Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có chính sách nhưng khó thực hiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có chính sách nhưng khó thực hiện

Chế tạo máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Quy định không thiếu nhưng thực thi lại gặp nhiều bất cập, thậm chí còn làm nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Đó là ray rứt của những người trong cuộc khi nói về tình hình tiết kiệm năng lượng tại nước ta.

Vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm được bàn đến từ lâu nhưng nó chỉ được hợp pháp hóa vào năm 2003 tại Nghị định 102/2003/NĐ-CP của Chính phủ. Văn bản này đã đưa ra một loạt biện pháp khuyến khích, hỗ trợ trong việc triển khai sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Ví dụ, lĩnh vực sản xuất kinh doanh được hưởng các chế độ ưu đãi về thuế, vay vốn; lĩnh vực nghiên cứu phát triển được hỗ trợ đầu tư kinh phí… Thế nhưng, hầu hết những biện pháp khuyến khích ấy đều chậm đi vào cuộc sống do thiếu hướng dẫn cụ thể hoặc thiếu cơ chế thực thi hiệu quả.

Vừa thiếu tiền, vừa thiếu ưu đãi

Ông Phan Trịnh Anh Tuấn, Giám đốc tiếp thị Công ty cổ phần Khải Toàn, cho biết doanh nghiệp này đã đi tiên phong trong việc đầu tư công nghệ mới để sản xuất, cung cấp các sản phẩm đèn huỳnh quang compact tiết kiệm điện nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào về thuế, tài chính.

“Chúng tôi chưa thấy có văn bản nào quy định cụ thể về ưu đãi và do đó vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ thuế bình thường như những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác”, ông Tuấn khẳng định.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Trung tâm Phát triển năng lượng bền vững, cũng xác nhận hiện chỉ có thiết bị máy móc dùng cho thủy điện được ưu đãi thuế, trong khi những sản phẩm khác phục vụ cho việc tiết kiệm năng lượng được xem là thương phẩm và bị đánh thuế nhập khẩu với mức thuế cao. Ví dụ, mức thuế đối với thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời là 10%, pin ắc quy 25%…

Một trong những biện pháp quan trọng sử dụng năng lượng tiết kiệm được chính sách đưa ra là phát triển sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để tiết kiệm các nguồn năng lượng không tái tạo được. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học, giá thành cho việc phát triển sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo rất đắt. Chẳng hạn, để biến năng lượng mặt trời thành điện năng giá thành có thể đắt gấp vài chục lần so với nhiệt điện, thủy điện. Vì vậy, để phát triển sử dụng các nguồn năng lượng này, ngoài những biện pháp khuyến khích, Nhà nước còn phải hỗ trợ bằng kinh phí vì “có bột mới gột nên hồ”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lộc cho biết việc đầu tư cho năng lượng tái tạo gần như bị bỏ ngỏ trong một thời gian dài, chỉ gần đây mới có dấu hiệu khởi động nhưng kinh phí lại nhỏ giọt. Ông Lộc nói: “Trung Quốc và một số nước trong khu vực khi đề ra chính sách phát triển năng lượng tái tạo bao giờ cũng kèm theo hỗ trợ tài chính rất mạnh, rất thiết thực. Ở ta, chính sách thì có và đúng hết, chỉ tội thiếu tiền, thiếu cơ chế cụ thể và thực hiện theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm”.

Muốn được hỗ trợ cũng không dễ!

Kinh phí tài trợ cho tiết kiệm năng lượng đã ít, việc phân bổ, sử dụng lại càng gây bức xúc hơn. Nguồn kinh phí được rót từ ngân sách nhà nước hoặc tài trợ của nước ngoài và phân về tản mát cho một số bộ, ngành, cơ quan dưới hình thức các chương trình, dự án (kể cả Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm cũng không kiểm soát được những nguồn tài trợ này).

Sau khi tiếp nhận, cơ quan tiếp nhận sẽ lập ra một ban quản lý dự án để triển khai dự án cũng như phân bổ lại kinh phí cho các đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện sử dụng tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, để được hưởng tiền hỗ trợ không hề là chuyện đơn giản.

“Muốn nhận kinh phí hỗ trợ, phải có đường dây phần trăm, phết phẩy” – giám đốc một đơn vị nghiên cứu khoa học nói thẳng. Nhà khoa học này kể, ông từng được một vị lãnh đạo cao cấp dắt tay đưa đến một cơ quan “chủ xị” dự án, yêu cầu được giúp đỡ nhưng vẫn chẳng ăn thua. Ông nói:“Họ có đường dây sẵn hết cả rồi, người “ngoại đạo” như chúng tôi làm sao chen chân vào được!”.

Tiền hỗ trợ chẳng đáng là bao, lại bon chen mệt mỏi dẫn đến hệ quả các doanh nghiệp ít quan tâm đến tiết kiệm năng lượng. “Nếu có quan tâm thì chủ yếu do nhu cầu nội tại của họ chứ phần lớn không phải do sự hỗ trợ từ chính sách”, vị giám đốc nhận xét.

Khó bán vì độc quyền

Trong số các nguồn năng lượng tái tạo, theo Tiến sĩ Phúc, có khả năng phát triển nhất hiện nay là năng lượng gió. Với hơn 3.200 cây số chiều dài bờ biển, tiềm năng về điện gió ở nước ta rất dồi dào. Thế nhưng, ngay cả một bản đồ gió quốc gia phục vụ cho việc phát triển nguồn năng lượng này đến nay cũng chưa có và chưa được Chính phủ quan tâm. Các doanh nghiệp, vì vậy, nếu muốn đầu tư phát triển phải tự mày mò, khảo sát, làm tăng chi phí không cần thiết.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các nhà đầu tư vẫn là cơ chế độc quyền trong việc mua bán điện. Tiến sĩ Lộc cho biết nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước rất quan tâm đến việc đầu tư vào ngành năng lượng nhưng khi thương thảo giá mua bán điện với tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) họ đều bỏ cuộc vì không tìm được tiếng nói chung.

Ví dụ, một số dự án nhà máy điện gió tiến hành từ ba, bốn năm nay ở Bình Định, đến nay vẫn đang bị kẹt do chưa thỏa thuận được về giá bán với EVN. Đã từng có nhiều ý kiến băn khoăn, trong danh mục các nhà máy điện đưa vào vận hành giai đoạn 2006-2015 do ngành điện đưa ra không hề có một công trình điện độc lập nào sử dụng năng lượng tái tạo, dù chỉ vài chục megawatt.

Trong khi việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo có vẻ bế tắc thì biện pháp thiết thực nhất, theo các chuyên gia, vẫn là tiết kiệm điện. Trên thực tế đã có khá nhiều văn bản quy định về vấn đề này, tuy nhiên, cũng như vấn đề năng lượng tái tạo, việc thực thi vẫn còn hình thức, chưa có một chuyển biến nào đáng kể.

“Tôi chỉ lấy một ví dụ. Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, có ba nhà máy điện chạy bằng khí đốt, công suất bằng nhau. Nhà máy của nước ngoài chỉ có 60 nhân viên vận hành trong khi đó nhà máy của EVN có tới 600 người. Làm sao có thể tiết kiệm với chi phí cho bộ máy khổng lồ như thế?”, Tiến sĩ Phúc nói.

Giáo sư Phạm Duy Hiển trong bài viết “Phát triển năng lượng bền vững là vấn đề sống còn của chúng ta” (cuốn “Bằng chứng và lý giải”, tác giả Phạm Duy Hiển, Nhà xuất bản Trẻ, 2007) cũng cho rằng tổn thất điện ở Việt Nam với tỷ lệ khoảng 15,8% (năm 2005) là quá cao so với tỷ lệ của nhiều nước trên thế giới chỉ vào khoảng 7-9%.

Và trong năm năm tới, nếu giảm bớt tổn thất 1% Việt Nam sẽ dôi ra 3,4 GWh, tương đương với sản lượng của một nhà máy có công suất 500-600 MW.

NGUYÊN TẤN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới