Thứ tư, 12/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội kiếm tiền từ bảo dưỡng máy bay

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cơ hội kiếm tiền từ bảo dưỡng máy bay

Lan Nhi

(TBKTSG Online) - Do cạnh tranh trên thị trường hàng không quá khốc liệt, cộng với những khó khăn khách quan khác, các hãng hàng không buộc phải tìm kiếm lợi nhuận trong các dịch vụ giá trị gia tăng của ngành. Và dịch vụ bảo dưỡng máy bay nếu được đầu tư sớm sẽ là một dịch vụ có thể “kiếm tiền” nhanh hơn các dịch vụ khác.

Cơ hội kiếm tiền từ bảo dưỡng máy bay
Vietnam Airlines có hơn 2700 lao động phục vụ nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng máy bay. Trong đó có một nửa là thợ kỹ thuật. Ảnh: VAECO

Cuối năm 2019, Vietnam Airlines thông qua công ty con là Công ty kỹ thuật máy bay (VAECO) cùng ST Engineering (STEA)- nhà cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng và vận hành (MRO) lớn từ Singapore thành lập công ty liên doanh sửa bảo dưỡng thiết bị máy bay VSTEA (Vietnam Singapore Technologies Engineering Aerospace). Liên doanh này có mục đích tham gia từng bước vào thị trường bảo dưỡng thiết bại máy bay có giá trị gia tăng cao.

Trong lúc các hãng đang "mải mê" lao vào cuộc đua phát triển đội bay, tăng chuyến phục vụ nhu cầu thị trường thì lĩnh vực bảo dưỡng, sửa chữa đội tàu bay tại Việt Nam và đội tàu bay nước ngoài trong trường hợp gặp sự cố tại Việt Nam lại ít được các hãng quan tâm.

Theo ông Lim Serh Ghee, Chủ tịch của STEA, dự báo trong thập kỷ tới, đội máy bay thương mại và nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng máy bay ở Châu Á-TBD ước tính sẽ gia tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lần lượt là 4,5% và 5%. Trong khi thị trường hàng không tại Việt Nam vẫn tăng trưởng với tốc độ 2 con số (trên 10%/năm), cho dù doanh thu và lợi nhuận các hãng không còn tốt như trước.

Chỉ tính riêng Vietnam Airlines đang là hãng sở hữu nhiều máy bay nhất với 104 tàu bay các loại, hầu hết là các dòng máy bay hiện đại, thân rộng và chuẩn bị đón 50 tàu thân hẹp A321 NEO. Tương tự, Vietjet Air hiện có 68 tàu và sẽ nhanh chóng đạt mức 135 tàu các loại vào năm 2025. Bamboo Airways muốn nâng cấp đội bay lên 10 tàu và đạt 30 tàu vào năm 2025... Các hãng mới như Viettravel Airlines, Kite Air... chuẩn bị gia nhập thị trường khiến cho sức ép về các dịch vụ sau bay của hàng không càng trở nên cấp thiết.

Không phải các hãng hàng không tại Việt Nam khi phát triển không nhận ra nhu cầu bức thiết này. Việc thành lập các công ty, cơ sở bảo dưỡng máy bay... hãng nào cũng buộc phải có. Nhưng yếu tố kỹ thuật, con người lại là vấn đề thách thức đối với các đơn vị này.

Tại Việt Nam, Vietnam Arilines là hãng đầu tiên có Công ty VAECO chuyên phục vụ cho đội bay của hãng và 20% doanh thu đến từ các hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng cho các hãng bên ngoài. VAECO có chứng chỉ bảo dưỡng máy bay EASA của Cơ quan an toàn hàng không Châu Âu, Cục hàng không liên bang Mỹ và phục vụ hơn 60 hãng ngoài Vietnam Airlines trong các trường hợp cần thiết. Năm 2018, doanh thu của VAECO là 2.451 tỉ đồng thì 17-20% trong số này đến từ các hoạt động sửa chữa cho các hãng khác.

Vietjet Air hiện có Trung tâm kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, sau thời gian dài sử dụng dịch vụ của Công ty dịch vụ kỹ thuật hàng không Singapore. Tuy nhiên, với các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng ở cấp độ cao, hãng vẫn phải thuê ngoài hoặc thực hiện ở nước ngoài. Với tần suất 400 chuyến bay/ngày, phục vụ gần 1 triệu lượt hành khách/ngày thì việc sửa chữa, bảo dưỡng tàu liên tục cũng là một thách thức với hãng.

Do đó, trong chính sách tài chính công khai của hãng, luôn có hai khoản dành cho chi phí bảo dưỡng tàu bay thường xuyên và bảo dưỡng dự phòng. Trong khi bảo dưỡng thường xuyên được thực hiện bẳng chi phí riêng của công ty thì thì bảo dưỡng đinh kỳ được tài trợ bởi quỹ bảo dưỡng máy bay. Năm 2018, hãng này đã phân bổ riêng chi phí dự phòng là 10.251 tỉ đồng, chưa kể chi phí bảo dưỡng thường xuyên cũng ở mức độ cao không kém. Điều đó cho thấy, các hãng đều phải “đốt” tiền vào dịch vụ bắt buộc này.

Nếu hãng nào chủ động khai thác được dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy bay ngày một tốt hơn, hãng đó không chỉ gia tăng tính chủ động trong việc khai thác đội bay, làm chủ bầu trời mà còn khai phá được "miếng bánh" trị giá hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm, trong bối cảnh thị trường hàng không ngày càng thu hẹp lợi nhuận.

Vietnam Airlines cùng với STEA và một hãng hàng không lớn tại Châu Á đang xúc tiến những thủ tục thành lập công ty liên doanh sửa chữa, bảo dưỡng thân cánh máy bay tại Việt Nam. Trước đó hãng đã có liên doanh sửa chữa thiết bị máy bay với STEA. Công ty liên doanh dự kiến đặt trụ sở tại Việt Nam và khai thác nguồn khách hàng toàn châu Á.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới