Thứ hai, 13/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Có nên chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại không?

LS. Đỗ Đức Anh(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nhiều doanh nghiệp có xu hướng chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại vì thủ tục nhanh gọn và không bị kéo dài như giải quyết qua Tòa án. Nhưng thực tế có khi lại không đơn giản như vậy.

Trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp thay vì qua tòa án. Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết các tranh chấp thương mại(1). Khi nhận định về phương thức giải quyết tranh chấp này, có ý kiến rằng “thủ tục gọn hơn (chỉ xử một lần thay vì xử nhiều cấp: sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm); phán quyết của trọng tài có hiệu lực thi hành ngay”(2).

Tuy nhiên, bất kỳ phương thức nào cũng có ưu điểm và nhược điểm. Để tối ưu hiệu quả, thì cần tìm hiểu cả hai mặt này.

Phán quyết trọng tài có thực sự là có hiệu lực thi hành ngay?

Điều 69 Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài, một bên có quyền làm đơn gửi toà án có thẩm quyền yêu cầu hủy phán quyết này nếu bên đó có đủ căn cứ chứng minh rằng phán quyết rơi vào các trường hợp bị hủy theo quy định của Luật Trọng tài thương mại.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp một bên yêu cầu tòa án hủy phán quyết trọng tài (PQTT) và tòa án đã chấp nhận yêu cầu này. PQTT bị hủy đồng nghĩa với việc tiến trình giải quyết tranh chấp phải thực hiện lại từ đầu: tức là các bên có thể thỏa thuận đưa lại vụ tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài hoặc một bên có thể khởi kiện tại tòa án và vụ tranh chấp sẽ trải qua quá trình xét xử sơ thẩm, rồi có thể là phúc thẩm.

Phí trọng tài

Để bắt đầu một vụ kiện trọng tài, các bên cần nộp đơn khởi kiện đến trung tâm trọng tài (nếu chọn giải quyết tranh chấp tại một trung tâm trọng tài), sau đó nộp phí cho trung tâm trọng tài. Sau khi nhận được phí trọng tài, trung tâm trọng tài mới thông báo cho bị đơn và tiến hành các thủ tục để thành lập Hội đồng trọng tài.

Việc có nên lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp hay không cần được cân nhắc một cách cẩn trọng, tùy thuộc vào hợp đồng được ký là hợp đồng gì, các bên tham gia trong hợp đồng là như thế nào. Và ngoài ra, việc soạn thảo điều khoản trọng tài cũng cần có sự dự liệu những diễn biến có thể xảy ra trong tương lai.

Quay trở lại tình huống PQTT bị hủy như nêu trên. Lý do để PQTT bị hủy có nhiều(3), nhưng trong đó có lý do “Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định của luật này (Luật Trọng tài thương mại 2010)” - lý do này phần nào có nguyên nhân xuất phát từ phía Hội đồng trọng tài.

Vậy trong trường hợp PQTT bị hủy, phí trọng tài đã nộp có thể được hoàn lại không? Câu trả lời là phụ thuộc vào quy định của từng trung tâm trọng tài, nhưng phần lớn là không. Tức là nếu PQTT bị hủy thì nhiều khả năng là nguyên đơn không được nhận lại phí trọng tài đã nộp.

Điều này là khác với giải quyết tranh chấp bằng tòa án. Khi một phán quyết của tòa án bị hủy thì khi xét xử lại, tòa sẽ xem xét lại về nghĩa vụ chịu án phí; tức là nguyên đơn vẫn có cơ hội được nhận lại tiền tạm ứng án phí, nếu nguyên đơn được tuyên là bên thắng kiện.

Khi tranh chấp liên quan đến nhiều bên

Cần lưu ý rằng điều kiện tiên quyết để được giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là giữa các bên phải có thỏa thuận trọng tài. Tức là nếu không có thỏa thuận trọng tài thì dù có nộp đơn khởi kiện, nộp phí trọng tài rồi, thì kết quả nhận lại cũng chỉ là một quyết định của hội đồng trọng tài tuyên rằng hội đồng trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp này, bên khởi kiện và bên kiện lại (nếu có) sẽ được hoàn trả một phần phí trọng tài đã nộp, theo quy định cụ thể của trung tâm trọng tài.

Nhưng trong một số trường hợp, việc xác định thế nào là có thỏa thuận trọng tài không phải là điều dễ dàng. Ví dụ: Công ty A ký hai hợp đồng riêng biệt với Công ty B và Công ty C, theo đó Công ty B và Công ty C sẽ thực hiện hai phần việc khác nhau, tuy là cùng trong khuôn khổ một dự án chung. Trong từng hợp đồng, A có thỏa thuận trọng tài với B, và A cũng có thỏa thuận trọng tài với C. Dự án sau đó có thiệt hại phát sinh đối với A, và A cho rằng cả B và C đều có lỗi. Vậy có thể xem như đã có thỏa thuận trọng tài giữa cả ba bên A, B, C, và trên cơ sở đó, A có quyền kiện cả B và C trong cùng một vụ tranh chấp để giải quyết bằng trọng tài hay không? Hay A phải kiện mỗi đối tác trong một vụ tranh chấp riêng biệt?

Câu trả lời thật khó để phân tích được hết trong khuôn khổ một bài báo. Ví dụ được đưa ra chỉ nhằm minh thị rằng khi có nhiều hơn hai bên tham gia vào tranh chấp, việc lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài phải được xem xét một cách nghiêm túc, thỏa thuận một cách đầy đủ.

Nhưng có ý kiến cho rằng có thể đơn giản là không giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nữa, A có thể kiện cả B và C trong cùng một vụ án ở tòa án là xong. Vậy xin xem tiếp dưới đây.

“Tòa án từ chối thụ lý trong trường hợp có thỏa thuận trọng tài”

Đây là nguyên tắc được quy định tại điều 6 Luật Trọng tài thương mại, cụ thể là: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại tòa án thì tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được”.

Như vậy, nếu đã có thỏa thuận trọng tài mà vẫn muốn kiện ở Tòa án thì phải rơi vào “trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được”.

Nhưng để biết được mình có thuộc “trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được” hay không, đôi khi sẽ phải trả giá bằng thời gian, và phí trọng tài để đạt được một phán quyết của trọng tài ghi nhận như vậy.

Có thể thấy rằng chỉ một điều khoản giải quyết tranh chấp cũng có thể ảnh hưởng lớn tới việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Việc có nên lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp hay không cần được cân nhắc một cách cẩn trọng, tùy thuộc vào hợp đồng được ký là hợp đồng gì, các bên tham gia trong hợp đồng là như thế nào. Và ngoài ra, việc soạn thảo điều khoản trọng tài cũng cần có sự dự liệu những diễn biến có thể xảy ra trong tương lai.

(*) Công ty Luật Global Vietnam Lawyers

(1) Theo định nghĩa tại Luật Trọng tài thương mại 2010, tranh chấp thương mại là tranh chấp giữa các bên phát sinh (i) từ hoạt động thương mại; và (ii) trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

(2) https://tuoitre.vn/khi-co-tranh-chap-doanh-nghiep-nen-chon-trong-tai-hay-toa-an-de-giai-quyet-20210424153327492.htm

(3) Có 05 trường hợp PQTT bị hủy theo khoản 2 điều 68 Luật TTTM 2010

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới