Có được tiền bảo hiểm xe máy cũng... khổ ải trăm bề
Trần Nguyễn Phước Thông(*)
(TBKTSG Online) - Mặc dù lợi ích cơ bản của bảo hiểm xe máy đã được nêu rõ nhưng khi xảy ra tai nạn, việc yêu cầu đòi bồi thường đối với công ty bảo hiểm không hề dễ dàng, gây khó khăn trực tiếp đến người dân.
Người dân lo cảnh sát giao thông, bảo hiểm xe máy 'được mùa'
Bảo hiểm xe máy được bán nhiều dọc các con đường tại TPHCM. Ảnh minh họa T.Triều. |
Tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là nghĩa vụ bắt buộc và cần thiết đối với người tham gia giao thông vì giúp đảm bảo quyền lợi của người gặp rủi ro trong các vụ tai nạn giao thông. Xét ở một góc độ nhất định, loại bảo hiểm này giúp cho người tham gia giao thông có trách nhiệm với tai nạn đã xảy ra theo mức trách nhiệm của bảo hiểm đã tham gia và không bị truy cứu hình sự vì mất khả năng bồi thường cho chủ thể khác.
Do đó, có thể thấy mục đích của nó đã đáp ứng mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội được quy định tại điều 8 của Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2010.
Và khi loại bảo hiểm này được quy định là bảo hiểm bắt buộc tại khoản 2 điều 8 của Luật Kinh doanh Bảo hiểm thì đây không còn là quyền của chủ xe cơ giới nữa mà là nghĩa vụ buộc phải thực hiện. Tham gia bảo hiểm này chính là bạn đã chấp hành đúng chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước và Luật Giao thông đường bộ.
Nhiều bất cập cần thay đổi
Tuy nhiên, có một vấn đề bất cập về cơ chế yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm bảo hiểm.
Thứ nhất, về việc giám định thiệt hại, theo như điều 11 thông tư 22/2016/TT-BTC thì khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe cơ giới, bên thứ ba hoặc người đại diện hợp pháp của các bên liên quan thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất.
Kết quả giám định phải lập thành văn bản có chữ ký của các bên liên quan. Doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm về chi phí giám định.
Mặc dù có quy định về việc giám định thiệt hại như vậy nhưng trên thực tế, theo người viết được biết, hiếm có công ty bảo hiểm nào chịu thực hiện quy định này.
Đa phần, khi người mua bảo hiểm xe máy xảy ra tai nạn giao thông và gọi điện lên doanh nghiệp bảo hiểm để yêu cầu được bồi thường thì sẽ được yêu cầu cung cấp một loạt các hồ sơ cần thiết để chứng minh thiệt hại.
Rõ ràng, theo điều 17 của Luật Kinh doanh Bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Ở thời điểm hiện tại, khi các công ty bảo hiểm không tự mình thực hiện nghĩa vụ giám định thiệt hại, không phối hợp giúp đỡ người dân trong việc giải quyết yêu cầu đòi bồi thường thì rõ ràng đã cho thấy sự thiếu trách nhiệm của họ.
Thứ hai, một vấn đề khác cũng gây khó khăn cho người mua bảo hiểm xe máy trong vấn đề yêu cầu đòi bồi thường là việc cung cấp hồ sơ bồi thường.
Theo quy định của Thông tư 22/2016/TT-BTC thì bên cạnh việc cung cấp các giấy tờ cơ bản như giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc các giấy tờ tuỳ thân khác của lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm để chứng minh thiệt hại về người, chủ xe cơ giới phải cung cấp một hoặc một số các tài liệu như giấy chứng thương, giấy ra viện, giấy chứng nhận phẫu thuật, hồ sơ bệnh án, giấy chứng tử (trong trường hợp nạn nhân tử vong).
Để chứng minh thiệt hại về tài sản, chủ xe cơ giới phải cung cấp các tài liệu như hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra mà chủ xe thực hiện tại các cơ sở do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định hoặc được sự đồng ý của doanh nghiệp bảo hiểm; các giấy tờ chứng minh chi phí cần thiết và hợp lý mà chủ xe đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
Thêm vào đó, hồ sơ bồi thường cần có thêm bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn như biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn, sơ đồ hiện trường, bản ảnh (nếu có), biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn, thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông…
Có thể thấy có quá nhiều các loại giấy tờ mà chủ xe cơ giới phải cung cấp trong hồ sơ bồi thường để gửi cho công ty bảo hiểm. Quá trình để tìm đủ các loại giấy tờ này là một vấn đề không nhỏ, gây phiền hà và tốn thời gian của người mua bảo hiểm.
Đây có thể nói là một ải khó khăn của chủ xe cơ giới trong hành trình yêu cầu công ty bảo hiểm thực hiện việc bồi thường trong khuôn khổ hợp đồng bảo hiểm đã ký kết.
Dẫu cho những quy định khắt khe này là để tránh tình trạng trục lợi bảo hiểm nhưng theo tôi, thủ tục và hồ sơ trong vấn đề này thực sự nhiêu khê và đầy bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người mua bảo hiểm.
Hậu quả là rất nhiều chủ xe cơ giới vì không thể thu thập đủ chứng cứ, tài liệu để chứng minh thiệt hại của bản thân nên đã không thể yêu cầu việc thanh toán bảo hiểm theo đúng quyền lợi của người tham gia.
Khi việc chi trả không được công ty bảo hiểm giải quyết thỏa đáng thì việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới chỉ mang tính đối phó với lực lượng chức năng trong mùa ra quân này và không hề đáp ứng ý nghĩa và mục tiêu ban đầu là vì bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội.
Nếu một loại hình bảo hiểm không thể bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân thì chắc chắn không thể bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn của xã hội được.
Thiết nghĩ, cần có cơ chế pháp lý nghiêm khắc hơn đối với nghĩa vụ của công ty bảo hiểm trong việc phối hợp với chủ xe cơ giới để thu thập các loại giấy tờ cần thiết cho hồ sơ bồi thường.
Không thể để người dân cứ phải tự đi thu thập đầy đủ các tài liệu chứng minh cần thiết mới được giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Tác giả cho rằng thủ tục chi trả bảo hiểm cần được thực hiện nhanh chóng và mang tính hỗ trợ nhiều hơn từ doanh nghiệp bảo hiểm, các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến vụ tai nạn nhằm hỗ trợ người dân gặp rủi ro kịp thời nhất.
(*) Học viện Tư pháp TPHCM