(KTSG) - Tăng nóng hơn cả giá đất, nhóm cổ phiếu bất động sản hút dòng tiền lớn trên thị trường chứng khoán từ đầu quí 4-2021 đến nay, dưới hiệu ứng gói hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 và mức đấu giá đất Thủ Thiêm lên cao kỷ lục. Tuy nhiên, việc “quay xe” của nhóm đấu giá đất cũng như những “chiêu trò” trên thị trường chứng khoán đã khiến cho cổ phiếu nhóm này rơi vào tình trạng “bạo phát bạo tàn”.
Từ thăng hoa đến lụi tàn
Nhiều cổ phiếu bất động sản trong thời gian qua tăng còn nóng hơn cả giá đất. “Cứ mua đi là sẽ có lời”, “quỹ đất càng lớn thì càng có giá cao”,… là những lời rao lẫn rủ rê tràn ngập trên khắp các diễn đàn, nhóm chat trên mạng xã hội của giới đầu tư trong năm ngoái. Kết quả là giá cổ phiếu… lên cao thật. Điểm lại, nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh tính bằng lần, chứ không chỉ vài chục phần trăm.
Điển hình như cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O, bắt đầu chuỗi tăng từ đầu tháng 11. Khởi động từ mức 12.100 đồng/cổ phiếu, thị giá CEO nhanh chóng leo lên đỉnh điểm 92.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 7-1. Một cổ phiếu nổi tiếng hơn là mã DIG của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng, với mức thị giá (đã điều chỉnh khi chia cổ tức) đã tăng gấp gần 4 lần so với đầu tháng 10 năm ngoái, lên đỉnh vào ngày 11-1-2021 đạt thị giá 119.800 đồng/cổ phiếu.
Sự “tham lam” của các nhà đầu tư cũng thể hiện rõ khi thanh khoản tăng đột biến. Theo đó, khối lượng khớp lệnh cổ phiếu CEO tính trong quí 4-2021 đã tăng 90% so với quí trước đó và tăng 2,5 lần so với cùng kỳ, còn thanh khoản cả năm 2021 của DIG thì đã tăng gấp hơn gấp 3 lần.
Nhóm cổ phiếu bất động sản có mức thị giá thấp cũng “làm mưa làm gió” trên thị trường trong suốt nhiều tháng qua, điển hình là “họ FLC”. Thị giá FLC lên đỉnh 22.600 đồng/cổ phiếu vào ngày 10-1-2022, sau khi tăng một mạch từ mức 10.100 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 10 năm ngoái. Tương tự, mã cổ phiếu ROS tăng từ 6.000 lên mức đỉnh hơn 14.000 đồng/cổ phiếu.
“Dòng tiền điên” là từ được mô tả về khi nói về nhóm cổ phiếu bất động sản trong thời gian qua, chủ yếu chạy vào nhóm các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ. Lý do là vì các nhà đầu tư rót tiền bất chấp kết quả kinh doanh, tình hình tài chính cơ bản, thậm chí là các cổ phiếu thuộc diện cảnh báo.
Tuy nhiên, bữa tiệc nào cũng đến lúc tàn. Nhóm cổ phiếu bất động sản bất ngờ giảm mạnh từ sau ngày 10-1 vừa qua, sau khi được “kích hoạt” bởi hai sự kiện diễn ra gần như cùng lúc, là Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm (TPHCM) và ông chủ FLC Trịnh Văn Quyết “bán chui” gần 75 triệu cổ phiếu. Hệ quả là thị trường chung chìm trong sắc đỏ, còn các cổ phiếu bất động sản thì chìm trong sắc “xanh lơ” (giảm sàn). Nhiều nhà đầu tư “tháo chạy” khỏi nhiều cổ phiếu bất động sản đã “thăng hoa” trong thời gian trước đó, gây nên tình trạng mất thanh khoản, vẽ nên đồ thị kiểu “cây thông noel”.
“Ăn theo” giá đất Thủ Thiêm, gói phục hồi kinh tế
Từ đầu tháng 7-2021, dòng tiền bắt đầu chuyển hướng dần sang nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa nhỏ và trung bình, trong đó có nhóm bất động sản trong bối cảnh dòng cổ phiếu ngân hàng bị “thất sủng” vì lo ngại nợ xấu vì Covid-19. Trước đó, hầu hết các cổ phiếu bất động sản đều ở trạng thái tích lũy và đi ngang.
Lý do đầu tiên để nhóm cổ phiếu bất động sản tăng mạnh cả về giá và thanh khoản trong thời gian qua là vì những thông tin đầu tiên của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, trong đó lĩnh vực xây dựng, đầu tư công được cho là hưởng lợi lớn. Tiếp nối sau đó là sự kiện đấu giá đất
Thủ Thiêm với mức đấu giá cao kỷ lục và cao hơn nhiều so với thị trường.
Giá cổ phiếu sau đó bị đẩy lên quá nhanh, đặc biệt tập trung vào nhóm cổ phiếu được cho là sở hữu quỹ đất ở khu vực Thủ Thiêm, sau đó mở rộng ra các công ty có quỹ đất ở ở các tỉnh lân cận Hà Nội, TPHCM. Tính chung thì chỉ số ngành bất động sản đã tăng 23,6% kể từ đầu quí 4-2021, cao hơn mức tăng 12,1% của chỉ số VN-Index.
Nhưng việc “quay xe” của nhóm đấu giá đất Thủ Thiêm đã khiến cho thị trường nhanh chóng trở nên “bạo phát bạo tàn”. Cảnh tượng “điêu tàn” có thể được hình dung theo kiểu nhà đầu tư đua nhau bán tháo, nhưng không có lệnh mua đối ứng nên không thể “chạy” được. Hàng loạt các cổ phiếu được “điểm danh” là “ăn theo” giá đất Thủ Thiêm cũng đều giảm hàng loạt, điển hình như CII, DRH, HAR, LDG, NBB, QCG.
Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tâm lý thị trường chung phần nào là sự tiêu cực của thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ, cũng như tâm lý hạn chế giao dịch trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khiến động lực trên thị trường cũng yếu đi, theo đánh giá của khối phân tích công ty chứng khoán SSI.
Cho đến nay, “giông bão” vẫn chưa kết thúc khi nhiều cổ phiếu bất động sản mới đây vẫn còn “nằm sàn”, hoặc giảm mạnh cùng thông tin những công ty còn lại dần bỏ cọc đất Thủ Thiêm. Cuộc chơi nhóm cổ phiếu đậm tính đầu cơ này gần như là “đánh bạc” khi giá cổ phiếu chỉ có 2 trạng thái, tăng trần hoặc giảm sàn.
Theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect, các cổ phiếu bất động sản có “chất lượng tốt” không chỉ sở hữu quỹ đất mà còn phải có nhiều yếu tố khác như tính pháp lý, cơ sở hạ tầng, khả năng mở rộng kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận bền vững. “Trong ngắn hạn, thị trường sẽ tiếp tục có những nhịp điều chỉnh để cân bằng trở lại, trước khi bước vào xu hướng tăng ổn định trong dài hạn”, báo cáo chiến lược của VNDirect vào đầu tháng 2 vừa qua đánh giá.