Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyện phát triển, cung cấp và bản quyền giống cây trồng tại quốc gia hơn 1,4 tỉ dân

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực của quốc gia, chính phủ Ấn Độ coi trọng nhiệm vụ cung cấp cho nông dân nhiều loại hạt giống có chất lượng cao, với số lượng đầy đủ và kịp thời. Các tổ chức phát triển hạt giống của nhà nước ở Ấn Độ được khuyến khích tăng cường sản xuất hạt giống nhằm đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực và dinh dưỡng. Tuy nhiên, năng lực của họ bị hạn chế, do vậy, chính phủ Ấn Độ đã triển khai Chương trình làng hạt giống để giúp nông dân ở các địa phương tiếp cận nguồn hạt giống chất lượng cao với chi phí thấp, đồng thời đào tạo họ tự nhân giống để dự trữ cho các mùa gieo hạt kế tiếp.

Nông dân ở làng Bijlon, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ nhận hạt giống nền từ chương trình SVP. Ảnh: Villagesquare

Chương trình nhân giống 3 thế hệ

Chương trình hạt giống của Ấn Độ tuân thủ hệ thống nhân giống ba thế hệ, cụ thể là hạt giống tác giả, hạt giống nền và hạt giống xác nhận. Hạt giống tác giả (breeder seed) được phát triển từ hạt giống hạt nhân (nuclear seed), thuần chủng 100% về mặt di truyền với độ tinh khiết vật lý. Hạt giống hạt nhân được sản xuất bởi các nhà lai tạo giống cây trồng và 77 trường đại học nông nghiệp (SAU) ở các bang của Ấn Độ cùng với  111 viện nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ (ICAR) thuộc Bộ Nông nghiệp Ấn Độ.

Từ hạt giống này, hạt giống tác giả sẽ nhân lên trên diện tích lớn theo yêu cầu Vụ Nông nghiệp và hợp tác (DOAC) của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, dưới sự giám sát của một ủy ban bao gồm các đại diện từ các cơ quan chứng nhận giống nhà nước, các công ty giống cây trồng cấp bang và quốc gia, ICRA và nhà lai tạo giống liên quan.

Hạt giống nền (foundation seed) là thế hệ tiếp theo của hạt giống tác giả. Các tổ chức sản xuất hạt giống được chứng nhận trong khu vực công và tư nhân chịu trách nhiệm sản xuất hạt giống nền dưới sự giám sát của các cơ quan chứng nhận hạt giống để bảo đảm chất lượng của theo các tiêu chuẩn hạt giống.

Hạt giống xác nhận (certified seed) được sản xuất từ hạt giống nền đã được đăng ký dưới sự giám sát của các cơ quan chứng nhận hạt giống.

Các cơ quan sản xuất hạt giống nhà nước chẳng hạn như Tổng Công ty hạt giống quốc gia Ấn Độ (NSC) sẽ được tiếp cận miễn phí đối với các hạt giống tác giả trong Hệ thống Nghiên cứu Nông nghiệp quốc gia (NARS), đơn vị quản lý của ICRA.

Các công ty sản xuất hạt giống tư nhân cũng được quyền tiếp cận hạt giống tác giả theo các điều khoản và điều kiện do chính phủ Ấn Độ quyết định.

Với tư vấn của ICAR và chính quyên các bang, DOAC sẽ chuẩn bị Bản đồ hạt giống quốc gia để xác định các khu vực có tiềm năng phi truyền thống có thể thay thế hạt giống để sản xuất hạt giống nền của các loại cây trồng cụ thể.   Để đưa ra một chương trình sản xuất hạt giống hiệu quả, mỗi bang sẽ tiến hành lập kế hoạch trước cho sản xuất và phân phối hạt giống trong một khoảng thời gian 5-6 năm. Ngân hàng hạt giống sẽ được thiết lập ở những khu vực phi truyền thống để đáp ứng nhu cầu về hạt giống trong những tình huống bất lợi như  thiên tai.

Khả năng cung cấp hạt giống chất lượng của nhà nước bị hạn chế

Sử dụng giống chất lượng là yếu tố quyết định chính để nâng cao năng suất cây trồng và thu nhập của nông dân. Việc sử dụng hạt giống chất lượng giúp tăng năng suất khoảng 30–40%, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nguồn cung hạt giống chất lượng trong mùa gieo hạt là một hiện tượng lặp đi lặp lại ở Ấn Độ, vì khả năng sản xuất đủ hạt giống của chính phủ bị hạn chế, trong khi đó, mua hạt giống từ các công ty tư nhân rất tốn kém và họ cũng chỉ cung cấp một số giống hạn chế

Dù đã thực hiện các chương trình hạt giống có tổ chức từ giữa thập niên 1960, tỷ lệ thay thế hạt giống (SRR: tỷ lệ diện tích được gieo bằng các loại giống được chứng nhận chất lượng trên tổng diện tích gieo trồng) mới đạt khoảng 20%. 80% diện tích cây trồng còn lại được gieo bằng hạt giống dự trữ của nông dân. Việc sử dụng hạt giống dự trữ liên tục dẫn đến thoái hóa gen của hạt giống, khiến năng suất và sức sống của cây trồng suy giảm trong vòng 2-3 năm. Do đó, nông dân cần phải thay thế hạt giống dự trữ bằng hạt giống xác nhận để duy trì năng suất cây trồng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ SRR cao hơn là  điều cần thiết để duy trì sức sống của cây trồng, năng suất và lợi nhuận cao hơn. Trong thời gian gần đây, các công ty hạt giống tư nhân ở Ấn Độ đã tăng giá hạt giống lên mức quá cao nhờ sự chi phối thị trường của họ. Điều này khiến chi phí đầu vào cao hơn, làm giảm thu nhập của nông dân. Mặc dù các cơ quan phát triển hạt giống nhà nước đã nỗ lực sản xuất và phân phối hạt giống, năng lực của họ bị hạn chế và chi phí hoạt động của họ là rất lớn do hoạt động tập trung của họ. Do đó, chính phủ Ấn Độ nhận thấy cần phải cải thiện nguồn dự trữ hạt giống chất lượng (hạt giống xác nhận) tại các địa phương để sẵn sàng trong mùa gieo hạt với chi phí thấp hơn.

Nông dân ở làng Bijlon, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ được huấn luyện cách nhân giống đối với hạt giống nền từ chương trình SVP. Ảnh: Villagesquare

Chương trình làng hạt giống giúp nông dân giảm chi phí

Để xuất và phân phối hạt giống chất lượng đến nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại các địa phương với giá cả phải chăng, chính phủ phải phân cấp sản xuất và phân phối hạt giống thông qua Chương trình Làng Hạt giống (SVP – Seed Village Programme) được khởi động từ năm 2014.

Chương trình này cung cấp hỗ trợ tài chính cho việc phân phối hạt giống nền và hạt giống xác nhận với giá trợ cấp lên đến 50% cho hạt giống cây ngũ cốc (lúa gạo, lúa mì, bắp…) và 60% cho hạt giống cây họ đậu, hạt có dầu tối đa một mẫu (tương đương 4.000 mét vuông) cho mỗi nông dân tham

Hạt giống được sản xuất tại các làng hạt giống này phải được bảo quản, cất giữ cho đến vụ gieo trồng tiếp theo. Để khuyến khích nông dân cất giữ hạt giống, chương trình sẽ hỗ trợ họ chi phí mua các thiết bị dự trữ.

Các cơ quan tham thực hiện chương trình này bao gồm các bộ nông nghiệp, trường đại học nông nghiệp và các công ty nông nghiệp và phát triển hạt giống nhà nước ở các bang của Ấn Độ, Trung tâm khoa học nông nghiệp (KVK) thuộc NARS, Tổng Công ty hạt giống quốc gia (NSC), các cơ quan chứng nhận giống cây trồng.

Trong niên vụ 2021-2022, chính phủ đã cấp ngân sách gần 1,5 triệu đô la Mỹ cho chương trình SVP

Chương trình SVP nhằm đảm bảo rằng các nông dân tham gia sẽ nhận được những hạt giống cải tiến được lựa chọn kỹ càng trước thời điểm gieo trồng. SVP sẽ bảo đảm sản xuất hạt giống sạch bệnh và côn trùng thông qua việc sử dụng các biện pháp bảo vệ thực vật thích hợp. Đồng thời, SVP cũng giúp tăng tỷ lệ thay thế hạt giống và giáo dục nông dân về công nghệ sản xuất hạt giống, sử dụng hạt giống chất lượng cao.

Một khía cạnh quan trọng của chương trình là nông dân sử dụng hạt giống nền được cung cấp để sản xuất hạt giống cho chính họ và cho hàng xóm của họ. Những hạt giống đó có thể dự trữ được sử dụng trong ba năm tiếp theo. Điều này đảm bảo rằng nhiều nông dân có được hạt giống chất lượng cao và giảm sự phụ thuộc vào thị trường hạt giống. Những người nông dân tự nhân giống hạt giống sẽ kiếm được thu nhập cao hơn, vì họ có thể bán những hạt giống chất lượng cao này cho các nông dân khác trong làng.

Những nông dân được chọn tham gia chương trình sẽ được đào tạo về ba giai đoạn sản xuất, đó là gieo hạt, ra hoa và thu hoạch.

Chương trình SVP cung cấp 40 kg hạt giống nền chất lượng cao đã được xác nhận cho một nhóm tối thiểu 50 nông dân và tối đa là 150 nông dân  để sử dụng trên một mẫu đất của họ. Nông dân tham gia SVP được khuyến khích nhân giống trên 0,5 mẫu đất để bán hạt giống cho các nông dân khác tại địa phương và các làng lân cận

 Thei Vikaspedia, Seednet, Villagesquare

1 BÌNH LUẬN

  1. Nước/ Phân/ Cần/ Giống. Ông bà ta đã đúc kết từ ngàn đời. Giống phải là một phần tinh hoa chiến lược của nền công nghệ quốc gia. Đặc biệt là tại các nước có thế mạnh chủ đạo về nông nghiệp. Ngược đời thay, ở khu vực Đông Nam Á, thế mạnh của nghiên cứu giống lúa gạo lại là Philippines (Viện IRRI), một nước luôn ở vào “tâm bão” và phải thường xuyên nhập khẩu gạo? VN ta đang làm gì để cải thiện năng lực này, kể cả nâng cao trình độ hợp tác quốc tế, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới