(KTSG) - Trong tuần trước (15 đến 19-1-2024), mặc dù mở cửa phiên đầu tuần với sắc đỏ song đà phục hồi đã sớm quay trở lại với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Không giống như tuần trước đó, dòng tiền ghi nhận sự chuyển biến tích cực khi dịch chuyển sôi động giữa các nhóm ngành. Việc Quốc hội thông qua cả hai dự luật quan trọng và được mong chờ từ lâu là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là chất xúc tác cho đà tăng của thị trường. Tuy vậy, thanh khoản thị trường lại sụt giảm mạnh 28,7%, chỉ đạt trung bình 15.868 tỉ đồng/phiên cho thấy tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư.
- Để dòng vốn ngoại gắn bó lâu dài với thị trường chứng khoán
- Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024?
Đóng cửa phiên cuối tuần trước, chỉ số VN-Index đạt mức 1.181 điểm, tăng gần 27 điểm, tương ứng 2,32%. Những nhân tố chính dẫn dắt đà hồi phục của thị trường là nhóm cổ phiếu ngân hàng quốc doanh BID (+8,4%), VCB (+4,4%) và hai ông lớn ngành bất động sản, bán lẻ VHM (+4,2%), MWG (+9,9%).
Đáng chú ý, giao dịch khối ngoại trở thành điểm sáng khi mua ròng 455 tỉ đồng. Cổ phiếu MWG bất ngờ được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 549 tỉ đồng. Trong năm 2023, MWG bị bán ròng khớp lệnh mạnh nhất trên toàn thị trường, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu này của nhà đầu tư nước ngoài theo đó cũng giảm sâu về sát 44%.
Theo thống kê, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối năm 2023 ước tính tăng 15.000 tỉ đồng so với cuối quí 3-2023, đạt khoảng 180.000 tỉ đồng. Đây là mức dư nợ cho vay lớn nhất trong vòng bảy quí kể từ quí 2-2022. Trong đó, dư nợ margin ước tính vào khoảng 172.000 tỉ đồng, tăng 13.000 tỉ đồng so với cuối quí 3-2023. Quí cuối năm 2023 chứng kiến sự phân hóa rõ rệt giữa các công ty chứng khoán trong hoạt động cho vay. Nhiều tên tuổi thường xuyên nằm trong tốp đầu như SSI, Mirae Asset, VNDirect đã chững lại trong khi một số công ty tốp sau lại có sự bứt phá mạnh mẽ. Ấn tượng nhất phải kể đến TCBS khi ghi nhận dư nợ cho vay tăng đến gần 3.800 tỉ đồng sau một quí, lên trên 16.600 tỉ đồng, qua đó trở thành quán quân về cho vay tại thời điểm cuối năm 2023. Đây là lần đầu tiên TCBS vươn lên vị trí này kể từ khi đi vào hoạt động năm 2008. Bên cạnh TCBS, những cái tên như MBS, Vietcap, VPBankS cũng ghi nhận dư nợ cho vay tăng mạnh trong quí cuối năm với mức tăng đều trên 2.000 tỉ đồng. HSC, VPS, FPTS cũng tăng dư nợ cho vay nhưng khiêm tốn hơn. Ngược lại, Mirae Asset và VNDirect có dư nợ cho vay sụt giảm, tuy nhiên mức giảm không lớn so với quy mô.
Trên TTCK thế giới, chỉ số S&P 500 khép lại phiên giao dịch ngày 19-1-2024 tăng 1,23% lên 4.839 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 1-2022. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones và Nasdaq Composite cũng lần lượt tăng 1% và 1,7%. Như vậy, sau khi giảm 19% trong năm 2022, chỉ số S&P 500 đã bùng nổ trở lại vào năm 2023 với mức tăng lên tới 24% khi nền kinh tế không rơi vào suy thoái như nhiều người dự đoán, đồng thời lạm phát đã hạ nhiệt xuống mức cho phép Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng nâng lãi suất. Ngoài ra, dữ liệu về niềm tin người tiêu dùng Mỹ công bố vào cuối tuần trước cũng rất khả quan khi đạt 75,9 điểm - mức cao kỷ lục kể từ tháng 7-2021, cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang trở nên tin tưởng hơn vào nền kinh tế.
Về xu hướng VN-Index trong những tuần cuối trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch, thanh khoản không quá sôi động đi kèm diễn biến phân hóa sâu sắc nhiều khả năng sẽ là diễn biến chính của thị trường. Dòng tiền hiện vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu ngân hàng mà chưa có độ lan tỏa đủ rộng và đủ bền sang các nhóm ngành khác như chứng khoán, bất động sản, thép… Đây chính là điều khiến các nhà đầu tư còn do dự, chưa dám giải ngân mạnh. Về các yếu tố tác động tới thị trường, việc khối ngoại có động thái mua ròng liên tục trong những phiên gần đây đang là một điểm sáng. Bên cạnh đó, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 4-2023 dần được công bố với gam màu tích cực nhiều khả năng sẽ giúp dòng tiền duy trì được “sức nóng” và có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu nhằm giữ nhịp tăng của thị trường.
Theo đó, nhà đầu tư đã lỡ sóng cổ phiếu ngân hàng thời gian vừa qua có thể xem xét giải ngân dần vào các nhóm cổ phiếu đang có thông tin hỗ trợ nhưng chưa tăng mạnh, bao gồm nhóm cổ phiếu bất động sản (hưởng lợi từ Luật Đất đai sửa đổi đã được thông qua), nhóm cổ phiếu chứng khoán (bức tranh kết quả kinh doanh quí 4-2023 tích cực) hay nhóm cổ phiếu thép (dự báo kết quả kinh doanh tiếp tục phục hồi trong năm 2024).