Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cơ cấu kinh tế Việt Nam đáng báo động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cơ cấu kinh tế Việt Nam đáng báo động

Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Sau 30 năm Đổi mới, kinh tế tư nhân vẫn chiếm chưa tới 10% GDP, trong khi hai "trụ cột" là kinh tế nhà nước và kinh tế hộ gia đình, chiếm phần lớn trong GDP lại là khu vực có “vấn đề" nhất.

Cơ cấu kinh tế Việt Nam đáng báo động
Kinh tế tư nhân chiếm chưa đầy 10% GDP của nền kinh tế. Ảnh minh hoạ: TD

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho hay, GDP dựa chủ yếu vào thành phần kinh tế nhà nước (đóng góp 28%) và kinh tế hộ gia đình (32%). Nhưng đây là hai lực lượng có “vấn đề” nhất về năng lực.

Tại Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2018 diễn ra ngày 15-3, ông Thiên cho hay: “Cơ cấu kinh tế Việt Nam có vấn đề nghiêm trọng” và “đáng báo động”.

Khu vực hộ gia đình là lực lượng nhỏ bé, manh mún và yếu kém nhất trong khi kinh tế nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ lớn, nợ xấu nhiều, tiêu phí tài nguyên và nguồn lực quốc gia.

“Cả hai thành phần chủ yếu tạo GDP này đều có sức cạnh tranh yếu, khó là trụ cột bảo đảm cho nền kinh tế năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế thành công”, ông nói.

Trong khi đó, kinh tế tư nhân trong nước, tuy về nguyên tắc phải là lực lượng đóng góp chủ yếu vào GDP, thì sau 30 năm đổi mới, chỉ đóng góp chưa đến 10%.

Tình trạng “li ti hóa” doanh nghiệp thể hiện qua con số 95-96% tổng số doanh nghiệp hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Số doanh nghiệp vừa quá ít, chỉ chiếm 1,7% tổng số doanh nghiệp. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp tư nhân rất khó lớn, chậm lớn và cũng khó có lực lượng tốt để phát triển thành doanh nghiệp lớn.

Hiện nay quá ít các tập đoàn tư nhân lớn, càng ít tập đoàn lớn định hướng đầu tư sản xuất, chủ yếu lớn nhờ kinh doanh bất động sản. Các tập đoàn tư nhân lớn ít được quan tâm, hỗ trợ phát triển đúng hướng, vẫn bị “kỳ thị”, phân biệt đối xử sau 30 năm Đổi mới, vẫn chưa thể đóng vai trò là lực lượng trụ cột, dẫn dắt cạnh tranh, phát triển và định hình chân dung nền kinh tế.

Trong khi đó, khu vực FDI lại tương đối “ăn nên làm ra”, đóng góp 20% GDP với tốc độ gia tăng mang tính “áp đảo”. Khu vực FDI lớn mạnh nhanh như vậy là nhờ các doanh nghiệp này có thế mạnh vượt trội hơn hẳn các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam về thực lực tài chính, năng lực quản trị, sức mạnh thị trường, trình độ công nghệ và khả năng gia nhập chuỗi sản xuất toàn cầu.

Nhưng cũng có một lý do quan trọng không kém, thậm chí còn quan trọng hơn, theo ông Thiên là do họ biết dựa vào thế mạnh của mình để tận dụng những lợi thế và ưu đãi mà Việt Nam dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài những ưu đãi tự nhiên, về lao động, tài nguyên, địa lý, thị trường, còn có những ưu đãi chính sách về đất đai, thuế, cạnh tranh thu hút giữa các địa phương.

Những ưu đãi này không dành cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp Việt lại bị trói buộc, hạn chế bởi nhiều thể chế, chính sách và các thủ tục quy định đặc thù như lãi suất, tỷ giá…

Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp tư nhân ít có cơ hội tiếp cận được nguồn lực, nhất là đất đai và tài nguyên khác. Điều này là do phần lớn nguồn lực nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước đang chậm được cổ phần hóa.

Hơn nữa, với đặc điểm tổ chức sản xuất, kinh doanh nhỏ, phân tán, kỹ thuật lạc hậu, sức cạnh tranh yếu, doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể đã bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khi Việt Nam gia nhập WTO hàng chục năm trước.

Thời gian tới, trong bối cảnh cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ rào cản thương mại và mở cửa thị trường sâu hơn, rộng hơn theo các cam kết trong những Hiệp định FTA thế hệ mới, các doanh nghiệp khu vực này sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Mời đọc thêm:

Động lực nào cho kinh tế tư nhân phát triển?

Vị trí đặt bình chọn

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới