Nhận thấy tiềm năng từ nông sản sạch của đồng bào dân tộc Cơ Tu quê mình, chị Cor Thị Nghệ (32 tuổi) không dừng ở bước thu mua mà còn thành lập hợp tác xã, cơ sở sản xuất để đưa nông sản đến mọi miền đất nước.
- Cô gái Jrai và khát vọng giữ lửa cho trang phục truyền thống
- Rời công việc kế toán để nối nghiệp gia đình làm bánh tráng truyền thống
Chị Nghệ, ngụ thôn Ating, xã Gari, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho hay mình đến với nghề thu mua nông sản cũng khá tình cờ. Năm 2015, sau khi tốt nghiệp trường trung cấp sư phạm, chị loay hoay mãi mà vẫn chưa kiếm được việc. Cộng thêm gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chị quyết định không đợi việc mà chọn khởi nghiệp bằng chiếc xe máy cũ kỹ góc nhà.
Ngày nào đi thu mua, chị phải chạy hơn 100km từ huyện, chở vật dụng thiết yếu đến xã Gary bán cho bà con Cơ Tu và thu mua ngược lại nông sản của họ chở về huyện. Trung bình mỗi tuần, chỉ có 2-3 chuyến hàng như vậy, cho thu nhập khoảng 300.000 đồng/chuyến.
Trong những lần thu mua nông sản từ bà con Cơ Tu, chị nhận thấy chất lượng nông sản tốt, tạo được sự tin tưởng với khách hàng nên chị về bàn bạc với gia đình chuyển qua hẳn khâu trồng trọt thay vì thu mua.
Chị vay ngân hàng 600 triệu đồng để đầu tư hệ thống máy sấy nông sản, trồng 2ha cam bản địa, 1ha táo mèo, 1ha bưởi da xanh. Ngoài ra, chị còn mở một quầy hàng nhỏ bán nông sản, thổ cẩm vùng cao tại TP Đà Nẵng. Đó là những mặt hàng của bà con dân tộc Cơ Tu, thực phẩm đặc sắc như thịt trâu gác bếp, thịt heo xông khói, bắp nếp, dứa mật…
Chia sẻ về lý do khởi nghiệp nông sản, chị cho hay do nhận thấy người dân thành thị đứng trước nhiều mối lo về thực phẩm bẩn hoặc hóa chất, trong khi sản phẩm sạch từ người miền núi lại ít được chú trọng. Thế nên, chị cùng gia đình mong muốn là cầu nối để ai ai cũng có thể tiếp cận và mua dùng thực phẩm, nông sản sạch.
Qua thời gian tìm hiểu, một trong những mặt hàng nông sản như chuối, dứa do bà con trồng trọt không có đầu ra, để lâu thì hư, gây lãng phí. Chính vì vậy, chị tiến thêm một bước nữa là thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Rừng Xanh Rau Sạch vào tháng 12 năm 2021 với 21 thành viên.
Hiện nay, hợp tác xã đang triển khai kế hoạch trồng ớt (1ha), chuối các loại (1ha), dứa mật (1ha), và mỗi chuyến “hạ sơn”, thu về 40 – 50 triệu đồng (vốn bỏ ra là 20 triệu đồng). Thông thường, đầu ra của nông sản chính là ở các hội chợ kết nối giao thương. Với những mặt hàng cần sấy gấp mà trời không có nắng thì chị cho lại tận dụng máy sấy nông sản. Đó là măng rừng, táo mèo, chuối rừng, ớt, thịt bò, thịt heo… vừa bảo đảm chất lượng, vừa bảo quản lâu hơn.
Tâm sự về những thành công nhất định khi chọn khởi nghiệp nông sản cùng đồng hương Cơ Tu, chị Nghệ cho rằng đó không chỉ là may mắn mà là cả sự cố gắng suốt mấy năm qua. “Không phải hội chợ nào cũng bán được hàng, chưa kể, chi phí phát sinh thêm ở những mặt hàng cồng kênh, vận chuyển xa nên khi bán xong thì thậm chí bị lỗ. Nhưng nghĩ đến niềm vui lan tỏa nông sản và thực phẩm của người miền núi đến được người thành thị thì mọi vất vả như tan biến”, chị cho biết.
Đến nay sau gần 1 năm vận hành, hợp tác xã vẫn đang từng bước hoàn thiện các quy trình để mang đến các loại sản phẩm sạch, an toàn, góp phần phát triển kinh tế cho người miền núi. “Dù chỉ mới vận hành nhưng tôi cam kết từng sản phẩm bán ra đều bảo đảm các tiêu chí về nguồn gốc, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm”, chị nhấn mạnh.
Tây Giang là một huyện miền núi biên giới Việt – Lào, thuộc tỉnh Quảng Nam. Từ lâu, người đồng bào Cơ Tu nơi đây đã sở hữu kho tàng văn hóa truyền thống phong phú, đậm nét bản sắc. Bên cạnh đó, nguồn nông sản của họ được người tiêu dùng đánh giá cao bởi do cách trồng và thu hoạch tỉ mỉ, chỉn chu.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị