(KTSG Online) - Dù giá vé máy bay tăng cao trong thời gian vừa qua, nhưng các doanh nghiệp hàng không vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi giá nhiên liệu và các chi phí cấu thành giá vốn ở mức cao. Để 'hạ nhiệt' giá vé máy bay cần giải quyết nhiều vấn đề nên khong phải là chuyện một sớm một chiều.
- Có đúng là giá vé máy bay Thái Lan rẻ do được trợ giá?
- Kích cầu du lịch nội địa dễ ‘mất đà’ khi vé máy bay chưa hạ nhiệt
Đây là nội dung được một số chuyên gia và đại diện các hãng hàng không chia sẻ tại Hội thảo “Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?” do báo Thanh niên tổ chức tại TPHCM vào sáng ngày 17-5.
Du lịch ảnh hưởng bởi giá vé máy may
Nhiều chuyên gia cho rằng dù kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua kéo dài tới 5 ngày nhưng số lượng du khách đi đường hàng không đến một số địa phương giảm. Nhiều gia đình quyết định nghỉ lễ tại gia do giá vé máy bay tăng cao, khiến câu chuyện giá vé máy bay đắt đỏ trở thành vấn đề đuợc rất nhiều nguời quan tâm, thậm chí bức xúc.
Thực tế, việc giá vé máy bay tăng cao đã được nêu ra vào thời điểm năm 2023. Trong đó, Phú Quốc là điểm đến chịu ảnh hưởng rõ rệt và nặng nề nhất. Lãnh đạo Phú Quốc đã nhiều lần giải thích về việc khách du lịch sụt giảm do giá vé máy bay quá cao.
Ông Trần Văn Linh, Trưởng phòng quản lý du lịch thuộc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, Phú Quốc là một trong những địa phương có giá vé máy bay tăng cao nhất so với các địa phương khác. Các đường bay nội địa ở trong nước có giá vé rẻ hơn so với đường bay đến Phú Quốc. Vừa qua, các đường bay đến Phú Quốc năm 2023 là có khoảng 11 điểm đường bay kết nối nơi đây. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 3 điểm đường bay là Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng. Còn những nơi khác, các hãng bay đã tạm dừng do vắng khách. Nguyên nhân là do tác động từ giá vé và giá dịch vụ ở Phú Quốc khá cao.
Năm 2024, Phú Quốc rất kỳ vọng thu hút khách nội địa. Tuy nhiên, qua số liệu thống kê của 4 tháng đầu năm nay, số lượng khách đến địa phương chỉ tăng khoảng 7,6%. “Giá vé tăng cao đã ảnh hưởng rất nhiều sức hút du lịch, giảm lượng khách đi bằng hàng không đến Phú Quốc”, ông Linh cho hay.
Về thực trạng giá vé máy bay cao ảnh hưởng đến du lịch, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng cho biết cùng với Đà Nẵng, Quảng Nam được đánh giá là một trong những trung tâm du lịch của cả nước. Địa phương này hầu như đón lượng khách ở hai đầu đất nước chủ yếu bằng đường hàng không. Dù chưa có thống kê nhưng lượng khách đường hàng không giảm, có thể giảm sâu.
Những năm trước dịch, cách một tháng, hầu như các cơ sở lưu trú lấp đầy 80-90% nhưng dịp lễ vừa qua, cách 10 ngày, các cơ sở vẫn còn khó khăn. Do đó, các cơ sở bắt đầu tăng các gói kích cầu đối với khách nội địa vùng đi bằng tàu lửa, ô tô, tăng khách nội vùng để có thể lấp đầy khoảng trống của khách hàng không.
Giá vé cao nhưng hãng bay vẫn lỗ
Bên cạnh giá vé máy bay tăng cao khiến lượng khách du lịch nội địa giảm, hiện đã có khá nhiều thông tin công bố từ các bên liên quan về cơ cấu giá vé máy bay, Cục hàng không cũng có những kết luận đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cảm thấy hoang mang, không hiểu tại sao khách hàng kêu giá vé đắt đỏ nhưng “sức khỏe” của các hãng hàng không vẫn đang hết sức trầm trọng.
Đơn cử như hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), dù lãi đậm trở lại trong quý 1 vừa qua nhưng vẫn còn khoản lỗ lũy kế đến 36.742 tỉ đồng sau một thời gian dài hoạt động lợi nhuận âm. Lãi quý 1 của Vietnam Airlines chủ yếu đến từ khoản “thu nhập khác”. Theo đó, phần lớn đến từ mức “xoá nợ” 3.030 tỉ đồng và thanh lý, nhượng bán tài sản cố định hơn 568 tỉ đồng, không phải từ giá vé đắt đỏ như nhiều người vẫn nghĩ.
Ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines thông tin, hiện tại ngành hàng không thế giới và Việt Nam chỉ có lãi khoảng 1 đô la/khách. Nếu gặp các yếu tố thời tiết bất lợi như mưa giông - phải bay vòng một chút thì lợi nhuận 1 đô la nêu trên cũng bay theo. Nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng là do chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 76% - 77%. Các khoản chi phí này nằm ngoài tầm kiểm soát không chỉ riêng của Vietnam Airlines mà chung cho các hãng hàng không.
"Như so với năm 2019, giá xăng năm nay tăng 5.700 tỉ đồng và chi phí tỉ giá biến động tăng thêm 4.700 tỉ đồng. Tổng mức tăng do chi phí nhiên liệu lên tới khoảng 11.000 tỉ đồng. Khoản tăng này nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi cũng như tất cả hãng hàng không", ông Tuấn nói.
Đối với hãng hàng không VietJet, dù có hoạt động sôi nổi và lạc quan nhất nhưng lợi nhuận quý 1 của hãng tăng mạnh là nhờ các tuyến quốc tế. Thời gian qua, VietJet liên tục mở rộng đường bay, nhất là quốc tế. Chuyến bay nội địa chưa thể gánh nổi những “di chứng” mà đại dịch Covid- 19 gây ra và tiếp đó là khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kéo dài khó khăn cho đến tận bây giờ.
Còn với hãng hàng không Bamboo Airways, đơn vị vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, thu hẹp chỉ còn 7-8 tàu bay, thậm chí dừng khai thác các chặng bay ít hiệu quả. Pacific Airlines đã trả hết tàu bay từ cuối tháng 3 năm nay, ông Dũng cho biết thêm.
Ông Lê Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc hãng hàng không Vietravel Airlines cũng thừa nhận, từ đầu năm đến nay, giá vé máy bay từ có tăng. Tuy nhiên, điều này không giúp các hãng hàng không có bước đột phá trong giai đoạn hồi phục mà hầu hết các hãng bay tại Việt Nam hiện vẫn rất khó khăn.
Đề xuất điều chỉnh giá trần theo chí phí đầu vào
Theo ông Nguyễn Bác Toán, Phó Tổng giám đốc thương mại hàng không VietJet, có nhiều nguyên nhân khiến giá vé máy bay đẩy lên cao. Nguyên nhân đầu tiên là do chi phí nhiên liệu. Cụ thể, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40-50% chi phí vận hành của hãng hàng không, trong khi đó năm nay, giá xăng tăng 20-25%.
Cùng với đó là áp lực chuyển sang các nhiên liệu thay thế (sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường) đã góp phần khiến chi phí gia tăng. Đến năm 2025, các doanh nghiệp phải theo những chỉ số của thế giới là Carbon Zero. Điều này cũng tạo áp lực chi phí nhiên liệu đến các hãng hàng không
Thứ hai là do tình trạng thiếu tàu bay và linh kiện thay thế do chuỗi cung ứng bị đứt gãy sau dịch Covid-19. Các nhà sản xuất động cơ máy bay yêu cầu các hãng phải đưa tàu bay đi sửa các lỗi, khiến một số tàu bay phải nằm bãi, giảm 15 - 20% tàu bay.
Thứ ba là tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao cho ngành hàng không. Sau dịch Covid-19, nhân lực ngành hàng không và du lịch chuyển sang các ngành nghề khác.
Thứ tư là tình hình chính trị biến động tại một số khu vực trên thế giới, đã tạo áp lực chi phí cho ngành hàng không khi mà khu vực chúng ta có đến 85% chi phí sử dụng ngoại tệ.
Cuối cùng là nhu cầu của khách hàng, chi tiêu cho ngành hàng không đang giảm. Từ tháng 10-2023, hãng bay này đã đo đếm thị trường nội địa và nhận thấy rằng chi tiêu cho hàng không giảm xuống còn 15-20%.
Để có được giá vé máy bay hợp lý, ông Trương Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways đề xuất cần có mức giá trần linh hoạt theo chi phí xăng dầu thế giới. Không nên cứng nhắc để công bằng với cả hãng hàng không và người tiêu dùng.
Hiện các hãng bay không còn nhiều như trước nên ông Cường mong muốn Chính phủ có thể xem xét điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ các hãng hành không trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Giá xăng dầu sẽ luôn luôn ở mức cao trong nhiều năm tới. Do tình hình xung đột chính trị ở một số khu vực trên thế giới nên sẽ khó giảm xuống mức giá xăng dầu như những năm 2017-2018.
Ngoài ra, quy trình điều hành ở cảng cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Theo đó, máy bay ngày càng hiện đại, công nghệ ngày càng cao. Vận tốc bay nhanh hơn nhưng thực tế, hiện thời gian bay lại không thể rút ngắn. Hạ tầng sân bay và mật độ khai thác quá cao đã ảnh hưởng rất lớn thời gian bay của các hãng. Nếu thời gian được rút ngắn, các hãng hàng không có thể khai thác nhiều hơn, tăng doanh thu cao hơn, từ đó chi phí được giảm xuống. Doanh nghiệp hàng không cũng đỡ khó khăn hơn.