Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu chip toàn cầu bị bán tháo

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cổ phiếu của các hãng chip lớn trên toàn cầu bị bán tháo đồng loạt trước thông tin chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch siết chặt xuất khẩu bán dẫn sang Trung Quốc.

Trong phiên giao dịch 18-7, nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu của các hãng chip hàng đầu châu Á. Ảnh minh họa: nhân viên giao dịch trên sàn chứng khoán New York

Trong phiên giao dịch 18-7, nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu của các hãng chip hàng đầu châu Á, từ TSMC của Đài Loan, cho đến Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc và Tokyo Electron của Nhật Bản. Giá cổ phiếu TSMC giảm 2,43% bất chấp hãng báo cáo lợi nhuận quí ròng trong quí 2 tăng 36,3%. Giá cổ phiếu Samsung ban đầu giảm gần 2% nhưng phục hồi vào cuối ngày với mức tăng nhẹ. Giá cổ phiếu của SK Hynix giảm 3,63%, riêng cổ phiếu Tokyo Electron giảm sâu gần 9%.

Trong phiên giao dịch trước đó, cổ phiếu của các hãng chip ở Mỹ cũng chìm trong sắc đỏ. Chỉ số bán dẫn PHLX Semiconductor Sector, theo dõi giá cổ phiếu của 30 công ty lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, phân phối, sản xuất và kinh doanh bán dẫn ở Mỹ giảm gần 7%, giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ tháng 3-2020. Mức giảm mạnh khiến vốn hóa của chỉ số này bị “thổi bay” 480 tỉ đô la Mỹ.

Giá cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip ASML Holding (Hà Lan) giảm 11% dù công ty báo cáo lợi nhuận quí 2 vượt vượt kỳ vọng. Nvidia, nhà cung cấp chip AI hàng đầu, chứng kiến giá cổ phiếu giảm gần 7%, mất hơn 200 tỉ đô la vốn hóa thị trường. Cổ phiếu của các hãng chip khác gồm, AMD, Qualcomm, Micron, Broadcom và Arm đều giảm giá hơn 5%.

Nhà đầu tư toàn cầu tháo chạy khỏi cổ phiếu chip trước thông tin Mỹ chuẩn bị siết chắt các hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc.

Hãng tin Bloomberg hôm 17-7 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc áp dụng “quy định về sản phẩm trực tiếp nước ngoài” (FDPR),cho phép Mỹ cấm xuất khẩu các sản phẩm sản xuất ở nước ngoài có sử dụng hàm lượng công nghệ Mỹ ở mức nhỏ nhất. Các nguồn tin nói rằng, Mỹ có thể triển khai quy định này nếu các hãng chip nước ngoài như ASML Holding và Tokyo Electron tiếp tục để Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến.

Trong một thỏa thuận với Washington trước đây, Hà Lan và Nhật Bản đồng ý hạn chế xuất khẩu các thiết bị chip quan trọng sang Trung Quốc. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ muốn siết chặt xuất khẩu hơn nữa bằng cách cấm cấm các hãng chip trong nước thực hiện dịch vụ bảo trì và sửa chữa đối với các thiết bị chip cao cấp đã có sẵn ở Trung Quốc. Điều đó có thể có nghĩa là Tokyo Electron và ASML, hai nhà cung cấp thiết bị sản xuất bán dẫn quan trọng của thế giới, phải dừng các dịch vụ này tại Trung Quốc.

Dữ liệu cho thấy, xuất khẩu thiết bị sản xuất bán dẫn của Nhật Bản sang Trung Quốc tăng 84% trong nửa đầu năm 2024 so với một năm trước. Trong khi đó, 42% doanh thu quí 2 của ASML đến từ thị trường Trung Quốc. ASML hiện là công ty duy nhất cung cấp công cụ sản xuất chip cao cấp bằng cách sử dụng kỹ thuật in thạch bản cực tím. Năm 2023, Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ hai của ASML, chiếm 29% doanh thu do các công ty Trung Quốc mua thiết bị trước khi yêu cầu cấp phép có hiệu lực.

Hồi tháng 4, Mỹ cũng hối thúc Hàn Quốc hạn chế xuất khẩu thiết bị và công nghệ sản xuất chip nhớ và chip logic sang Trung Quốc. Phản ứng trước thông tin này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Mỹ “chính trị hóa thương mại và khái niệm an ninh quốc gia”.

Những phát biểu mới đây của ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump càng gây lo ngại cho ngành bán dẫn. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg hôm 16-7, ông nói Đài Loan, quê hương của TSMC, phải trả tiền để được Mỹ hỗ trợ quân sự trong trường hợp hòn đảo này bị Bắc Kinh phát động tấn công để thu hồi. Ông Trump ví Mỹ như “một công ty bảo hiểm” cho Đài Loan nhưng không nhận lại được gì cả. Trung Quốc từ lâu xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời.

Ông Trump, người đang có cơ hội chiến thắng cao hơn Tổng thống Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng, cũng chỉ trích Đài Loan “tước đoạt” 100% hoạt động kinh doanh bán dẫn của Mỹ. Một cam kết hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho Đài Loan không chỉ giúp bảo đảm an ninh của hòn đảo mà còn củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào hệ sinh thái bán dẫn trong khu vực.

Phát biểu trên của vị ứng viên đảng Cộng hòa làm dấy lên lo ngại về tương lai TSMC cũng như chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. TSMC đang đầu tư hàng chục tỉ đô la để xây dựng hai nhà máy sản xuất chip ở Mỹ.

Bất ổn ở Đài Loan, mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng bán dẫn, có thể dẫn đến những tác động vượt ra khỏi hòn đảo này. Tình trạng thiếu chip và gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã gây xáo động các thị trường toàn cầu, ảnh hưởng đến một loạt ngành công nghiệp từ ô tô đến thiết bị điện tử tiêu dùng.

Michael Sobolik, thành viên cấp cao tại Hội đồng chính sách đối ngoại Mỹ, nhận định, nếu quay trở lại điều hành Nhà Trắng, ông Trump có thể siết chắt xuất khẩu chip sang Trung Quốc hơn nữa.

Theo Bloomberg, Asia Times

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới