Cơ hội làm ăn từ thị trường Mỹ La tinh
Đình Nghĩa thực hiện
![]() |
Ông Phạm Bá Uông - Ảnh: Đình Nghĩa |
(TBKTSG Online) - Tại cuộc hội thảo về tiềm năng, cơ hội phát triển thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ La tinh sáng 24-11, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Bá Uông, Chuyên viên chính Vụ thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương xung quanh cơ hội làm ăn của các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường này.
TBKTSG Online: Ông có thể cho biết tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam khi kinh doanh tại thị trường châu Mỹ La tinh?
- Ông Phạm Bá Uông: Châu Mỹ La tinh gồm 33 nước với GDP năm ngoái đạt hơn 4.000 tỉ đô la Mỹ, thu nhập bình quân đầu người hơn 7.000 đô la Mỹ/năm. Nguồn tài nguyên, khoáng sản quý hiếm chiếm trữ lượng lớn như bạc, đồng, dầu hỏa, khí đốt… Hiện tại các nước này đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, là một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới.
Năm ngoái Việt Nam xuất khẩu một số lượng lớn các mặt hàng như giày dép, gạo, thủy sản vào thị trường này. Kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt khoảng 325 triệu đô la Mỹ, mặt hàng thứ 2 là gạo đạt giá trị kim ngạch khoảng 200 triệu đô la, hàng dệt may đạt trên 100 triệu đô la… Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất vào các nước như Mexico, Panama, Chile, Brazil… Còn mặt hàng thủy sản như cá tra, cá ba sa của ta tuy mới thâm nhập vào các thị trường như Mexico, Brazil nhưng cũng đang tăng nhanh.
Những mặt hàng chính chúng ta đang nhập khẩu là phôi thép, thức ăn gia súc, phụ kiện da giày. Về mặt hàng thức ăn gia súc, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường này thay vì đang nhập từ các nước láng giềng như hiện nay, vì thực tế các nước như Trung Quốc, Thái Lan cũng nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường này về bán lại cho ta kiếm lời.
Sắp tới thị trường này có xu hướng nhập khẩu gạo với số lượng lớn do tác động của biến đổi khí hậu. Mặc dù chúng ta có thế mạnh xuất khẩu gạo nhưng lại có trở ngại lớn là về khoảng cách địa lý, doanh nghiệp nên đa dạng phương thức vận chuyển sao cho tận dụng hết tiềm năng của thị trường này.
Ngoài ra trữ lượng gỗ tại thị trường này rất lớn, các doanh nghiệp có thể nhập khẩu gỗ tại thị trường này về để chế biến, gia công sau đó xuất ngược lại vào các nước như Brazil, Mexico… Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng không nên chỉ tập trung kinh doanh vào các mặt hàng truyền thống, nên đa dạng về sản phẩm vì thị trường các nước châu Mỹ La tinh hiện nay có tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa khá nhanh nên các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu các mặt hàng như vật liệu xây dựng, hàng công nghệ như máy tính, điện tử, máy móc.
Chẳng hạn Brazil hiện nay đang nhập một khối lượng lớn các động cơ, máy móc của việt nam, còn tại Panama, mặt hàng vật liệu xây dựng của Việt Nam cũng đang bán rất chạy.
Ông có thể cho biết các khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải khi kinh doanh tại thị trường này?
- Khoảng cách về địa lý là khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên với trình độ công nghệ thông tin phát triển như hiện nay thì vấn đề tìm hiểu về thị trường này cũng bớt khó khăn. Ngoài ra các doanh nghiệp nên đa dạng phương thức giao hàng sao cho có lợi nhất.
Tại thị trường châu Mỹ La tinh hiện nay chỉ có 7 thương vụ, quá ít thương vụ để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu thị trường này, các doanh nghiệp nên chủ động trong việc tìm hiểu thị trường cũng như các mặt hàng mà các nước bạn cấm nhập khẩu, các quy định về đóng gói, chất lượng sản phẩm từ đó doanh nghiệp sẽ tìm được hướng đi cho riêng mình.
Còn về các rào cản thương mại vô hình hay hữu hình, trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, những rào cản đó sẽ dần biến mất. Quan trọng là các doanh nghiệp đáp ứng tốt về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm như vấn đề vệ sinh, nguồn gốc thì cho dù có bị kiểm tra gắt đến đâu thì cơ hội đưa hàng vào thị trường này rất lớn. Một vấn đề khác là nên tìm hiểu văn hóa của họ một cách kỹ lưỡng, đa số người dân thị trường này sử dụng tiếng Tây Ban Nha là chủ yếu, phần còn lại là tiếng Bồ Đào Nha, họ rất thích làm ăn với doanh nghiệp nào có thể nói tiếng nói của họ.
Ông có thể gợi ý một số giải pháp dành cho các doanh nghiệp muốn làm ăn tại thị trường này?
- Các doanh nghiệp nên trao đổi thông tin với đối tác bằng các phương tiện như email, qua internet, luôn giữ chữ tín trong kinh doanh, nếu cần thiết các doanh nghiệp nên sang thị trường này để trực tiếp gặp gỡ tìm hiểu nhu cầu của thị trường này.
Ngoài ra về phía nhà nước cần cân đối thương mại cả hai chiều xuất và nhập. Tạo điều kiện cho các đoàn doanh nghiệp nước bạn vào Việt Nam tìm hiểu thị trường, khảo sát điều kiện xuất khẩu vào nước ta. Về vấn đề ngôn ngữ, tại các trường đại học, các cơ quan thương vụ của Việt Nam tại châu Mỹ La tinh có thể giúp các doanh nghiệp trong vấn đề trao đổi, đàm phán với đối tác.
Nếu các doanh nghiệp cần thêm thông tin về thị trường có thể liên hệ với các tổ chức như Vụ thị trường châu Mỹ của tôi, hoặc các Đại sứ quán của ta ở các nước Mỹ La tinh. Địa chỉ email có thể nhận thông tin từ thị trường Mỹ La tinh:vuchaumy@moit.gov.vn; br@moit.gov.vn; ecoviet@terra.com.br; vietrade@ciudad.com.ar.
Xin cám ơn ông!