Thứ bảy, 5/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội chuyển đổi nhân lực trong mối quan hệ Việt – Nhật: Thu nhập lao động Việt tại thị trường Nhật nói lên điều gì?

Dương Văn Bình (*) - Trần Hương Giang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong chính sách đưa người lao động Việt Nam đến Nhật Bản làm việc, một trong những mục tiêu được đặt ra là thúc đẩy chuyển đổi chất lượng nhân lực Việt. Thu nhập của người lao động là một trong những chỉ dấu quan trọng cho tiến trình dịch chuyển này.

Người lao động Việt quyết định đến Nhật làm việc phần nhiều vì bị hấp dẫn bởi mức lương cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với cùng công việc tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, lương cao có đồng nghĩa với việc người lao động nâng cao được năng lực hay không vẫn cần phải làm rõ.

Một lao động người Việt đang làm việc tại một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô ở Nhật Bản.
Ảnh: Ft.com

Thu nhập cao có đồng nghĩa với năng lực cao?

Thu nhập lao động tại Nhật Bản cao chủ yếu do mức sống tại đất nước mặt trời mọc này cao; hơn nữa, do nắm được những khâu giá trị gia tăng lớn, nền kinh tế Nhật Bản có thể tạo ra giá trị GDP cao thứ 4 thế giới. Lao động Việt Nam khi tham gia làm việc tại thị trường Nhật Bản nếu có thể học tập quy trình hoặc tiếp nhận công nghệ của họ để cải thiện năng suất cũng là một cách rất hay để nâng cao chất lượng lao động.

Để biết được khả năng học tập của lao động Việt Nam trên đất nước Nhật Bản thông qua chỉ số tiền lương, đánh giá khoảng cách tiền lương giữa lao động nhập cư và lao động Nhật Bản trong cùng một lĩnh vực là một cách. Nếu khoảng cách không lớn hoặc bằng nhau, điều đó cho thấy lao động Việt Nam cũng được giao thực hiện những công việc có tính chất tương đương với lao động Nhật Bản.

Trong hơn ba mươi năm qua, “Thực tập kỹ năng” là chương trình phát triển mạnh và đưa được nhiều người Việt Nam qua Nhật Bản làm việc nhất. Tuy nhiên, đây lại là chương trình có sự chênh lệch rất lớn trong thu nhập giữa lao động nhập cư và lao động Nhật Bản. Thực tập sinh làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật và sản xuất thu hút nhiều lao động Việt Nam và được kỳ vọng sẽ giúp chuyển đổi năng lực nhất, nhưng mức lương trong hai khu vực này thấp hơn rất nhiều so với lao động bản xứ, chênh lệch ở mức 31,3% và 23%. Trên thực tế, thực tập sinh được xem là học việc nên có mức lương thấp hơn lao động chính thức, và họ thường đảm nhận những công việc thô sơ, thủ công, không đòi hỏi trình độ và ít cơ hội học tập.

Khi Nhật Bản thật sự khát nhân lực nhập cư trước bối cảnh dân số ngày càng già, Việt Nam hoàn toàn có thể đàm phán một số điều kiện để thúc đẩy quá trình chuyển đổi chất lượng nhân lực diễn ra thực chất và có kết nối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam để có thể hấp thụ tốt nguồn lao động Việt đã được đào tạo sau khi về nước.

Chương trình “Kỹ năng đặc định” dù chỉ mới có mặt trong sáu năm gần đây nhưng đã thể hiện sự tối ưu hơn rất nhiều trong việc rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức lương giữa lao động nhập cư và lao động bản xứ. Mặc dù ở chương trình này, lương của lao động nhập cư thấp hơn lao động bản xứ từ 7-15%, nhưng mức chênh lệch này đã được cải thiện rất nhiều so với chương trình Thực tập kỹ năng. Hơn nữa, việc ít chênh lệch trong các lĩnh vực kỹ thuật và dịch vụ văn phòng cũng là một tín hiệu tốt cho thấy cơ hội học tập cho nhân lực Việt Nam đối với các chương trình làm việc này. Thực tế, chương trình Kỹ năng đặc định có yêu cầu người lao động nhập cư phải tham gia đào tạo để lấy chứng chỉ trước khi làm và tập trung nhiều ở nhóm ngành có giá trị chuyển giao tri thức.

Chương trình “Tuyển dụng lao động bậc kỹ sư và chuyên gia lành nghề” được thực hiện chính bởi các doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản. Đây là chương trình được kỳ vọng đem lại khả năng chuyển giao công nghệ và trao đổi tri thức tốt nhất. Mức lương của lao động trong lĩnh vực này ít chênh lệch với lao động bản xứ, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật và văn phòng (thấp hơn chỉ 2,3%). Các công ty khi tuyển kỹ sư và chuyên gia cũng đòi hỏi cao hơn về trình độ cũng như một số kỹ năng mềm đặc thù công việc. Bên cạnh đó, sự trân trọng và những cam kết về đào tạo chuyên môn cũng được các doanh nghiệp đề xuất ngay từ giai đoạn đầu tuyển dụng ở Việt Nam.

Giải pháp nào để thu nhập đi liền với năng lực lao động Việt?

Hơn 30 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, hiệu quả giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho các hộ gia đình có người lao động làm việc tại Nhật Bản là điều có thể dễ dàng nhận ra. Nhưng việc cải thiện năng lực người lao động trong quá trình làm việc tại Nhật Bản lại khó thúc đẩy và đánh giá được. Trong khi phía Nhật Bản đang đối diện với câu chuyện khủng hoảng nhân lực khi dân số ngày càng già mà tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh không được cải thiện, thì phía Việt Nam lại đau đầu tìm cách thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình giữa thực trạng tốc độ già hóa dân số cao.

Các chương trình Kỹ năng đặc định và Tuyển dụng lao động bậc kỹ sư và chuyên gia lành nghề có chênh lệch thấp về mức độ nắm giữ công việc chính giữa lao động nhập cư và lao động bản xứ nên sẽ có nhiều cơ hội học tập hơn. Việt Nam cần thúc đẩy đưa người lao động đi qua hai chương trình này nhiều hơn.

Có một cơ hội có thể nhìn thấy rõ ràng, đó là thực trạng thiếu hụt lao động ngày càng nghiêm trọng đang khiến phía Nhật Bản ngày càng nhượng bộ trong việc sẵn sàng cho lao động nhập cư tham gia vào các chương trình lao động có tư cách lưu trú tốt hơn, mức lương hấp dẫn hơn và cơ hội học tập trong quá trình làm việc cũng cao hơn. Tuy nhiên, để có thể tận dụng cơ hội này nhằm xúc tiến việc chuyển đổi chất lượng nhân lực trên thị trường lao động Nhật Bản, phía Việt Nam cũng cần phải nỗ lực trong rất nhiều hoạt động.

Chuyển đổi chất lượng nhân lực Việt Nam là một mục tiêu không dễ dàng thực hiện được. Ngay từ khi quyết định tham gia các chương trình lao động tại Nhật Bản, người lao động phần nhiều chỉ quan tâm đến thu nhập mà họ nhận được khi làm việc tại nước ngoài, mà chưa có tâm thế chuẩn bị cho việc sẽ học tập phát triển bản thân như thế nào khi đến xứ người. Các chính sách, hỗ trợ việc đào tạo ngôn ngữ và kỹ năng cho người lao động là cần thiết, trong đó kỹ năng tự học là một trong những yêu cầu quan trọng, giúp người lao động có thể tự quan sát, tìm tòi, học tập các cộng sự Nhật Bản một cách chủ động và linh hoạt.

Các chương trình Kỹ năng đặc định và Tuyển dụng lao động bậc kỹ sư và chuyên gia lành nghề có chênh lệch thấp về mức độ nắm giữ công việc chính giữa lao động nhập cư và lao động bản xứ nên sẽ có nhiều cơ hội học tập hơn. Việt Nam cần thúc đẩy đưa người lao động đi qua hai chương trình này nhiều hơn để tận dụng cơ hội học tập. Tuy nhiên, các chương trình này đòi hỏi người lao động phải được đào tạo hoặc có một số bằng cấp nhất định. Một chính sách xây dựng các chương trình đào tạo bài bản trên cơ sở kết nối sự hiểu biết của các tổ chức giáo dục với thị trường lao động Nhật Bản sẽ tạo lợi thế lớn cho nhân lực Việt Nam học tập hiệu quả khi làm việc tại Nhật Bản.

Cuối cùng, khi Nhật Bản thật sự khát nhân lực nhập cư trước bối cảnh dân số ngày càng già, Việt Nam hoàn toàn có thể đàm phán một số điều kiện để thúc đẩy quá trình chuyển đổi chất lượng nhân lực diễn ra thực chất và có kết nối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam để có thể hấp thụ tốt nguồn lao động Việt đã được đào tạo sau khi về nước.

(*) Tổng giám đốc Tâm Việt Education

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới