Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyện phiếm về nhập khẩu lạm phát

Thanh Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Cách đây vài năm, nhân đợt “sóng gió” về tỷ giá ở Việt Nam, có nhà báo kỳ cựu viết thư hỏi lý do tại sao đồng yen Nhật cũng có nhiều đợt mất giá mạnh mà lạm phát ở Nhật vẫn cứ dừng ở mức rất thấp, cận 0, đi ngược lại với hiểu biết thông thường rằng tỷ giá tăng sẽ làm hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn, kéo theo lạm phát trong nước tăng lên, mà ở Việt Nam thường gọi hiện tượng này là nhập khẩu lạm phát.

Thông thường, tỷ giá tăng sẽ làm hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn, kéo theo lạm phát trong nước tăng lên. Ảnh đồ họa: TL

Không nhớ chính xác đã trả lời nhà báo những gì. Nhưng cũng giống như trong các cuộc tranh luận với nhiều người khác sau này ở Việt Nam về cùng đề tài, có lẽ một số ví dụ về hiệu ứng thay thế hàng nhập khẩu, thay thế hàng bị đội giá vì lạm phát hay vì tỷ giá đã được sử dụng để minh họa với nhà báo tại sao nhập khẩu lạm phát không nhất thiết phải xảy ra đúng như cơ chế trên.

Tình cờ hôm trước có đọc được bài báo viết về nước Moldova ra mắt trang web phân phối củi để giúp người dân tìm củi sưởi ấm. Có lẽ không ít bạn đọc sẽ thắc mắc, chuyện này thì liên quan gì đến nhập khẩu lạm phát mà bài viết đang nói đến. Xin trả lời ngay là có, bởi từ củi thì sẽ suy ra… năng lượng và suy ra tiếp… lạm phát!

Chẳng là theo bài báo, Moldova, một nước nghèo nhất ở châu Âu, phụ thuộc nặng nề vào khí đốt Nga và đang phải vật lộn với giá năng lượng đã tăng nhiều lần kể từ đầu năm khi chuẩn bị bước vào mùa đông.

Giải pháp đối phó được Moldova đưa ra gồm chuyển từ dùng khí đốt sang dùng dầu cho hệ thống sưởi ở thủ đô Chisinau và dự định giảm 15% lượng tiêu thụ, và mở các cuộc đàm phán với Romania để tìm nguồn cung khí đốt với giá rẻ hơn.

Tuy không nêu rõ trong bài báo, nhưng việc phân phối củi cho dân chúng ở Moldova cũng là một cách thay thế khí đốt, năng lượng nhập khẩu đắt đỏ hơn. Lưu ý thêm rằng tỷ giá đồng leu, tiền Moldova, cũng đã tăng 9% so với cuối năm trước, càng khuếch đại giá năng lượng nhập khẩu của nước này.

Điều chúng ta thấy được ở đây là khi một mặt hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, vì giá nhập khẩu bằng đô la Mỹ đã tăng lên, và/hoặc vì tỷ giá tăng lên kéo theo giá bán trong nước của mặt hàng đó bằng nội tệ cũng tăng lên thì người tiêu dùng phải lựa chọn một vài trong số các lựa chọn gồm tiếp tục mua như không có gì xảy ra nếu “nhà không có gì ngoài tiền”, hoặc phải “thắt lưng buộc bụng” cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng đó, hoặc chuyển sang dùng các mặt hàng có tính năng, công dụng tương đương nhưng giá rẻ hơn.

Trong ví dụ về Moldova, nước này đã nghiêng về lựa chọn hai và ba, vừa cắt giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng, khí đốt (nhập khẩu), vừa tìm cách mua khí đốt giá rẻ hơn từ Romania (nhưng tất nhiên vẫn là khí đốt giống như từ Nga), đồng thời tạo điều kiện cho dân chuyển sang dùng củi, là thứ hàng bản địa, giá rẻ, và quan trọng hơn, tự cung tự cấp được, không phụ thuộc vào hàng nhập khẩu (hay tỷ giá), dù có thể chất lượng và độ tiện dụng không bằng hàng nhập khẩu.

Với các cách đối phó trên, lượng khí đốt sử dụng cũng như chi phí trung bình cho một đơn vị năng lượng được sử dụng tại Moldova sẽ phải thấp hơn đáng kể nếu so với khi dựa vào năng lượng nhập khẩu có giá đắt đỏ từ Nga và các nguồn khác như hiện tại.

Tương tự như vậy là điều có thể xảy ra với các loại hàng hóa có thể trao đổi mậu dịch khác, chẳng hạn như hàng công nghiệp. Điều này có nghĩa là kênh tỷ giá có thể chỉ truyền dẫn một phần ảnh hưởng, nếu có, của giá cả gia tăng từ nhập khẩu lên mặt bằng giá cả trong nước.

Nói cách khác, tỷ giá tăng cũng không nhất thiết làm tăng (đáng kể) mặt bằng lạm phát trong nước, nếu người dân tiết giảm tiêu dùng, và tích cực sử dụng hàng thay thế hàng nhập khẩu (với giá đắt) như ở trong ví dụ về củi và khí đốt ở Moldova, hay ví dụ rất thuyết phục là Nhật.

Chưa hết, “tác dụng phụ” của tỷ giá tăng không chỉ dừng lại ở việc chuyển sang tiêu dùng các mặt hàng nội địa thay vì hàng nhập khẩu. Tỷ giá tăng còn tạo hiệu ứng phân bổ lại các nguồn lực trong nước hướng đến các ngành sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các ngành này lên trình độ cao hơn.

Bởi vậy mà không mấy nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển, muốn để đồng tiền của mình lên giá so với các nước đối tác khác khi muốn phát triển sản xuất, cung ứng trong nước.

Cũng trong ví dụ về ngành khí đốt, xăng dầu. Giá năng lượng hóa thạch nhập khẩu đắt đỏ đã buộc nhiều nước tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế xăng dầu, khí đốt, dẫn đến sự lên ngôi của các nguồn năng lượng tái tạo, sạch. Đây là điều tốt lành không chỉ từ khía cạnh an ninh năng lượng mà còn về mặt bảo vệ môi trường, vốn là cái mà nhiều nước, nhiều ngành đang phải bỏ tiền ra mua.

Tóm lại, trong cái rủi có cái may. Khi một nước buộc phải để tỷ giá tăng như một dấu hiệu gây quan ngại đến ổn định vĩ mô, nó cũng đồng thời bù đắp lại cho nền kinh tế trong nước bằng một số lợi ích.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới