(KTSG) - Trong những ngày này trên truyền thông đang nóng lên chuyện các xã, phường bị xóa tên, ghép tên, thay tên mới. Đó là khởi đầu cho việc sắp xếp lại 50 huyện, 1.243 xã. Có thể nói đây là lần tách, nhập với quy mô lớn nhất, nhiều nhất. Những đơn vị cấp huyện, xã này phải nhập lại với nhau vì không đạt chuẩn theo luật định, đồng thời việc sáp nhập như thế sẽ giảm biên chế để cho bộ máy nhà nước tinh gọn, nhưng việc này cũng làm phát sinh nhiều hệ lụy.
Chuyện sáp nhập sẽ làm mất đi một số tên xã, phường có từ rất lâu đời làm cho lòng người xao động. Một số địa danh làng xã, huyện đã đi sâu vào ký ức của nhiều thế hệ sinh ra, lớn lên ở vùng đất đó nay bị mất đi, thay vào đó là một cái tên lạ hoắc hay tên ghép vụng về giữa hai, ba địa danh thì khó có thể nói người dân vui vẻ đồng thuận.
Việc sáp nhập, đổi tên còn mang lại nhiều phiền toái về mặt hành chính công và các quan hệ dân sự. Chưa kể có hàng ngàn cán bộ, nhân viên bị cho nghỉ việc kéo theo là hàng trăm hộ gia đình sẽ gặp khó khăn và cùng với đó là rất nhiều văn phòng, hội trường, trụ sở bị bỏ hoang không biết phải làm như thế nào.
Vấn đề ở đây là có nhất thiết phải sáp nhập huyện, xã cùng lúc nhiều như thế trong một thời gian ngắn không? Lý thuyết hệ thống luôn đề cao tính ổn định và thăng bằng, vì vậy có một nguyên lý quan trọng là các thành tố trong một tổ chức, đơn vị hành chính mà đang vận hành ổn định và không có vấn đề gì gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hệ thống thì không cần thiết phải có tác động triệt tiêu hay thay thế, bởi sự thay thế đó có thể có tác dụng ngược.
Pháp là một quốc gia có nền hành chính được coi là mẫu mực của châu Âu, nền hành chính của Việt Nam hiện nay được kế thừa nhiều từ nền hành chính của Pháp khi họ đến Việt Nam. Một trong số các kế thừa có ý nghĩa kinh tế - xã hội chính là việc phân chia địa giới và xác lập tên gọi các tỉnh, huyện, xã. Với người Pháp thì các yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống, tâm lý, tâm linh, bản sắc địa phương được đề cao hơn các yếu tố diện tích, dân số khi tiếp cận đến địa danh và lãnh thổ.
Để minh chứng cho quan điểm này, chúng tôi dẫn ra đây bài viết có tựa đề là “Tổ chức đơn vị hành chính của Pháp” đăng trên tạp chí “Tổ chức nhà nước” của Bộ Nội vụ ngày 6-2-2020 của PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong bài viết này, TS. Hoàng Anh cho biết ở Pháp có tới 36.779 xã với số lượng dân cư không giống nhau và trình độ phát triển kinh tế - xã hội cũng rất khác biệt. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nước Pháp có nhiều cuộc cải cách hành chính, nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ cuộc chia tách, sáp nhập nào.
TS. Hoàng Anh viết “các xã ở Pháp dù quy mô, phạm vi địa lý hay kinh tế rất khác nhau, nhưng các địa phương bình đẳng về mặt pháp lý” và “người Pháp luôn muốn duy trì những di sản văn hóa, lịch sử, tinh thần của cộng đồng - kể cả những cộng đồng nhỏ bé nhất. Bởi vậy, việc phân chia đơn vị xã hầu như không dựa trên các tiêu chí về dân số, địa giới hành chính hay kinh tế”. Quan điểm này cần được tiếp cận, bởi nó khá giống với làng, xã Việt Nam, bởi làng xã Việt Nam (nhất là khu vực Bắc Trung bộ, Bắc bộ, trung du Bắc bộ) đã được hình thành từ hàng ngàn năm trước.
