Thứ Ba, 16/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội nào cho doanh nghiệp trở lại tìm vốn trên thị trường chứng khoán?

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Kể từ quí 2-2022, thị trường chứng khoán bước vào một chu kỳ suy giảm khiến cho kênh huy động vốn cơ bản của doanh nghiệp bị ách tắc. Hiện nay, nhu cầu vốn để phục hồi của doanh nghiệp là rất lớn, nhưng để tìm vốn trên sàn không dễ nếu không có những giải pháp hay sản phẩm mới để khơi thông dòng tiền.

‘Nghẽn mạch’ huy động vốn

Nhìn lại hai năm trước, thị trường chứng khoán chứng kiến sự phát triển vượt bậc về số lượng nhà đầu tư tham gia với các kỷ lục của chỉ số và thanh khoản được thiết lập. Điều này giúp cho thị trường chứng khoán khoán đạt được trạng thái lý tưởng cho nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, kể từ quí 2-2022, thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn suy giảm cả về chỉ số và thanh khoản bởi nhiều lý do khách quan. Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến cuối quí 1-2023, nhu cầu huy động vốn qua thị trường chứng khoán từ các kế hoạch phát hành cổ phiếu của doanh nghiệp (không bao gồm Novaland và VPBank) năm 2023 chỉ đạt 61.000 tỉ đồng, giảm khoảng 40% so với con số thực hiện năm 2022.

Cũng theo cơ quan này, số lượng hồ sơ và đăng ký phát hành cổ phiếu năm 2023 giảm 45% cả về số lượng và giá trị, riêng phát hành ra công chúng (IPO) giảm 60% so với năm 2022. Hiện SSC đang tiếp nhận và xử lý 5 hồ sơ IPO.

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến về khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã chỉ ra các vấn đề khiến doanh nghiệp vướng mắc, thậm chí lỡ cơ hội khi huy động vốn. Việc huy động vốn của doanh nghiệp phụ thuộc vào hai yếu tố chính, một là môi trường khách quan, nền kinh tế, thị trường chứng khoán có hỗ trợ cho việc huy động. Hai là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp có nhu cầu vốn, có khả năng hấp thụ và sử dụng vốn hay không.

Thị trường chứng khoán cũng chưa đạt trạng thái tốt nên doanh nghiệp ngại ngần chuyện huy động vốn qua sàn. Ảnh minh họa: DNCC

Ở yếu tố thứ nhất, đầu 2022-2023 chúng ta chứng kiến sự khó khăn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán trên thế giới và cả Việt Nam, đã tác động gây khó khăn cho việc huy động vốn. Nhiều thách thức như lãi suất cao dù đã có xu hướng giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó khăn, tâm lý nhà đầu tư còn dè dặt thể hiện qua thanh khoản sụt giảm so với năm 2021. Hiện thanh khoản có khởi sắc những tháng gần đây, nhưng trung bình vẫn khoảng 12.000-13.000 tỉ đồng/phiên, cho thấy môi trường vĩ mô chưa hỗ trợ các đợt phát hành của doanh nghiệp.

Về nội tại doanh nghiệp, bà Bình cho rằng, do áp lực từ các chính sách tài chính, hệ quả từ Covid-19, nền kinh tế có nhiều khó khăn, sức khoẻ doanh nghiệp cũng thể hiện qua kết quả kinh doanh quí 1-2023. Dó đó, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong ngắn hạn không có nhiều ở thời điểm hiện nay.

Nhìn từ thực tế doanh nghiệp, như ở Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), đơn vị đang triển khai không ít dự án, nhưng trong kế hoạch năm 2023 không đề cập đến việc tăng vốn, ngược lại còn có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ, giảm vốn điều lệ.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC, cho rằng bức tranh chung về kinh tế giới chưa biết khi nào sẽ khởi sắc, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán cũng chưa đạt trạng thái tốt nên doanh nghiệp ngại ngần chuyện huy động vốn qua sàn. Nếu thị trường thuận lợi, doanh nghiệp sẽ phát hành lại. Trên thị trường, cần tính toán được đoạn đường dài mới có thể đảm bảo hoạt động ổn định, tốt hơn.

Hay như mới đây, một loạt doanh nghiệp đưa ra kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức hay phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp để huy động vốn. Tuy nhiên kết quả của cá đợt phát hành cũng không mấy khả quan khi khả năng hấp thụ vốn không có nhiều cơ hội ở thời điểm hiện nay bởi các khó khăn phía trước vẫn còn.

Cụ thể như Tập đoàn Novaland mới đây đã xin phải hủy phương án phát hành 482 triệu cổ phiếu để chia cổ tức và tăng vốn bởi điều kiện thị trường không tốt. Hay Tập đoàn Tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang (CIC Group) lên kế hoạch gọi vốn mới từ cổ đông để giải quyết khó khăn về dòng tiền nhưng cũng không có được kết quả như ý. Thậm chí hạ giá chào bán từ 15.000 đồng/cổ phiếu về 12.500 đồng/cổ phiếu (giảm 16,7%) nhưng kể từ năm ngoái đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thể huy động thành công.

