(KTSG) - Sau đây là mẫu đối thoại có thật mà người viết tình cờ nghe được hồi 15 năm trước trong một buồng thang máy tại Bệnh viện Chợ Rẫy ở TPHCM. Khi ấy, một bác sĩ luống tuổi nói với một đồng nghiệp còn trẻ rằng phải biết giữ gìn sức khỏe. Đại ý, ông nói khi còn trẻ không nên đem sức khỏe (làm việc quá sức) để đổi lấy tiền để rồi về già lại phải lấy tiền mua sức khỏe, mà có mua được đâu!
Lời vị bác sĩ trên thực ra là một ngạn ngữ về sức khỏe. Ngày Thầy thuốc Việt Nam sắp đến vào Chủ nhật tuần này gợi nhớ về ý nghĩa của nó cùng vài câu chuyện liên quan.
Trước hết là chuyện đời sống của đội ngũ những người thầy thuốc Việt Nam, hay nôm na là chuyện “tiền” như lời vị bác sĩ. Có lẽ ông muốn nhắc đến các bác sĩ có thể “hái ra tiền” nhờ vào khả năng chữa bệnh của mình ở các phòng khám hay bệnh viện tư. Quả thật, một số bác sĩ như vậy có thu nhập cao. Nếu không thì sao mấy năm trước, cơ quan thuế đã phải lưu tâm đến việc đánh thuế họ đúng mức cùng với một số người trong giới văn nghệ sĩ có thu nhập cao?
Tuy nhiên, người viết tin rằng những người thầy thuốc với thu nhập cao ngất ngưởng theo cách nhìn của cơ quan thuế chỉ là một nhóm rất nhỏ trong đội ngũ y tế nước nhà nói chung. Đa số người thầm lặng còn lại vẫn còn phải chịu nhiều khó khăn trong đời sống như tình trạng chung của các ngành nghề khác.
Thứ đến, chúng ta sắp kỷ niệm lần thứ ba ngày thầy thuốc trong “năm Covid-19” thứ ba, trong khi cái bóng Covid vẫn bao trùm mọi hoạt động, không chỉ ở Việt Nam. Nếu đã xác định sống chung với con virus Corona, thì vai trò tuyến đầu của những người áo trắng càng thêm phần quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Thế nên, xét ngữ cảnh hiện nay, tăng cường đội ngũ và chất lượng chuyên môn của họ phải là mối quan tâm hàng đầu.
Những đợt dịch bùng phát gây chết chóc vừa qua cũng đã làm lộ ra những điểm yếu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta, đặc biệt trong hệ thống y tế cơ sở. Thời gian tới cần thực sự cải thiện tình trạng này với những kế hoạch thiết thực. Ngoài chuyện vinh danh, khen thưởng một vài thầy thuốc tiêu biểu một lần trong một ngày trong cả năm, thì cũng nên kiên trì nghĩ cách và làm những chuyện có thể làm được trong những ngày còn lại của năm để giúp người trong ngành y hết lòng và gắn bó với công việc mình đang làm.
Ai cũng thấy cần tăng cường biên chế cho đội ngũ thầy thuốc, nhưng làm thế nào để thực hiện được việc này? Có lẽ không gì khác hơn là phải tăng thu nhập, tăng đãi ngộ và tạo thêm điều kiện để họ thăng tiến trong nghề nghiệp. Đây rõ ràng là chuyện nên làm vì chất lượng của người thầy thuốc liên quan trực tiếp đến sức khỏe của mọi người. Vấn đề là trong tình hình ngân sách eo hẹp hiện giờ, đào đâu ra nguồn lực để thực hiện việc cần kíp đó? Câu hỏi này không dễ trả lời. Tuy nhiên, trước mắt, những người có thẩm quyền cần làm ngay những việc họ phải làm. Đó là hợp lý hóa chi tiêu ngân sách để dồn vào những khoản thực sự có ý nghĩa quyết định. Người dân có thể đồng lòng, hết sức ủng hộ, nhưng họ không thể làm thay Nhà nước công tác này và, trên thực tế, chỉ những người cầm trịch mới biết đâu là những khoản cần thiết phải chi hơn.
Xin lấy một ví dụ từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngày 14-2, Giám đốc bệnh viện ký một công văn gửi “ban lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể” về việc “không tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống y tế 27-2”. Công văn nêu rõ “Bệnh viện không tổ chức Lễ và xin phép không đón tiếp các đoàn khách đến chúc mừng cũng như không nhận hoa, quà tặng để phòng chống lây lan dịch Covid-19”(1).
Điều này có ý nghĩa gì? Các thầy thuốc ở Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ bớt đi một chút vui vẻ vì không còn hoa chúc mừng, nhưng cả xã hội sẽ được hưởng lợi thêm một chút vì sẽ bớt đi được một khoản chi tiêu. Có thể khoản chi này cho Bệnh viện Chợ Rẫy là nhỏ, nhưng nếu tất cả mọi cơ quan, tổ chức trong nước đều hành động như Bệnh viện Chợ Rẫy mọi lúc, mọi nơi trong chi tiêu, các khoản chi như vậy chắc cũng sẽ đáng kể. Đông tay vỗ nên kêu!
-----------
http://choray.vn/Default.aspx?tabid=135&ID=9671
Trong cuộc sống, nhiều sự việc đôi khi tương tự nhau, nhưng nhìn kỹ thì khác. Giống như “moment” rất khác với “memory”. Nếu điều gì đó “moment” thì chỉ có cảm giác thoáng qua, không lưu giữ nhiều kỷ niệm. Ngược lại, nếu là “memory” thì chắc chắn sẽ không chỉ là lưu giữ như ký ức mà còn là trách nhiệm, thôi thúc người ta làm điều gì đó để thay đổi cuộc sống theo chiều hướng ngày càng tốt đẹp hơn. Rất mong mọi thứ sẽ trở nên “memory” nhiều hơn là “moment”, biết nhìn xa nhìn rộng hơn là nhìn gần.
Phải có 3M: Moment –> Memory —> Movement, thì mới thay đổi được cục diện vấn đề. Nếu cứ đến hẹn lại lên, gặp gỡ chúc mừng, tặng hoa, nói đôi lời động viên… thì mãi sẽ không giải quyết được việc gì lớn. Giống như xóa đói giảm nghèo, người ta muốn tạo cần câu chứ không cho con cá, tổ chức đoàn thể không thể cứ đi trao quà, quay phim chụp ảnh mãi, trong khi thân phận người nghèo thực sự cần phải thay đổi bằng những chính sách dài hạn đi vào cuộc sống. Phải biến biến những cuộc gặp gỡ, những ký ức… thành một phong trào mạnh mẽ, có định hướng bài bản thì mới có thể tập trung giải quyết những do vấn đề thực tiễn đặt ra.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh khi bàn về câu chuyện y khoa, có đề cập đến 3 giai đoạn: Y khoa cơ giới, chữa bệnh theo kiểu truyền thống, máy móc là chính/ Y khoa thân tâm, là bước tiến lớn hơn, thân bệnh nhiều khi không bằng tâm bệnh/ Y khoa cộng nghiệp, trị liệu bệnh tật bằng sức mạnh của cả tâm thức cộng đồng chứ không chỉ trông chờ vào chính ngành y khoa, giữa y bác sỹ, người bệnh, và cộng đồng xã hội phải cộng hưởng thành một ý chí, trách nhiệm chung thì mới mong tiêu trừ bớt bệnh tật. Thiết nghĩ, đây là phương cách chiến lược để ứng phó với dịch bệnh nói riêng, bảo vệ sức khỏe toàn dân nói chung, hôm nay và mai sau.