Một trong hai lý do cần sáp nhập là vì những xã không thuộc miền núi, vùng cao không đạt chuẩn là 8.000 dân và 30 ki lô mét vuông. Câu hỏi đặt ra là việc làm tăng dân số và diện tích của một xã, huyện, tỉnh bằng cách sáp nhập lại với một quyết định hành chính liệu đã tối ưu chưa?
Trên thế giới hình như người ta không làm như thế. Một quốc gia có thể làm tăng dân số ở một khu vực bằng giải pháp kinh tế. Một vùng đất hoang vu, một khu dân cư thưa thớt chỉ cần có một vài dự án kinh tế, một khu công nghiệp, một khu du lịch nghỉ dưỡng, một danh thắng tự nhiên được nâng cấp là dân tứ xứ tụ về, khách du lịch kéo đến. Thực tế cho thấy tiến trình tụ cư của đất nước sau năm 1990 diễn ra như thế.
Còn nhớ trước năm 1995, Bình Dương là vùng đất rất thưa dân, chỉ trồng tiêu, cao su, nhưng nay trở thành vùng đất sôi động nhất cả nước nhờ có 30 khu công nghiệp, làm dân số tăng từ 639.000 người năm 1995 lên 2.900.000 người năm 2023. Nhìn rộng ra cả nước thì nhiều huyện của các tỉnh Vĩnh Yên, Yên Bái, Phú Thọ đều gia tăng dân số theo cách như vậy. Đây được coi là giải pháp căn cơ nhất, bền vững nhất và hầu như không xáo trộn về nhân khẩu học xã hội.
Thêm vào nữa, việc tách nhập trong nhiều trường hợp có thể làm suy yếu đơn vị được hay bị nhập nếu như đơn vị được nhập bị mất động lực. Còn nhớ cách nay vài năm khi bàn về nhập tỉnh thì các tỉnh có diện tích bé nhất bị đưa lên bàn nghị sự có nguy cơ phải nhập như Bắc Ninh 822,7 ki lô mét vuông, Hưng Yên 926 ki lô mét vuông, nhưng các tỉnh này hiện nay đều là các tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và là vùng giàu về văn hóa cho nên việc sáp nhập không phải là dễ.
Lý do thứ hai là cần tinh giản biên chế. Đúng là bộ máy hành chính của Việt Nam rất cồng kềnh, nhưng việc giảm biên theo cách sáp nhập để giảm cơ học nhân lực chưa hẳn là tối ưu vì hậu quả tâm lý, xã hội không hề dễ chịu; chưa kể xưa nay việc tinh giản chưa bao giờ thành công vì giảm chỗ này tăng chỗ khác.
Thật ra để giảm người làm trong hệ thống quản lý công thì có hai việc nên làm: thứ nhất là giảm các chức năng của bộ máy. Hiện nay UBND và các bộ phận chức năng khác đảm đương quá nhiều chức năng. Thứ hai là công nghệ thông tin sẽ giúp cho bộ máy cấp xã, phường hoàn thành tốt công vụ mà không cần nhiều nhân lực.
Quay trở lại với chuyện đặt tên phường, xã sau sáp nhập. Với TPHCM thì đây là chuyện không phức tạp vì 80 phường trong diện sắp xếp đều là số, còn Hà Nội có 173 xã, phường phải sáp nhập thì có sáng kiến ghép tên đầy đủ của cả hai phường lại với nhau như Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Phương Liên - Trung Tự, nhưng cũng có một số phường mất hẳn tên như Cầu Dền, Đống Mác, Quỳnh Lôi, Chàng Sơn, Hà Hồi, Vạn Điểm đều là những tên gọi có tính lịch sử.
Tương tự vậy, những ngày qua, Đôi Hậu - một tên xã mới dự kiến được đặt sau sáp nhập hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) - gây “bão mạng” vì cái tên “nghe kỳ kỳ”. Người dân địa phương băn khoăn lo “mất gốc” khi tên Quỳnh Đôi - một xã nổi tiếng về khoa bảng ở xứ Nghệ - có nguy cơ biến mất, còn thị trấn Diên Khánh (Khánh Hòa) dự kiến sau khi sáp nhập sẽ đổi tên thành phường Phú Thành. Rõ ràng có điều gì đó không ổn.