” để đọc, thì cũng nên vui mừng. Ngày đó, có thể, thế giới tạm bình yên. Và thử tưởng tượng một ngày đẹp trời cái tin phân cá voi nằm chình ình trên trang nhất! Tại sao tin này không quan trọng?

Này nhé: như thế nếu cá voi mà bị săn bắt nhiều thì nguồn phân giàu dinh dưỡng của chúng sẽ không còn đủ để nuôi những đàn cá nhỏ hơn, và những đàn cá nhỏ hơn thiếu hụt thì con người cũng thiếu nguồn hải sản đánh bắt. Chẳng phải đó là chuyện rất quan trọng với cuộc sống của chúng ta sao?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới