Thứ hai, 13/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội nâng hạng thị trường đang đến gần?

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việc các nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng trở lại từ năm ngoái cho đến đầu năm nay, đặc biệt là các quỹ ETF chuyên đầu tư vào các thị trường mới nổi và cận biên, liệu có là tín hiệu cho thấy triển vọng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng đến gần?

Việt Nam không có thị trường tiền tệ ở nước ngoài và có những hạn chế trên thị trường tiền tệ trong nước, nên cũng trở thành rào cản nhất định đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: LÊ VŨ

Mua ròng dù thị trường điều chỉnh

Dù thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chịu không ít áp lực điều chỉnh gần đây, với chỉ số VN-Index chứng kiến những phiên giảm điểm khá mạnh, hiện đã rớt hơn 6% từ đỉnh cao cuối tháng 1-2023 tính đến đầu tuần này (13-2-2023), nhưng quan sát cho thấy khối ngoại vẫn tích cực mua ròng trong thời gian qua. Tính từ đầu tháng 2-2023 đến phiên đầu tuần này, khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 1.830 tỉ đồng.

Đáng lưu ý là động thái giao dịch của khối ngoại, có thể kể đến như các quỹ iShares MSCI Frontier & Select EM ETF - quỹ ETF chuyên tập trung vào các cổ phiếu thị trường cận biên và mới nổi, hay các quỹ ngoại Dragon Capital, quỹ VanEck Vietnam ETF (VNM ETF),… tích cực mua ròng các cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG, STB, SHB,…

Việc các nhà đầu tư nước ngoài duy trì mua ròng từ năm ngoái đến nay đang trở thành một động lực quan trọng cho TTCK Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, khi góp phần cải thiện tâm lý cho các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Thống kê cho thấy năm 2022 đánh dấu là năm kỷ lục về giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài, đạt gần 29.000 tỉ đồng, và có sự tham gia mạnh mẽ của dòng tiền từ các quỹ ETF, đặc biệt là quỹ Fubon FTSE Vietnam từ Đài Loan, đóng góp tới 70%.

Trong năm 2023, với khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất và thực tế đã chứng minh trong cuộc họp đầu tiên của cơ quan này diễn ra vào đầu tháng 2 vừa qua, khi chỉ tăng lãi suất cơ bản đô la Mỹ thêm 0,25 điểm phần trăm, triển vọng tăng giá đô la Mỹ không còn quá hấp dẫn, nên dòng vốn ngoại ở các thị trường cận biên/mới nổi, bao gồm Việt Nam, có thể không bị rút ra lớn như thời gian trước. Nhiều tổ chức tin rằng xu hướng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục trong năm nay.

Một trong những rào cản lớn nhất vẫn là khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam. Quy định về tỷ lệ trần sở hữu của nước ngoài đối với các công ty nằm trong một số ngành có điều kiện nhất định và ngành nhạy cảm vẫn chưa có những thay đổi đáng kể.

Bên cạnh đó, những kỳ vọng về khả năng nâng hạng TTCK Việt Nam cũng có thể là nền tảng hỗ trợ cho động thái giao dịch của khối ngoại, thu hút dòng tiền chảy vào sớm hơn để đón đầu sự kiện này. Giới phân tích chỉ ra khi được công nhận là thị trường mới nổi sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề với TTCK Việt Nam, đặc biệt là vấn đề thu hút dòng vốn ngoại. Ước tính cho thấy nếu được nâng hạng, sẽ có thêm hàng chục tỉ đô la Mỹ đầu tư vào TTCK trong nước thông qua hai kênh quỹ đầu tư ETF và quỹ đầu tư chủ động.

Trước đây, nhiều dự báo lạc quan cho rằng khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam có thể diễn ra trong giai đoạn 2023-2025. Gần đây hơn, vào tháng 7-2022, Chính phủ đặt mục tiêu nâng cấp vị thế của Việt Nam lên “thị trường mới nổi” trong ít nhất một chỉ số chính vào năm 2025.

Tháo gỡ những rào cản

Trong năm 2022 vừa qua, các cơ quan quản lý đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để tiến đến việc đáp ứng các điều kiện cho mục tiêu nâng hạng, như rút ngắn thời gian giao dịch từ T+3 xuống T+2 từ cuối tháng 8-2022. Trước đó, vào tháng 5-2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ký hợp tác với Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) về hỗ trợ nâng hạng thị trường, xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư tham gia hai TTCK. Tiếp đến, tháng 6-2022, UBCKNN có buổi làm việc với Ngân hàng Thế giới và FTSE Russell để tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về nâng hạng TTCK...

Đáng lưu ý, một trong những mục tiêu quan trọng trong năm 2023 cho TTCK là tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế cũng như chủ động đề xuất các bộ, ngành trong nước triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi. Được biết hệ thống công nghệ thông tin mới của nhà thầu Hàn Quốc (KRX) đã đạt được những bước tiến đáng kể theo tiến độ thực tế, dự kiến hoàn thành và sẵn sàng hoạt động trong năm nay.

Dù vậy, để thỏa các tiêu chí đánh giá cho việc nâng hạng không phải là điều dễ dàng. Một trong những rào cản lớn nhất vẫn là khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài gần như không thay đổi trong ba năm qua, theo đánh giá gần đây của MSCI.

Cụ thể, quy định về tỷ lệ trần sở hữu của nước ngoài đối với các công ty nằm trong một số ngành có điều kiện nhất định và ngành nhạy cảm vẫn chưa có những thay đổi đáng kể. Với việc thị trường luôn chịu tác động đáng kể bởi vấn đề room nước ngoài, khi mà quyền của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế do các quy định về trần tỷ lệ sở hữu, rõ ràng rào cản này chưa được tháo gỡ sẽ khó thu hút dòng vốn từ bên ngoài.

Theo các chuyên gia phân tích, có hai cách để giải quyết vấn đề nâng hạng lên thị trường mới nổi. Thứ nhất là mở room của nhà đầu tư nước ngoài lên cao hơn 30%. Thứ hai, cho phép phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) - giống ở Thái Lan. Đây là một loại chứng khoán tiềm năng, thu hút lượng lớn tổ chức và cá nhân nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam mà không phải lo về nguy cơ bị thâu tóm.

Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài cũng bị giới hạn nhất định về vấn đề ngôn ngữ, do một số thông tin liên quan đến công ty, thị trường, các quy định của cơ quan quản lý,… không phải lúc nào cũng có sẵn bằng tiếng Anh và đôi khi không đủ chi tiết.

Ngoài ra, về mức độ tự do của thị trường ngoại hối, do Việt Nam không có thị trường tiền tệ ở nước ngoài và có những hạn chế trên thị trường tiền tệ trong nước, nên cũng trở thành rào cản nhất định đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Cuối cùng, hạ tầng thị trường cũng có những vấn đề chưa được tháo gỡ, như hệ thống bù trừ và thanh toán hiện nay chưa cung cấp được cơ sở thấu chi mà cần phải hoàn thành giao dịch trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới