Chủ Nhật, 29/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cổ đông HAGL lo lắng với tin đồn hủy niêm yết cổ phiếu

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thông tin về việc cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc đã dẫn tới hệ luỵ tiêu cực cho giá cổ phiếu và quyền lợi của cổ đông. Chính vì vậy, mới đây các cổ đông của doanh nghiệp này tỏ ra lo lắng và đã gửi đơn kêu cứu lên cơ quan chức năng.

Mới đây, nhóm cổ đông của HAGL đã có đơn kêu cứu gửi Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE về tin đồn cổ phiếu HAG của Công ty HAGL có nguy cơ bị hủy niêm yết. Đây là nhóm cổ đông đầu tư vào HAGL sau ngày phát hành báo cáo kiểm toán 2020 (tháng 4-2021).

Nhiều cổ đông của HAGL lo lắng sau thông tin doanh nghiệp có nguy cơ bị hủy niêm yết. Ảnh minh họa: DNCC

Nhóm cổ đông này khá bất ngờ và bức xúc trước thông tin HAGL phải đối mặt với án hủy niêm yết tại thời điểm này. Theo họ, việc HAGL làm ăn thua lỗ đã xảy ra vào thời điểm trước đó mà không thấy cơ quan nhà nước áp dụng hình phạt. Nếu biết có tình trạng này xảy ra thì các cổ đông sẽ không dám mua. Nhóm cổ đông này đề nghị cơ quan chức năng phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng về vấn đề hủy hay không hủy niêm yết cổ phiếu HAG để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.

Theo quan điểm phản biện của cổ đông, Nghị định 155/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31-12-2020 hướng dẫn Luật chứng khoán, tại Điều 120 khoản 1, điểm e thì không có quy định hồi tố lỗ. Cùng với đó, Báo cáo tài chính hồi tố 2017, 2018, 2019 không có kiểm toán và không có giá trị pháp lý để xem xét để hủy niêm yết hay không.

Công ty công bố báo cáo tài chính 2020 có kiểm toán và nội dung hồi tố từ tháng 3-2021 nhưng tại sao gần 10 tháng sau mới có tin thông báo hủy? Nếu HoSE tiến hành hủy đột ngột như vậy làm thiệt hại rất lớn cho cổ đông hiện nay, đặc biệt những người đã mua cổ phiếu HAG sau thời điểm tháng 3-2021 căn cứ vào Báo cáo tài chính quý HAG gần đây có lãi.

“Chúng tôi, là những cổ đông đã đầu tư sau thời điểm phát hành Báo cáo tài chính đã kiểm toán 2020 (vào tháng 4-2021) và không hề thấy cảnh báo nào từ các cơ quan quản lý, sao giờ lại lôi chuyện cũ ra xem xét?...", ghi nhận từ đơn kêu cứu.

Các cổ đông này đặt vấn đề, các quy định pháp luật đặt ra để bảo vệ nhà đầu tư nhưng nay HAGL làm ăn có lãi mà hủy niêm yết HAG sẽ làm đến thiệt hại cho các nhà đầu tư hiện tại. Nếu vận dụng các quy định pháp luật chưa thấu đáo, dễ dẫn đến các kiện tụng sau đó, giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước khi ra văn bản xử lý.

Có được sự đồng thuận của cổ đông, trước đó phía HAGL đã chủ động kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì niêm yết trên HoSE. Doanh nghiệp cũng xin kiến nghị của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và HoSE để không hủy niêm yết cổ phiếu HAG trên HoSE.

"Giai đoạn 2017-2019 các cổ đông cũ cũng đã không còn gắn bó với HAGL. Hiện, các cổ đông nắm giữ HAG là những cổ đông mới, họ tin tưởng vào kế hoạch kinh doanh của HAGL ở hiện tại và triển vọng tương lai chứ không căn cứ vào thông tin tài chính trong quá khứ", Công ty cho biết.

Tình hình sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc của HAGL đã cơ bản thanh toán phần lớn khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng, xử lý phần lớn khoản đầu tư không hiệu quả như thanh lý các công ty con thuộc ngành nông nghiệp, thủy điện và khoáng sản... Bên cạnh đó, các chỉ tiêu tài chính dần cải thiện, hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1 (có khả năng tài chính để thanh toán ngay các khoản nợ ngắn hạn). Từ 2020 đến nay đã có những bứt phá trong kinh doanh; năm 2021 đã có lãi trở lại.

Dựa trên lợi nhuận năm 2021 là 184 tỉ đồng, năm 2022, HAGL đặt kế hoạch doanh thu tăng mạnh lên 4.820 tỉ đồng, tương ứng thu về mức lãi ròng cao gấp gần 10 lần, lên 1.120 tỉ đồng. HAGL đặt mục tiêu năm 2023 sẽ xoá lỗ lũy kế.

HAGL cũng kiến nghị UBCKNN, HoSE cho phép HAGL áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy theo HAGL sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được xáo trộn lớn trên thị trường.

Trong hai phiên gần đây, cổ phiếu HAG cũng có những diễn biến đáng chú ý. Phiên 14-2, mã này giảm sàn từ đầu phiên và kết phiên với dư bán sàn hơn 15 triệu cổ phiếu. Qua phiên 15-2, tuy cổ phiếu HAG tiếp tục nằm sàn buổi sáng nhưng từ đầu phiên chiều đã được "giải cứu" nhờ lực mua mạnh. Kết phiên, cổ phiếu dừng ở mức giá 11.650 đồng (tăng 0,87%), khối lượng giao dịch gần 38,6 triệu cổ phiếu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới