Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chuyện về một người nuôi ngọc trai ở Phú Quốc 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyện về một người nuôi ngọc trai ở Phú Quốc 

Những viên ngọc lớn có giá đến hàng chục triệu đồng mỗi viên. Ảnh: Hoàng Vũ

(TBKTSG Online) - Trên đảo Phú Quốc hiện không còn được mấy người có vùng nuôi trai lớn như anh Hồ Phi Thủy (39 tuổi) ở thị trấn An Thới, bởi hầu hết vùng ven biển đảo này chưa có một quy hoạch cụ thể cho việc nuôi trai.

Vốn là một thanh niên từng phiêu bạt tha phương, kiếm tìm “manh áo chén cơm”, nhưng anh Thủy đã trở thành ông chủ một trại nuôi ngọc trai ở Phú Quốc lúc mới vừa tròn 32 tuổi.    

Chìm nổi cuộc mưu sinh   

“Quê tôi ở tận Quảng Nam, xuất thân trong một gia đình nghèo đông con, bị nhiều trận phong ba bão tố khiến làng quê trở nên xơ xác và đời sống gia đình tôi vô cùng thắt ngặt.

Năm lên 19 tuổi, khi học hết cấp ba vì không tiền thi vào đại học nên tôi đã một mình bước ra đời với hai bàn tay trắng, phiêu bạt khắp xứ tha phương cầu thực. Trải qua nhiều nghề làm thuê kiếm sống, 20 năm trước tôi dò tìm ra đến tận đảo Phú Quốc mưu sinh, với cái nghề thợ lặn săn bắt cá dưới biển”, anh kể.

Nghề lặn biển vô cùng nguy hiểm. Chỉ cần một sơ sẩy nhỏ là vùi thây dưới lòng biển lạnh. Ở độ sâu vài chục đến cả trăm mét nước, hơi thở vốn có của con người không thể nổi lên tới mặt. Lúc nổi lên mà quên giảm áp, ngưng nghỉ nhiều chặng thì cũng bị vỡ mạch máu, do nước biển chèn ép.

“Tôi làm nghề lặn chỉ vài năm thì đôi tai tôi bị thủng cả hai màng nhỉ”, anh Thuỷ cho biết. Thế rồi, dưới sức đánh bắt ào ạt của con người, sản phẩm biển ngày càng cạn kiệt, anh Thủy bỏ nghề.

“Càng về sau càng có nhiều người theo nghề nên cá càng ngày càng giảm đi. Thấy vậy tôi nhảy lên bờ làm nghề khác, vì không biết khi nào đến lượt mình tử vì nghề nữa!”, anh Thủy kể tiếp.

Người làm thuê trở thành ông chủ        

Anh Thủy bên những con trai chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: H.Vũ

Mấy năm bám nghề thợ lặn đầy nguy hiểm, anh đã dành dụm và mua được chiếc ghe cào, làm phương tiện chính khi đi lặn. Khi bỏ biển lên bờ thì anh bán chiếc tàu này cho một cơ sở nuôi cấy trai của người Nhật ở xã Dương Tơ và xin vào làm công ăn lương luôn cho cơ sở này.

Nhờ siêng năng và chịu khó học hỏi, anh được chủ cơ sở nuôi cấy ngọc này giao nhiệm vụ lặn biển, thăm dò và kiểm soát vùng nuôi, cũng như việc theo dõi cấy ngọc khi trai đến thời kỳ thích hợp.

“Từ việc gần gũi với những thợ nuôi trai và cấy ngọc lành nghề phía Nhật nên không lâu sau tôi đã nắm bắt được kỹ thuật cấy. Năm 1997, do kinh doanh ít hiệu quả và chịu ảnh hưởng từ cơn khủng hoảng tài chính ở châu Á, cơ sở nuôi trai lấy ngọc nơi tôi làm công bị giải thể. Nhưng làm thợ lặn đôi ba năm, tôi chỉ dành dụm được chút ít tiền nên khi cơ sở của người Nhật bị giải thể, tôi không đủ tiền mua lại”, anh nói vậy nhưng cũng cho biết thêm, tuy vậy, anh cũng mua được 5 bộ thiết bị cấy ngọc, một số lồng nuôi và chiếc tàu. “Từ đó tôi bám nghề luôn cho đến nay”, anh Thủy nói.

Bởi ít vốn, nên sau khi tiếp nhận thiết bị kỹ thuật cấy ngọc từ cơ sở của người Nhật, anh Thủy chỉ dám thả nuôi 3.000 con trai giống mua từ “bạn lặn” bắt ngoài thiên nhiên để thử nghiệm. Mẻ trai mở đầu này có đến 65% trai có thể cấy và cho ra ngọc thương phẩm.

Vài năm sau, ngọc trai cho lợi nhuận và có được bấy nhiêu vốn anh Thủy đổ hết vào việc mua sắm trang ngư cụ, thuê thêm nhân công nhằm mở rộng vùng nuôi. Với những vụ mùa bội thu sau đó, không lâu anh Thủy đã có “của ăn của để” khi vẫn còn sống độc thân.

“Nuôi được gần 15 tháng thì mới có thể cấy ngọc vào bộ phận sinh sản của trai. Rồi cũng gần 15 tháng nữa trai mới cho thu ngọc”, anh nói. Nhờ làm ăn thuận lợi nên chỉ trong 5 năm anh đã hình thành được vùng nuôi trai lớn cho riêng mình rộng 2 héc ta mặt nước biển.

Chưa an tâm, anh đã bỏ tiền thuê luôn một người Nhật làm cố vấn về kỹ thuật. Người này trước đây từng làm quản đốc của cơ sở nuôi trai mà anh làm công ở đó. Mỗi năm, ông này chỉ cần sang Phú Quốc xem vùng nuôi của anh một tuần lễ rồi về nước, với giá hàng ngàn đô la mỗi tháng. Chính vì thế, trai của anh nuôi liên tục thu về thắng lợi. Năm 2005 con trai đã mang về cho anh Hồ Phi Thủy khoản thu hơn 4 tỉ đồng. Sang năm 2007, lợi nhuận từ việc bán ngọc của anh Thủy cũng được khoảng 2,6 tỉ.

Hiện nay, cơ sở nuôi trai của anh có 30 lao động làm việc với mức lương tháng bình quân mỗi người hơn hai triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng anh Thủy còn có một nhà trưng bày sản phẩm ngọc trai tại khu du lịch bãi Trường (xã Dương Tơ) với hàng chục ngàn viên ngọc quý.

LÊ HOÀNG VŨ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới