Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội lớn cho ngành sầu riêng và dừa gia tăng giá trị

Cẩm Hà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việc sầu riêng đông lạnh và dừa tươi chính thức được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc là tin mừng cho ngành nông nghiệp nước nhà. Xuất khẩu chính ngạch không chỉ mở ra cơ hội để ngành sầu riêng và dừa tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn mà còn là lời giải căn cơ nhất cho bài toán tiêu thụ nông sản.

Việc ký kết Nghị định thư về kiểm tra, kiểm định thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh đã mở đường cho việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, nối dài danh sách những mặt hàng nông sản đã và đang vào thị trường tỉ dân này bằng con đường chính ngạch. Ảnh: TRUNG CHÁNH

Có thể mang về vài trăm triệu đô la ngay trong năm nay

Nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, vào ngày 19-8-2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về kiểm tra, kiểm định thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh và Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Động thái này mở đường cho việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc, nối dài danh sách những mặt hàng nông sản đã và đang vào thị trường tỉ dân này bằng con đường chính ngạch.

“Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho hai sản phẩm này dự kiến sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng và ngành dừa Việt Nam”, Cục Bảo vệ thực vật, đơn vị tham mưu kỹ thuật cho hai nghị định thư nói trên, nhận định. Tới đây, cục này sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các đơn vị tham gia xuất khẩu; và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để đảm bảo quá trình triển khai các nghị định thư thuận lợi, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ các nghị định thư này.

Đưa nông sản Việt Nam sang Trung Quốc qua đường chính ngạch là giải pháp căn cơ để tiêu thụ nông sản. Vì thế, làm sao đàm phán sớm và nhanh, đẩy nhanh tiến độ “chính ngạch hóa” là yêu cầu lớn nhất cho ngành nông nghiệp và công thương.

Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết, theo nghị định thư, sầu riêng đông lạnh bao gồm sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ), có nguồn gốc từ quả sầu riêng tươi, chín được trồng ở Việt Nam. Sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải được lựa chọn bằng tay để loại bỏ những quả bị thối, hỏng và đảm bảo không chứa tạp chất kim loại lạ. Nguyên liệu của sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải có nguồn gốc từ các vườn sầu riêng được đăng ký với phía Việt Nam.

Phía Việt Nam sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và giới thiệu các doanh nghiệp đủ điều kiện cho phía Trung Quốc. Các doanh nghiệp đủ điều kiện phải được đăng ký với phía Trung Quốc. Chỉ sau khi đăng ký, doanh nghiệp mới có thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn, vệ sinh thực phẩm (HACCP); kèm với đó là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản.

Tương tự, các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa tươi muốn xuất khẩu sang Trung Quốc cũng phải được đăng ký và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Tất cả các vùng trồng đăng ký xuất khẩu phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt và giữ điều kiện vệ sinh tốt. Các chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cũng sẽ được thực hiện, bao gồm giám sát dịch hại thường xuyên; kiểm soát vật lý, hóa học hoặc sinh học của sâu bệnh… để tránh hoặc giảm thiểu sự xuất hiện của các loài đối tượng kiểm dịch mà Trung Quốc quan tâm trên dừa.

Theo dự kiến của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch 400-500 triệu đô la Mỹ ngay trong năm nay và sẽ sớm góp mặt trong danh sách mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị “tỉ đô” vào năm tới. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200-300 triệu đô la Mỹ trong năm 2024 và còn tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo - điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo động lực cho ngành dừa nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

“Chính ngạch hóa” xuất khẩu

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Sáu tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả của nước ta ước đạt gần 3,5 tỉ đô la, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, kim ngạch sang Trung Quốc là khoảng 2,2 tỉ đô la, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đầu trong các thị trường xuất khẩu của mặt hàng này. Trước đó, năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục với 5,69 tỉ đô la, tăng gần 70% so với năm 2022, riêng kim ngạch sang Trung Quốc đạt 3,64 tỉ đô la.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả tăng trưởng tốt trong thời gian qua là nhờ chúng ta đã đàm phán thành công và ký các nghị định thư về kiểm dịch thực vật với nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc.

Tính đến nay, Việt Nam đã có 16 loại nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trong đó có 15 mặt hàng rau quả, gồm: khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây, sầu riêng, sầu riêng đông lạnh và dừa.

Số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, năm 2023, Việt Nam đã vượt Chile, giành vị trí thứ 2 (sau Thái Lan) về xuất khẩu rau, củ, quả và sản phẩm chế biến sang nước này với kim ngạch 3,4 tỉ đô la. Thị phần của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc tăng gần gấp đôi từ 8% năm 2022 lên 14% năm 2023.

Rõ ràng, Trung Quốc luôn là thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực nông sản. Đưa nông sản Việt Nam sang Trung Quốc qua đường chính ngạch là giải pháp căn cơ để tiêu thụ nông sản. Vì thế, làm sao đàm phán sớm và nhanh, đẩy nhanh tiến độ “chính ngạch hóa” là yêu cầu lớn nhất cho ngành nông nghiệp và công thương. 16 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kim ngạch ngày càng tăng là thành quả đạt được đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để đáp ứng kỳ vọng của người nông dân, doanh nghiệp, để “chính ngạch hóa” được toàn bộ chủng loại và khối lượng nông nghiệp xuất khẩu thì khối lượng công việc của ngành nông nghiệp rất khổng lồ. Nhất là khi yêu cầu của phía Trung Quốc ngày càng cao, mức độ kiểm soát ngày càng chặt chẽ; trong khi việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở nước ta không thể trong một sớm một chiều.

Nước ta hiện có 154.000 héc ta sầu riêng, sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm.

Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt khoảng 500.000 tấn, đạt kim ngạch 2,3 tỉ đô la, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90%. Sáu tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt kim ngạch khoảng 1,5 tỉ đô la. Dự kiến hết năm 2024, mặt hàng tươi có thể thu về khoảng 3,5 tỉ đô la.

Nước ta cũng thuộc tốp 10 nước trồng dừa lớn nhất thế giới với diện tích dừa cả nước đạt gần 200.000 héc ta, tập trung tại các tỉnh duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Cây dừa đang là nguồn thu nhập cho khoảng 389.530 hộ nông dân.

Dừa là một trong số ít loại cây trồng mà tất cả các bộ phận của cây đều có thể sản xuất ra các sản phẩm có giá trị. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và liên quan đến dừa như: bánh, kẹo, mỹ phẩm, gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ... năm 2022 đạt khoảng 940 triệu đô la. Năm 2024, ngành phấn đấu xuất khẩu đạt hoặc vượt 1 tỉ đô la.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới