Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cỗ máy xuất khẩu Trung Quốc suy yếu khi thế giới thoát ra khỏi đại dịch Covid-19

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc đang chững lại giữa lúc nhu cầu của người tiêu dùng trên thế giới có xu hướng chuyển sang dịch vụ nhiều hơn so với hàng hóa sau khi phần lớn thế giới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Không còn được hưởng lợi nhờ đại dịch

Trong trong những tháng đầu năm nay, xuất khẩu laptop của Trung Quốc giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi tăng trưởng bùng nổ trong hai năm qua. Ảnh: Financial Times

Trong suốt 2 năm 2020 và 2021, khi đại dịch Covid-19 buộc phần lớn dân số thế giới dành nhiều thời gian hơn ở nhà, xuất khẩu máy tính xách tay (laptop) của Trung Quốc đã tăng hai con số. Sự bùng nổ đó là một ví dụ cho thấy nền kinh tế Trung Quốc được hưởng lợi như thế nào từ việc thay đổi nhu cầu toàn cầu khi các chính phủ trên thế giới áp đặt các hạn chế liên quan đến đại dịch, làm giảm mạnh mức chi tiêu của người dân cho nhà hàng, du lịch và các dịch vụ khác đồng thời khuyến khích họ mua hàng hóa. Nhưng trong những tháng đầu năm nay, xuất khẩu laptop của Trung Quốc giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh xu hướng tăng trưởng xuất khẩu suy yếu của nước này.

Trong bối cảnh hầu hết các nước trên thế giới đã thoát ra khỏi cơn khủng hoảng đại dịch toàn cầu và chuỗi cung ứng trong nước của Trung Quốc đang bị gián đoạn do các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19, xuất khẩu của nước này chỉ tăng 3,9% trong tháng 4 tính theo đồng đô la. Đây là mức tăng trưởng xuất khẩu yếu nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ tháng 7-2020.

Xu hướng xuất khẩu chững lại là một phần của sự đảo ngược vận may lớn đối với nền kinh tế rộng lớn của Trung Quốc, vốn đã phục hồi sau cú sốc ban đầu của đại dịch để đạt mức tăng trưởng vượt trội so với phần còn lại của thế giới vào năm 2020.

Khó đạt được mục tiêu tăng trưởng

Trong tháng 4, xuất khẩu sợi dệt và các sản phẩm vải, bao gồm cả khẩu trang từ Trung Quốc chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 22%. Ảnh: Getty

Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5% trong năm nay, mức thấp nhất trong ba thập niên qua. Nhưng Thủ tướng Lý Khắc Cường nói với các quan chức vào tuần trước rằng Trung Quốc có thể phải nỗ lực lớn mới có thể đạt mức tăng trưởng tích cực trong quý hiện tại.

Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế ở Công ty tư vấn Capital Economics, nói: “Với cú sốc lớn mà nền kinh tế vừa trải qua cộng với những khó khăn về xuất khẩu, tôi nghĩ rằng việc Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng tích cực trong năm nay là khá khó khăn”.

Evans-Pritchard ước tính xuất khẩu chiếm gần một nửa trong mức tăng trưởng GDP 18,3% hàng năm của Trung Quốc trong 1- 2021 nhưng sẽ trở thành yếu tố tiêu cực trong tăng trưởng từ quý 3 năm nay trở đi.

Xuất khẩu giảm tốc đã loại bỏ một nguồn động lực quan trọng của nền kinh tế mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã dựa vào trong suốt thời kỳ đại dịch. Cổ máy xuất khẩu của Trung Quốc suy yếu đúng vào lúc chính sách “zero-Covid” đang khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng và làm tê liệt hoạt động kinh doanh ở nhiều thành phố.

Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Ngân hàng Nomura, nhận định: “Việc toàn cầu mở cửa trở lại không tốt cho xuất khẩu của Trung Quốc”.

Lu ước tính có khoảng 80 triệu người làm việc trong lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc vào năm 2020, có nghĩa là một sự suy giảm của hoạt động xuất khẩu, dù chỉ ở mức một con số phần trăm, cũng có thể ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn việc làm. Dữ liệu thương mại của Trung Quốc cho thấy xu hướng tiêu dùng toàn cầu đang thay đổi trong năm qua. Trong tháng 4, xuất khẩu sợi dệt và các sản phẩm vải, bao gồm cả khẩu trang từ Trung Quốc chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 22%. Lu cho biết xuất khẩu các sản phẩm điện tử hỗ trợ làm việc ở nhà của Trung Quốc cũng giảm 5% trong tháng 4, so với mức tăng 10% trong tháng 3. Trong khi đó, từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, xuất khẩu đồ nội thất của Trung Quốc chỉ tăng 2%, sau khi tăng vọt 70% trong cùng kỳ năm 2021.

Người tiêu dùng phương Tây chi tiêu cho dịch vụ nhiều hơn

Dữ liệu từ các nền kinh tế lớn khác cũng chỉ ra sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Vào tháng 3 năm ngoái, tại Anh, sản lượng kinh tế thực tế trong lĩnh vực vui chơi và giải trí giảm 25% so với một năm trước đó, và dịch vụ ăn uống và lưu trú giảm 62%, theo số liệu từ Văn phòng Thống kê quốc gia Anh. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm nay, cả hai lĩnh vực này đã phục hồi trở lại mức trước đại dịch sau khi Anh nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19.

Tương tự, tại khu vực sử dụng đồng euro (eurozone), hồi tháng 11 năm ngoái, tăng trưởng doanh số bán lẻ được điều chỉnh theo lạm phát, chủ yếu phản ánh việc mua hàng hóa hơn là dịch vụ, cao hơn 6% so với trước đại dịch.

Nhu cầu giảm dần đối với hàng tiêu dùng trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển, đang ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc. Không có số liệu về chi tiêu cho dịch vụ của toàn bộ khu vực eurozone nhưng dữ liệu của Văn phòng thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy ở một số nước trong khu vực, xu hướng chi tiêu đang chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Chẳng hạn, tại Ý, năm ngoái, chi tiêu vào nhà hàng và khách sạn đã tăng với tốc độ hàng năm 23%, nhanh hơn gần 6 lần so với chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống không cồn.

Các lệnh phong tỏa ở Thượng Hải và các thành phố khác của Trung Quốc đã gây ra các vấn đề nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu. Nhưng Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của hãng xếp hạng tín nhiệm nợ quốc tế S&P Global Ratings, cho biết những thách thức về xuất khẩu không chỉ giới hạn ở Trung Quốc.

Ông nhận định: “Sau khi xuất khẩu tăng mạnh trong phần lớn năm 2020 và 2021, chúng ta sẽ thấy nhu cầu toàn cầu chậm lại trong năm nay. Điều đó đúng với Trung Quốc và cũng đúng với các nền kinh tế khác có thế mạnh xuất khẩu chẳng hạn như Đài Loan và Hàn Quốc”

Kuijs cho rằng mức lạm phát cao trên toàn cầu có thể đã che khuất bớt mức độ suy yếu trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc. Ông nói: “Nếu bạn nhìn vào doanh số xuất khẩu của Trung Quốc tính theo đô la Mỹ, tình hình vẫn khá tốt, nhưng chủ yếu là nhờ sự tăng giá của hàng hóa”.

Nhà kinh tế Ting Lu cho rằng lệnh phong tỏa ở Thượng Hải và các thành phố khác của Trung Quốc sẽ khiến các nhà cung cấp của nước này gặp bất lợi trước các đối thủ quốc tế.

“Sản xuất ở những nơi khác trên thế giới sẽ trở lại bình thường, vì vậy hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn,” Lu nói và cho biết thêm rằng các hạn chế liên quan đến Covid-19 ở Trung Quốc sẽ thúc đẩy những người mua hàng xuất khẩu của Trung Quốc chuyển một số đơn hàng sang nơi khác.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới