(KTSG Online) – Nhà đầu tư Trung Quốc đang đổ xô mua cổ phiếu các doanh nghiệp có liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI). Họ đặt cược vào AI vì cho rằng, hiệu ứng mà công ty khởi nghiệp DeepSeek tạo ra sẽ kích hoạt sự tăng trưởng bùng nổ trong lĩnh vực này.
- Cổ phiếu công nghệ chao đảo vì mô hình AI giá rẻ của Trung Quốc
- DeepSeek bị nghi ngờ ‘chắt lọc’ kiến thức từ các mô hình AI của OpenAI
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2025/02/DeepSeek.jpg)
Sự hào hứng và lòng yêu nước của nhà đầu tư Trung Quốc sau khi màn ra mắt trợ lý AI gây ấn tượng của DeepSeek đang đẩy giá cổ phiếu của các nhà sản xuất chip, nhà thiết kế phần mềm và nhà điều hành trung tâm dữ liệu trong nước lên cao.
Đầu tháng này, DeepSeek, công ty AI có trụ sở tại Hàng Châu (Trung Quốc) gây chấn động thị trường công nghệ toàn cầu khi ứng dụng của công ty này vượt qua ChatGPT của OpenAI để trở thành ứng dụng miễn phí được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ.
Các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của DeepSeek được giới chuyên gia đánh có một số năng lực ngang ngửa, thậm chí vượt trội so với ChatGPT. Điều gây sốc hơn nữa là DeepSeek tiết lộ chỉ tốn chưa đến 6 triệu đô la cho chi phí đạo tạo các mô hình. Con số này rẻ hơn rất nhiều so với chi phí khổng lồ mà các công ty của Mỹ như OpenAI, Meta, Microsoft bỏ ra để phát triển các LLM.
Sự kiện này được các nhà phân tích của công ty môi giới chứng khoán Huaxi Securities mô tả là khoảnh khắc mang tính bước ngoặt, thúc đẩy dòng tiền đổ vào các cổ phiếu liên quan đến AI ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.
Làn sóng đầu tư cổ phiếu AI diễn ra trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi định giá lại tài sản của Trung Quốc khi Tổng thống Mỹ Donald “đốt nóng” cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh bằng mức thuế quan mới.
“Bước đột phá của DeepSeek cho thấy các kỹ sư Trung Quốc sáng tạo và có khả năng phát minh ra những thứ có thể cạnh tranh với Thung lũng Silicon. Thành công của DeepSeek cũng khuấy động cơn sốt đầu tư mang tính chủ nghĩa dân tộc trên thị trường vốn”, Abraham Zhang, Chủ tịch công ty đầu tư vốn mạo hiểm China Europe Capital nhận xét.
Trong tuần này, tại thị trường chứng khoán Hồng Kông, chỉ số Hang Seng AI, theo dõi các công ty AI tăng hơn 5%, còn các chỉ số dõi các nhà sản xuất chip và công ty công nghệ thông tin tăng hơn 11%. Chỉ số công nghệ Hang Seng, bao gồm Tencent Holdings, Alibaba Group và Xiaomi, tăng lên mức cao nhất 4 tháng hôm 6-2 sau khi tăng hơn 10% trong hai tuần qua.
Hoạt động giao dịch tích cực này giúp ổn định thị trường Hồng Kông khi Mỹ tăng thuế thêm 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tại Trung Quốc đại lục, khi thị trường chứng khoán mở cửa trở lại hôm 5-2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhà đầu tư cũng đổ xô mua cổ phiếu của những công ty hoạt động trong các lĩnh vực AI, bán dẫn, dữ liệu lớn và robot.
“Năm 2025 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của các ứng dụng AI ở Trung Quốc. Chúng tôi rất lạc quan về những cơ hội được tạo ra nhờ cuộc cách mạng này”, Zhou Yingbo, giám đốc đầu tư của Futures Vessel Capital nhận định và dự báo, cả phần cứng lẫn phần mềm AI sẽ được người tiêu dùng và doanh nghiệp áp dụng rộng rãi.
Trong báo cáo gửi khách hàng gần đây, công ty môi giới chứng khoán TF Securities cho rằng, thành công vang dội của DeepSeek cho thấy nỗ lực của Mỹ nhằm kìm hãm sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc đã phản tác dụng. Thay vào đó, các hạn chế xuất khẩu chip cao cấp của Mỹ đã thúc đẩy sự đổi mới AI của Trung Quốc.
Báo cáo kêu gọi định giá lại các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc, vốn có hiệu suất kém hơn các công ty cùng ngành của Mỹ trong những năm gần đây do bị các cơ quan quản lý trong nước giám sát chặt chẽ và căng thẳng địa chính trị.
Sự xuất hiện của DeepSeek có thể khiến Mỹ siết chặt các hạn chế xuất khẩu chip nhưng điều đó sẽ càng tạo động lực để Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ ngành này để thúc đẩy tăng trưởng, TF Securities nhận định.
Ngân hàng Goldman Sachs kỳ vọng, những đột phá của Trung Quốc trong phát triển và ứng dụng AI “có thể thay đổi đáng kể” quỹ đạo của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Ngân hàng này ước tính, hiệu quả hoạt động kinh doanh cải thiện nhờ AI có thể giúp các công ty đại chúng ở Trung Quốc tăng thu nhập thêm 2%. Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế tươi sáng hơn có thể giúp mức tăng định của các công ty đại chúng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng thêm 20%, thu hẹp khoảng cách với các công ty cùng ngành của Mỹ.
Cổ phiếu “công nghệ cứng” (liên quan đến linh kiện và máy móc kỹ thuật) của Trung Quốc đang được giao dịch ở mức giá gấp 23,6 lần thu nhập (P/E), trong khi cổ phiếu “công nghệ mềm” (liên quan đến ứng dụng, phần mềm) giao dịch ở mức giá gấp 13,9 lần thu nhập.
Tỷ lệ giá trên thu nhập của 7 cổ phiếu công nghệ lớn nhất của Mỹ (Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon.com, Nvidia, Meta Platforms và Tesla) là 31, theo báo cáo của Goldman Sachs hôm 4-2.
DeepSeek đã tạo ra tiếng vang lớn đến mức khiến các công ty Trung Quốc trên khắp chuỗi giá trị AI, từ nhà sản xuất chip đến nhà cung cấp dịch vụ đám mây, sốt sắng khám phá các khả năng mới dựa vào dịch vụ chi phí thấp của công ty khởi nghiệp này.
Cổ phiếu của Alibaba ở thị trường chứng khoán Hồng Kông tăng giá đến 20% trong hai tuần qua sau khi đơn vị điện toán đám mây của tập đoàn này cho biết sẽ tích hợp mô hình AI của DeepSeek vào các dịch vụ.
Yi Xiangjun, đối tác của Shenzhen Black Stone Asset Management tiết lộ, ông đang “tất tay” vào các cổ phiếu công nghệ và AI của Trung Quốc. Ông đặt cược rằng, các công ty công nghệ lớn và thành công của Trung Quốc sẽ trỗi dậy trong “một cuộc cách mạng mang tính thời đại”.
Tuy nhiên, Wang Zhuo, đối tác của Shanghai Zhuozhu Investment Management, tỏ ra thận trọng hơn.
“Nhiều công ty Trung Quốc vẫn còn lâu mới tạo ra được lợi nhuận từ AI. Tôi không cảm thấy tự tin khi đầu tư tiền vào cổ phiếu của những công ty này”, Zhou chia sẻ.
Các nhà chiến lược thị trường của ngân hàng Morgan Stanley cũng thận trọng với cổ phiếu bán dẫn và phần cứng của Trung Quốc do lo ngại thuế quan của Mỹ và các rủi ro khác bao gồm khả năng Mỹ mở rộng các hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc.
Theo Reuters, Bloomberg