Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội phát triển mới và yêu cầu phải tiếp tục cải cách

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện là một mốc lịch sử, đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình bình thường hóa quan hệ và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Mỹ. Từ kết quả tốt đẹp này, điều quan trọng tiếp theo là triển khai các thỏa thuận để cùng tiến lên phía trước. Với Việt Nam, lạc quan là cần thiết nhưng “giữ đôi chân trên mặt đất” còn cần thiết hơn.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã phát biểu với báo chí Việt Nam, Mỹ và quốc tế thông tin về kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm. Ảnh: TTXVN

Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hai ngày 10 và 11-9-2023 được nhiều nhà ngoại giao trong nước và các chuyên gia khu vực đánh giá là “mở ra một chương mới” trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ với việc lãnh đạo hai nước đã tuyên bố thiết lập quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”. Bên cạnh trụ cột truyền thống là hợp tác kinh tế, khía cạnh an ninh là điểm nhấn nổi bật của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Trước đó, vào năm 2013, Việt Nam và Mỹ đã xác lập mối quan hệ Đối tác Toàn diện. Suốt 10 năm qua, hai nước đã đạt nhiều bước tiến quan trọng trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thương mại và đầu tư.

Ví dụ, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ liên tục tăng trưởng ở mức cao, đạt 124 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022 và Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam từ trước đến nay vượt mốc 100 tỉ đô la/năm.

Mỹ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới. Năm 2022, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Hiện tại, Mỹ đứng thứ 11 trong danh sách các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với hơn 11 tỉ đô la vốn đầu tư lũy kế đến nay.

Việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện lần này thể hiện cam kết mạnh mẽ của hai nước trong việc hiện thực hóa chiến lược bảo đảm kinh tế, gắn với an ninh để bảo vệ tối đa lợi ích hai nước trong bối cảnh quốc tế có những chuyển biến căn bản. Rõ ràng, trong vòng một thập kỷ qua, hai yếu tố nổi trội đã định hình lại những tính toán chiến lược ở cấp độ toàn cầu.

Thứ nhất, sự nổi lên của Trung Quốc như một siêu cường mới; kéo theo những thay đổi và tính toán lại về chiến lược kinh tế gắn liền với an ninh. Châu Á - Thái Bình Dương, tâm điểm của phát triển toàn cầu, không khác biệt so với các khu vực khác, khi phải nhìn nhận kinh tế và an ninh là hai mặt của một đồng xu và do đó cần có những điều chỉnh phù hợp.

Thứ hai, sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số cho thấy công nghệ chính là tương lai để giải quyết những bài toán toàn cầu trong dài hạn, bao gồm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo ra các việc làm mới có giá trị, và duy trì động lực phát triển kinh tế.

Với cấu trúc chuỗi cung ứng cho sản phẩm chip công nghệ cao, những đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn công nghệ, tiêu chuẩn nguồn nhân lực cho thấy Việt Nam không dễ tham gia sớm vào ngành này. Bài học đau đớn về thất bại của ngành công nghiệp phụ trợ - khiến thu hút FDI tuy nhiều nhưng sự tham gia vào chuỗi giá trị rất thấp - vẫn còn hiện hữu nóng hổi.

Đó là lý do khiến “tầm cao mới” được định hình thông qua việc “thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng, trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững” như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Joe Biden.

Cụ thể, về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, hai bên mong muốn có thêm bước tiến đáng kể về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF); dự định thúc đẩy hợp tác về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hàng không, trong đó có việc đàm phán sửa đổi Hiệp định Vận tải hàng không Việt Nam - Mỹ theo các nguyên tắc Bầu trời mở.

Mỹ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam về sản xuất, phát triển hạ tầng vật chất và hạ tầng số chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng công bằng, nông nghiệp bền vững và thông minh, cũng như hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu rộng và bền vững vào các chuỗi cung khu vực và toàn cầu, trong đó có việc chú trọng khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Vì mục đích này, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) sẽ tiếp tục cung cấp tài chính cho các dự án thuộc khu vực tư nhân tại Việt Nam trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, khí hậu và sử dụng năng lượng hiệu quả, y tế và doanh nghiệp nhỏ, bao gồm các doanh nghiệp chú trọng yếu tố khí hậu và do phụ nữ làm chủ.

Về hợp tác khoa học, công nghệ, Mỹ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. Cùng với đó, Mỹ sẽ xem xét thiết lập Mạng Truy cập vô tuyến mở (phòng đào tạo O-RAN) tại Việt Nam, mạng 5G an toàn và áp dụng các công nghệ mới nổi nhằm cung cấp cơ hội nâng cao tay nghề trong lĩnh vực số cho cộng đồng đổi mới sáng tạo của Việt Nam…

Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác giữa các cơ quan học thuật hàng đầu của Việt Nam và Mỹ, bao gồm thông qua các sáng kiến hợp tác nghiên cứu, các khóa đào tạo, trao đổi chuyên gia và các chương trình trao đổi tập trung vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

Tuy nhiên, lợi ích và thành quả không tự nhiên đến, cũng như tiềm năng và “những cơ hội vô hạn” không thể “bỗng dưng” mà thành hiện thực! Việt Nam vẫn đối mặt với thách thức căn bản, đặc biệt là chất lượng thể chế, chất lượng nguồn nhân lực.

Ví dụ, để đáp ứng nhu cầu an ninh chiến lược, chuỗi cung ứng ngành sản xuất toàn cầu do Mỹ và phương Tây dẫn dắt đang chú trọng chuyển đổi sang mô hình “friend-shore”. Trong mô hình này, các nhà máy, công đoạn sản xuất sẽ ưu tiên đặt tại các nước có quan hệ ngoại giao, có giá trị và tiêu chuẩn (norm and value) gần gũi với phương Tây.

Về mặt hệ thống pháp lý, thực thi pháp lý (đặc biệt là tòa án để xử lý tranh chấp kinh tế - thương mại), Việt Nam cần tiếp tục cải thiện để “hòa chung” vào, trên cơ sở hành xử pháp lý đúng với các chuẩn mực chung như vậy. Đây rõ ràng là vấn đề từ phía Việt Nam và đều đòi hỏi những cải cách liên quan đến thể chế ở cấp độ gốc rễ và làm trong dài hạn.

Hay như ngành bán dẫn, hai bên cam kết tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu, cụ thể là khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu đô la, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.

Tuy nhiên, với cấu trúc chuỗi cung ứng cho sản phẩm chip công nghệ cao, những đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn công nghệ, tiêu chuẩn nguồn nhân lực cho thấy Việt Nam không dễ tham gia sớm vào ngành này.

Vì vậy, làm thế nào để đánh giá một cách thực tiễn, có cách tiếp cận thực dụng: đâu là cơ hội thực tế, đâu là lộ trình dài hạn, đâu là ưu tiên ngắn hạn - là những câu hỏi Việt Nam phải trả lời. Bài học đau đớn về thất bại của ngành công nghiệp phụ trợ - khiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tuy nhiều nhưng sự tham gia vào chuỗi giá trị rất thấp - vẫn còn hiện hữu nóng hổi. Do đó, lạc quan là cần thiết nhưng thực tế và tỉnh táo để “giữ đôi chân trên mặt đất” còn cần thiết hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới