(KTSG Online) - Khách sạn có giống bệnh viện không? Xin thưa, theo một nghĩa nào đó thì hai nơi này cũng có điểm chung. Chẳng hạn, cả khách sạn lẫn bệnh viện đều cung cấp dịch vụ cho khách hàng; người ta đến khách sạn để lưu trú, còn bệnh viện cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Riêng khách sạn Continental ở TPHCM và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM còn giống nhau ở một điểm đặc biệt hơn: Continental là khách sạn lâu đời nhất (142 năm) ở thành phố này trong khi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là bệnh viện lâu đời nhất (160 năm). Có thể nói về mặt “đẳng cấp tuổi đời”, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ngang hàng với khách sạn Continental. Thậm chí, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới còn “cao niên” hơn và được công nhận là bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam.
Thế nhưng, những gì đang diễn ra trên thực tế đối với sự tu sửa hai công trình có tuổi đời trên một thế kỷ đều thuộc sở hữu nhà nước này lại rất khác nhau. Sau nhiều lần sửa chữa, khách sạn Continental vẫn là một trong các khách sạn đẹp ở Sài Gòn với kiến trúc đặc trưng. Nhưng không thể nói điều tương tự đối với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Trong lịch sử của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, khởi thủy do người Pháp lập ra, có lẽ lần tu sửa lớn nhất là vào năm 1972 khi tòa nhà chính sáu tầng được xây dựng còn tồn tại cho đến nay. Cách đây 10 năm khi bệnh viện kỷ niệm 150 năm ngày thành lập, quy hoạch xây dựng khoa khám bệnh mới được hình thành. Nhưng từ khi ấy đến giờ, kế hoạch đó vẫn còn nằm trên giấy. Hiện nay, theo vnexpress.net, dù là một bệnh viện đầu ngành, nhiều khu chức năng tại bệnh viện này rất tạm bợ(1). Khu khám gan vốn là một phần khuôn viên sân được che mái tôn xuyên qua cây xanh. Còn khoa cấp cứu, rộng chưa đầy 60 mét vuông, chỉ có sáu giường so với quy định là 20 giường.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới không phải là bệnh viện duy nhất lâm vào tình cảnh xuống cấp khiến bệnh nhân chịu khổ trong khi làm giảm chất lượng điều trị của nhân viên y tế. Gần đây, báo chí dẫn lời Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết thành phố hiện có ba bệnh viện chuyên khoa xuống cấp cần được đầu tư xây dựng lại ngay, gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới như nói ở trên, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Bệnh viện Tâm thần(2). Ông Thượng nhận xét, “Ở TPHCM, có lẽ Bệnh viện Tâm thần xấu nhất trong các bệnh viện. Rất tội người bệnh tâm thần”.
Thậm chí, ông Thượng còn cho rằng việc giải quyết sự xuống cấp của các bệnh viện này là một trong bảy thách thức cho ngành y tế TPHCM, “đòi hỏi phải có sự thay đổi về chính sách, cơ chế để giải quyết tận gốc rễ”.
Không rõ các bên có trách nhiệm sẽ giải quyết “tận gốc rễ” các vấn đề tồn tại như thế nào. Tuy nhiên, đối chiếu với những gì đang diễn ra với tham vọng biến TPHCM thành một trung tâm y tế của khu vực người ta sẽ thấy còn nhiều bất cập trong việc thực hiện điều mong ước “ích nước, lợi nhà” rất đẹp này.
Gần đây nhất và cũng đến từ cấp cao nhất, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng trong 10 đến 25 năm tới, trình độ phát triển của TPHCM phải ngang tầm với các thành phố lớn ở châu Á, là điểm đến của tầng lớp trung lưu, trí thức(3). Gắn với mục tiêu này, đến năm 2030, văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo và y tế ở Đông Nam bộ sẽ phát triển, đứng đầu cả nước. Xét tầm nhìn đến năm 2045, trình độ y tế của Đông Nam bộ - mà TPHCM là hạt nhân - thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.
Nếu đối chiếu các mục tiêu này với tiến độ giải quyết các vướng mắc về xây dựng ba bệnh viện nêu trên, e rằng chúng ta còn quá nhiều vấn đề. So với mốc 2030, chỉ còn tám năm, còn so với mốc 2045, cũng chỉ còn hơn hai thập niên. Thế mà, chỉ riêng chuyện xây khoa khám bệnh cho một bệnh viện chuyên khoa thuộc loại hàng đầu cả nước như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, hơn 10 năm vẫn chưa qua khâu thủ tục.
Chúng ta hãy nghe bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, tâm sự với vnexpress.net(4). Ông nói: “Tháng 11 bệnh viện kỷ niệm 160 năm thành lập, nhưng quy hoạch vẫn treo, ‘món quà’ xây khu khám bệnh mà lãnh đạo thành phố hứa tặng nhân kỷ niệm 150 năm thành lập đến giờ vẫn chưa được nhận”.
Theo bài báo của vnexpress.net, ông Hùng theo đuổi dự án này đã hơn 10 năm, từ khi ông mới được bổ nhiệm làm phó giám đốc. Đến nay, khi ông sắp về hưu, dự án vẫn chưa qua được giai đoạn thủ tục.
Thông thường, người ta đến khách sạn với lòng thư thái nhẹ nhõm trong khi gần như chẳng mấy ai muốn “viếng thăm” bệnh viện. Chúng ta có thể làm gì để giúp giảm bớt nỗi niềm này của bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân của ba bệnh viện nêu trên?
--------------
(1),(4)https://vnexpress.net/benh-vien-lau-doi-nhat-viet-nam-xuong-cap-4525074.html
(3)https://vnexpress.net/xay-dung-tp-hcm-tro-thanh-diem-den-cua-tang-lop-trung-luu-tri-thuc-4526922.html
Bệnh viện lớn ở TP đa số cũ, bệnh viện nào cũng kê thêm giường cho bệnh nhân nằm ở hành lang, bệnh nhân chen chúc ở khoa khám bệnh. Bây giờ xây mấy cái bệnh viện cũng không đủ cho người dân TPHCM.
Mỗi năm dân VN chi ra từ 4-5 tỷ USD để đi du học/ du lịch/ khám chữa bệnh ở nước ngoài. Mười năm là mất khoảng 40-50 tỷ. Năm mươi năm, hơn nửa thế hệ của một đời người, số tiền sẽ mất bao nhiêu ? Con số cho thấy sự tiêu tốn nguồn lực to lớn, nhưng cũng là lợi ích và lợi nhuận khủng. Điều này cho thấy, đầu tư hiệu quả nhất cho tương lai chính là đầu tư cho giáo dục và sức khỏe. Lợi ích vô cùng lớn về mặt dài hạn. Lẽ nào ta lại không nhận ra ?
Nếu để lo cho cuộc sống thì đã thấy sốt vó. Còn hơi sức đâu nữa mà lo nổi chi phí giáo dục và y tế ngày càng leo thang. Tư nhân, có đầu tư thì có lợi nhuận, họ chỉ nhắm đến làm dịch vụ và lấy lãi từ người nhiều tiền. Nếu không có đầu tư mạnh của nhà nước vào hai lĩnh vực này thì là nguy cơ cao đối với toàn xã hội.