Nhiều chuyên gia cho rằng, những khó khăn khách quan của nền kinh tế, thị trường chứng khoán, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn dè dặt… dẫn đến các đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn của doanh nghiệp chưa được tiếp nhận. Bên cạnh đó là yếu tố nội tại doanh nghiệp suy giảm, sau khi chịu áp lực từ các thách thức vĩ mô trong và ngoài nước, hệ quả từ đại dich cũng khiến việc huy đông trở nên thách thức hơn.

Doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều sản phẩm để xoay vốn

Những biến động khó lường của thị trường trong thời gian gần đây chính là một kinh nghiệm rất lớn đối với tất cả nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý trong việc điều hành. Cần có những chính sách để đảm bảo thị trường vẫn có thể chống chọi với những sức ép lớn từ các yếu tố khách quan, đồng thời vẫn có những sản phẩm hợp lý để doanh nghiệp huy động vốn một cách tối ưu.

Theo bà Tạ Thanh Bình, thị trường chứng khoán phái sinh có nhiều biến động mạnh vì số lượng hàng hóa quá ít. Trên thị trường phái sinh hiện tại chỉ có một sản phẩm sẽ thu hút tập trung sự quan tâm quá mức của nhà đầu tư dẫn tới giao dịch sản phẩm thái quá.

Một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới đây đó là SSC sẽ cố gắng triển khai ngay các sản phẩm khác trên thị trường phái sinh, như sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN100 trong tương lai gần, tiếp tục là hợp đồng tương lai với tài sản cơ sở khác, sau đó tiến tới hợp đồng quyền chọn như thông lệ trên thế giới.

Nhiều sản phẩm phái sinh xuất hiện sẽ làm đa dạng kênh huy động vốn của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: DNCC

Cụ thể nhất là trong tháng 7 tới, SSC sẽ đưa vào vận hành thị trường thứ cấp cho trái phiếu phát hành riêng lẻ. Thị trường này sẽ góp phần giải quyết nút thắt của trái phiếu doanh nghiệp. Khi thị trường vận hành, công ty chứng khoán thành viên sẽ kiểm soát tốt thành phần nhà đầu tư tham gia thị trường, đúng nghĩa là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Nhìn nhận về các sản phẩm mới, ông Trần Huy Doãn, Giám đốc khối Thị trường phái sinh, Công ty chứng khoán ACB, cho rằng thị trường tài chính phái sinh là mảnh ghép cần thiết, giúp cho thị trường trở nên lành mạnh và đa dạng theo hướng vốn có của nó. Đây là thị trường cung cấp các sản phẩm mới, đa dạng và phục vụ đa mục tiêu cho các lớp nhà đầu tư khác nhau trên thị trường.

Trong bối cảnh thị trường cơ sở có những diễn biến không thuận lợi, phái sinh chính là một hệ sản phẩm để cho phép nhà đầu tư có chiến lược đầu tư đảm bảo cân bằng rủi ro danh mục đầu tư, bảo vệ tỷ suất lợi nhuận. Theo ông Doãn, giá trị giao dịch hợp đồng phái sinh cũng như sản phẩm chứng quyền có tài sản đảm bảo ghi nhận tăng 30% so với cùng kỳ. Đây là cơ sở tốt cho thấy nhà đầu tư cá nhân cũng như doanh nghiệp có thêm công cụ để phòng ngừa rủi ra về vốn.

Hiện nay những khó khăn khách quan khiến cho việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán trở nên khó khăn. Tuy nhiên, nhu cầu huy động vốn trên thị trường chứng khoán sẽ quay trở lại trong thời gian tới. Do đó cả doanh nghiệp, đơn vị tư vấn và cả cơ quan quản lý đều phải chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, phải khơi thông những ách tắc để doanh nghiệp có thể huy động vốn nhanh chóng, không bỏ lỡ các cơ hội.

Nhìn từ thực tế hiện nay, bà Tạ Thanh Bình cho biết, vẫn còn tình trạng chất lượng tư vấn của công ty chứng khoán chưa cao. Thậm chí bản thân đơn vị tư vấn chưa cập nhật đầy đủ các quy định pháp luật, cũng khiến hồ sơ của doanh nghiệp chưa đạt chuẩn. Theo đó, để thuận lợi, đón đầu cơ hội phục hồi kinh tế sau đại dịch, về phía doanh nghiệp phát hành và cơ quan quản lý cần cùng gỡ vướng, khai thông ách tắc.

Về phía cơ quan quản lý, hiện SSC đang tích cực sửa đổi Nghị định 155, trong đó có quy định rõ các điều kiện, hồ sơ, thủ tục. SSC cố gắng chỉnh sửa, bổ sung các vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động chào bán theo hướng giảm thủ tục hành chính và làm rõ các nội dung trong hồ sơ để doanh nghiệp có thể tiếp cận và thực hiện hồ sơ nhanh gọn, thuận lợi nhất. Qua đó giúp thị trường đạt trạng thái lý tưởng nhất để doanh nghiệp trở lại kênh huy động vốn này một cách thuận tiện và hiệu quả nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới