Thứ sáu, 17/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc có dấu hiệu trì trệ khi nhu cầu bên ngoài suy giảm

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cơn bùng nổ xuất khẩu đã thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc vượt qua đại dịch Covid-19 ở thời kỳ ban đầu nhưng bắt đầu giảm tốc rõ rệt vào tháng trước, phản ánh tác động từ lạm phát gia tăng và tăng trưởng chậm lại ở những nơi khác trên thế giới.

Trong tháng 8, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 7,1% so với một năm trước lên 314,9 tỉ đô la, mức tăng yếu nhất kể từ tháng 4 và chậm lại rõ rệt so với mức tăng 18% hồi tháng 7. Ảnh: AFP

Xuất khẩu chậm lại có nguy cơ làm xòi mòn một trụ cột đã giúp giữ vững tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi lệnh phong tỏa kiểm soát các đợt bùng phát Covid-19 mới ở các thành phố lớn của Trung Quốc tiếp tục kìm hãm tiêu dùng trong nước và nền kinh tế thế giới tiến gần đến suy thoái. Trung Quốc đã phải vật lộn để giảm thiểu tác động của các chính sách ‘zero Covid’ và cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng của thị trường bất động sản.

Trong tháng 8, xuất khẩu của Trung Quốc đến phần còn lại của thế giới đã tăng 7,1% so với một năm trước lên 314,9 tỉ đô la, mức tăng yếu nhất kể từ tháng 4, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) công bố hôm 7-9. Kết quả này thấp hơn mức dự báo trung bình là 12,5% của các nhà kinh tế được Wall Street Journal thăm dò ý kiến và giảm khá mạnh so từ mức tăng hàng năm 18% hồi tháng 7.

Xuất khẩu chậm lại một phần phản ánh sự gián đoạn trong sản xuất của các nhà máy ở Trung Quốc do tình trạng thiếu điện tạm thời khi đợt nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng quét qua miền trung Trung Quốc vào tháng trước. Các đợt Covid-19 bùng phát gần đây có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động sản xuất ở nhiều thành phố hơn do giới chức trách tăng cường sử dụng lệnh phong tỏa trước thêm Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào tháng 10, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến phá vỡ tiền lệ gần đây để đảm nhận nhiệm kỳ thứ ba.

Các nền kinh tế khác trong khu vực cũng đang có dấu hiệu suy yếu về xuất khẩu. Hôm 7-9, chính quyền lãnh thổ Đài Loan báo cáo tăng trưởng xuất khẩu chậm lại về mức thấp nhất trong hơn 2 năm, chỉ tăng 2% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái từ mức tăng 14,2% trong tháng 7. Xuất khẩu của Đài Loan sang Trung Quốc giảm 9,9%, báo hiệu nhu cầu yếu.

Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã giảm trong 3 tháng liên tiếp, với mức giảm 5,4% trong tháng 8 so với một năm trước đó, góp phần khiến nước này chịu thâm hụt thương mại cao kỷ lục là 9,47 tỉ đô la. Xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc cũng lần đầu tiên giảm kể từ tháng 4 -2020 do nhu cầu tiêu dùng yếu ở bên ngoài cùng các yếu tố khác.

Một loạt dữ liệu xuất khẩu suy yếu ở các nền kinh tế lớn ở châu Á được công bố khi hoạt động kinh doanh trên thế giới lần đầu tiên giảm trong hơn 2 năm, cho thấy nhu cầu toàn cầu giảm trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu do tác động của cuộc chiến ở Ukraine và việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lạm phát.

Theo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do S&P Global khảo sát, trong tháng 8, sản lượng kinh tế toàn cầu lần đầu tiên giảm kể từ tháng 6 -2020. Chỉ số PMI toàn cầu tổng hợp, đo lường sản lượng cho cả lĩnh vực sản xuất lẫn dịch vụ, đã giảm xuống 49,3 điểm vào tháng trước. Chỉ số này dưới ngưỡng 50 điểm thể hiện các hoạt động kinh tế suy giảm.

S&P Global lưu ý rằng nếu không tính đến các tháng mà nền kinh tế toàn cầu bị đóng cửa do đại dịch Covid-19, thì số liệu PMI trên là là kém nhất kể từ tháng 6-2009 khi thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hiện tại, xuất khẩu của Trung Quốc sang một số đối tác thương mại lớn nhất bắt đầu suy yếu. Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) tăng 11,1% trong tháng 8 so với một năm trước, giảm so với mức tăng 23,1% trong tháng 7. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 3,8% trong tháng 8, đảo ngược so với mức tăng 11% của tháng trước.

Nhiều nhà kinh tế đã dự đoán trong nhiều tháng rằng cơn bùng nổ xuất khẩu của Trung Quốc sẽ biến mất khi người tiêu dùng ở phương Tây cắt giảm chi tiêu cho hàng hóa trong bối cảnh lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập niên

Iris Pang, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng ING, nhận định chi phí năng lượng tăng cao ở châu Âu, phần lớn là do Nga cắt giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt, có thể sẽ buộc nhiều hộ gia đình tiết kiệm hơn để trả hóa đơn khí đốt trong mùa đông này, làm giảm nhu cầu của họ đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc trong những tháng tới.

Bà nói: “Chúng tôi không lạc quan về nhu cầu toàn cầu vào năm 2023, khi tác động từ việc tăng lãi suất lên nền kinh tế thực trở nên rõ ràng hơn”.

Đồng nhân dân tệ yếu hơn theo truyền thống là tin tốt đối với nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng điều này không đúng như vậy vì các đồng tiền lớn khác cũng giảm mạnh so với đô la Mỹ.

Trong khi đó, thặng dư thương mại tổng thể của Bắc Kinh thu hẹp lần đầu tiên kể từ tháng 2, giảm xuống còn 79,39 tỉ đô la vào tháng 8, so với mức kỷ lục 101,26 tỉ đô la vào tháng 7.

Nhưng các nhà kinh tế cho rằng dữ liệu thặng dư thương mại tương đối mạnh mẽ phản ánh nhu cầu tiếp tục yếu trong nền kinh tế Trung Quốc do chiến lược không khoan nhượng vớiCovid-19 và cơn suy thoái thị trường bất động sản kéo dài.

Nhập khẩu của Trung Quốc suy yếu hơn nữa trong tháng 8, cho thấy nhu cầu đáng thất vọng trong nước vì niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn yếu, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng lên mức cao kỷ lục.

Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng trước chỉ  tăng 0,3% so với một năm trước đó lên 235,5 tỉ đô la, yếu hơn rõ rệt so với mức tăng 2,3% trong tháng 7. Dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc đang ở mức yếu nhất kể từ tháng 4.

Số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày ở Trung Quốc bắt đầu gia tăng vào đầu tháng 8, dẫn đến lệnh phong tỏa một số thành phố lớn, đe dọa làm suy giảm hoạt động của nhà máy và niềm tin của người tiêu dùng hơn nữa.

Tính đến hôm 6-9, có 49 thành phố, đóng góp khoảng 25% GDP Trung Quốc, đang bị phong tỏa hoặc các biện pháp kiểm soát khác nhau, ảnh hưởng đến 1/5 tổng dân số Trung Quốc, các nhà kinh tế từ Ngân hàng Nomura ước tính. Do đó, họ hạ dự báo tăng trưởng cả năm2022 của Trung Quốc từ 2,8% xuống 2,7%.

Trong một báo cáo gửi cho khách hàng hôm 7-9, Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Pinpoint Asset Management, viết:  “Trung Quốc cần dựa nhiều hơn vào nhu cầu trong nước hơn là xuất khẩu”.

Ông cho biết thêm thách thức chính đối với Bắc Kinh là cân bằng nhu cầu phục hồi các hoạt động kinh tế và ngăn chặn các đợt bùng phát Covid-19.

Ông nói: “Trung Quốc đang đối mặt với tình thế bế tắc vì đó là một sự cân bằng khó khăn”.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới