Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội để cải cách mạnh mẽ cơ chế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cơ hội để cải cách mạnh mẽ cơ chế

Lê Đăng Doanh

(TBKTSG) – Nghị quyết 11 ngày 24-2-2011 của Chính phủ đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, làm dấy lên kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân về những cải cách mạnh mẽ, đồng bộ của Chính phủ trước mắt cũng như lâu dài để ổn định kinh tế và đời sống.

Nghị quyết được ban hành sau khi đã có các biện pháp điều chỉnh mạnh tỷ giá, nâng giá điện và giá xăng dầu ở mức cao, đẩy giá cả tăng đồng loạt lên một mặt bằng giá mới. Doanh nghiệp và người dân đang chịu sức ép nặng nề để thích nghi với tình hình chi phí sản xuất và sinh hoạt tăng cao nhanh chóng trong khi hợp đồng kinh doanh khó có thể đàm phán lại để nâng giá bán và thu nhập thực tế của người dân bị giảm sút nghiêm trọng.

Nghị quyết 11 đã đề ra những mục tiêu và tư tưởng chính sách như thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và cung tiền, cắt giảm bội chi ngân sách, đầu tư công, đầu tư từ các tập đoàn và doanh nghiệp, kiềm chế nhập siêu, tiết kiệm năng lượng… Để thực hiện các thay đổi mạnh mẽ, “quyết liệt” đó như Thủ Tướng Chính phủ đã chỉ đạo, chắc chắn các cơ quan nhà nước không thể tiếp tục làm theo cách cũ, tiếp tục các chính sách, chế độ đã quen thuộc mà phải có đổi mới mạnh mẽ trong các chính sách, chế độ, quy định làm thay đổi động lực và chế tài tác động đến nền kinh tế.

Các điều chỉnh vừa qua đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến doanh nghiệp và người dân, song mỗi cơ quan chỉ công bố cách tính toán hệ quả của việc điều chỉnh riêng lẻ như tỷ giá tăng, điện tăng, xăng tăng thì tác động tới giá thành bao nhiêu mà chưa có tính toán các tác động qua lại liên ngành đến toàn bộ nền kinh tế. Rõ ràng là cách quyết định và tính toán từng việc riêng lẻ sẽ chưa đầy đủ và chưa thích hợp.

Điều cần làm ngay là xây dựng một lộ trình các chính sách cần ban hành và tổ chức thực hiện theo một trình tự ưu tiên có phối hợp với nhau để đưa Nghị quyết 11 vào cuộc sống với chi phí thấp nhất cho nền kinh tế và cho toàn xã hội.

Tương tự như vậy, việc giảm cung ứng tiền và tín dụng sẽ cắt giảm ở những hoạt động nào, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bị tác động ra sao cũng cần được tính toán. Trong thời gian qua, cắt giảm tín dụng và thắt chặt tiền tệ chủ yếu cắt vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khi các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vẫn thoải mái đầu tư ra ngoài ngành, là điều nhất thiết phải tránh trong đợt này.

Công khai, minh bạch, đối thoại thẳng thắn với doanh nghiệp về các tác động chính sách phải được thực hiện nghiêm túc, nhất là nghị quyết đã đề nghị các hiệp hội tích cực tham gia vào quá trình thực hiện nghị quyết như một chủ thể tích cực, chủ động chứ không phải là những đối tượng thi hành thụ động các quyết định đã rồi.

Điều cần làm ngay là xây dựng một lộ trình các chính sách cần ban hành và tổ chức thực hiện theo một trình tự ưu tiên có phối hợp với nhau để đưa Nghị quyết 11 vào cuộc sống với chi phí thấp nhất cho nền kinh tế và cho toàn xã hội.

Các biện pháp cắt giảm đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã được đề ra nhiều lần bằng những biện pháp hành chính quen thuộc nhưng chỉ đem lại những kết quả nhất thời, chưa thay đổi cơ bản cơn khát đầu tư và cách làm của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước.

Rõ ràng phải thay đổi khung pháp luật và phương thức quản lý các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở công khai, minh bạch, quy định rõ các mục tiêu cần đạt được và công khai để Quốc hội và công luận giám sát như tăng năng suất lao động bao nhiêu, lợi nhuận bao nhiêu, vận dụng khoa học-công nghệ mới đem lại hiệu quả gì trong giảm tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu… Kết quả thực hiện phải được công bố định kỳ như các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ai làm tốt sẽ được thưởng, ai không làm tròn nhiệm vụ cần được thay thế và điều này gắn với những thay đổi về phương thức, tiêu chuẩn bổ nhiệm và giám sát cán bộ.

Tư tưởng chủ đạo của nghị quyết là vận dụng cơ chế thị trường, tránh các can thiệp làm méo mó giả tạo các tín hiệu thị trường như giá cả, tỷ giá, dẫn đến những hành vi tiêu dùng hay đầu cơ có hại cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Muốn vậy, không thể không đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát độc quyền đối với các doanh nghiệp độc quyền.

Việc bảo đảm an sinh xã hội là yêu cầu cấp bách, trong đó chính quyền địa phương chịu trách nhiệm to lớn. Điều quan trọng là khắc phục cách tiếp cận theo cơ chế xin-cho, Nhà nước ban phát cho người dân bằng cách công bố công khai các đối tượng được thụ hưởng, mức độ thụ hưởng, cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện, thời hạn phải hoàn thành để cơ quan dân cử và công luận giám sát.

Làm được như vậy thì Nghị quyết 11 không chỉ là tập hợp các biện pháp hành chính phải thi hành mà là cơ hội cải cách mạnh mẽ cơ chế, chính sách, phương thức làm việc của không chỉ cơ quan nhà nước mà cả hoạt động của doanh nghiệp và người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới